Dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ tăng 1,53%, thấp nhất trong 5 năm qua
TCDN - Dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022, mức tăng rất thấp so với 5 năm qua, do tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp của nền kinh tế toàn cầu, theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng.
Tại Hội thảo “Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và vấn đề thu hồi nợ hiện nay” diễn ra ngày 16/11, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 tổ chức tín dụng triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng.
Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế (trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tạm tính là 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho cho vay tiêu dùng toàn hệ thống).
Để giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay nhất là lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng cá nhân, từ đó hạn chế tín dụng đen cũng như phổ cập tài chính toàn diện quốc gia, các tổ chức tín dụng đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình hoạt động, tăng dư nợ tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí, nâng dần hiệu quả sử dụng vốn, cải cách thủ tục hành chính, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, mở rộng mạng lưới đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa...
Tuy nhiên, theo ông Hùng, hiện nay, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến hoạt động cho vay nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp, đến cuối tháng 9/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022, mức tăng rất thấp so với 5 năm qua.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng ngày càng cao. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý đó là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền; các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kéo theo nhiều hệ lụy cho các tổ chức tín dụng nhưng không bị xử lý…
“Tất cả những điều trên làm cho hoạt động thu hồi nợ, đặc biệt là nợ tín dụng tiêu dùng của tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, một số tổ chức tín dụng buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh”, ông Hùng nêu rõ.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ở các nước phát triển trên thế giới, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Trong khi đó, đời sống xã hội, điều kiện kinh tế của chúng ta và thu nhập của người dân ngày càng phát triển thì rõ ràng tiêu dùng và vay để phục vụ tiêu dùng là vấn đề hết sức khách quan và là nhu cầu cấp thiết của xã hội, của nền kinh tế và của từng người dân. Với tính cấp thiết đó thì vai trò của nhà nước trong vấn đề xây dựng thể chế, thiết lập hoạt động như thế nào cũng được đặt ra.
Theo ông Đào Minh Tú, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay tiêu dùng; Ban hành các quy định về giới hạn giải ngân, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay phục vụ đời sống để quản lý hiệu quả chất lượng tín dụng cũng như kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng tiêu dùng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, cảnh báo các tổ chức tín dụng về các vấn đề rủi ro.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899