Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quản lý thuế
TCDN - Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác quản lý thuế và phân cấp thẩm quyền khoanh nợ, xoá nợ thuế là hai nội dung mới được quan tâm tại dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Sáng 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Thống nhất bổ sung nhiệm vụ của các bộ, ngành trong việc quản lý thuế
Trình bày báo cáo giải trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đóng góp của Thường trực UBTCNS và cơ quan soạn thảo đã thống nhất bổ sung nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở Trung ương trong việc quản lý thuế như: trách nhiệm của Bộ Công thương liên quan đến hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trong phối hợp với cơ quan quản lý thuế, nhượng quyền thương mại và các hoạt động liên quan; trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện các biện pháp quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan…
Dự thảo cũng sửa đổi quy định về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng trong việc thẩm định dự án đầu tư để xác định giá trị đầu tư của dự án, làm căn cứ để xác định đúng nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật, thay cho nhiệm vụ "Phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc chống chuyển giá đối với các dự án đầu tư làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế" đã được quy định tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Nội dung cụ thể thể hiện tại Điều 15 của dự thảo Luật.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước (Điều 21) và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Thanh tra Nhà nước (Điều 22), nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh khoản 2 Điều 21 và khoản 2 Điều 22 theo hướng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), cơ quan Thanh tra Nhà nước (TTNN) chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kiến nghị của KTNN, kết luận của cơ quan TTNN.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực UBTCNS và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý khoản 2 Điều 21, khoản 2 Điều 22 của dự thảo Luật theo hướng, cơ quan KTNN, TTNN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do KTNN, cơ quan thanh tra ban hành và bỏ khoản 3 Điều 110 và khoản 3 Điều 119 của dự thảo Luật trình Quốc hội.
Đồng thời, để khắc phục tồn tại trong thực tiễn phát sinh khi cơ quan KTNN và cơ quan TTNN tiến hành thanh tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế có liên quan đến nghĩa vụ người nộp thuế, UBTCNS và cơ quan soạn thảo thống nhất sửa đổi theo hướng, cơ quan KTNN và TTNN phải có trách nhiệm gửi văn bản có kiến nghị cho người nộp thuế về các nội dung có liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện theo kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN và cơ quan thanh tra.
Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN và cơ quan thanh tra thì thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kiến nghị, kết luận của KTNN và cơ quan TTNN theo quy định của Luật KTNN, Luật Thanh tra và Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính.
Phân cấp thẩm quyền xoá nợ thuế
Về khoanh nợ, xoá thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt, một số ý kiến đề nghị cần có đánh giá kỹ hơn về tình hình nợ thuế, các biện pháp xử lý và không nên xóa nợ đối với số nợ tiền đất (bao gồm cả tiền sử dụng đất) trên 10 năm. Tại dự thảo, hai cơ quan thống nhất bổ sung một khoản quy định: "Các trường hợp được xóa nợ quy định tại Điều này không áp dụng đối với các khoản thu từ đất".
Tiếp thu các ý kiến về thẩm quyền xoá nợ thuế, tiền phạt, dự thảo Luật cũng bổ sung trách nhiệm của người thi hành công vụ là cán bộ công chức thuế. Về việc phân cấp thẩm quyền quyết định về xóa nợ thuế, hai cơ quan thống nhất hoàn chỉnh dự án Luật theo hướng: Mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của cục trưởng cục thuế, cục trưởng cục hải quan. Đồng thời, UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND tỉnh về tình hình xóa nợ thuế tại phiên họp đầu năm.
Đối với các khoản nợ thuế từ 5 tỷ đồng trở lên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ thuế đối với các khoản nợ từ 10 tỷ đồng trở lên.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH đánh giá báo cáo giải trình, sự phối hợp, thống nhất giữa hai cơ quan. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến phân cấp, trách nhiệm giữa các cơ quan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tại điều 21, 22, quy định về hội đồng tư vấn thuế tại điều 28… Theo Chủ tịch Quốc hội, cần làm rõ trách nhiệm, chế độ đãi ngộ đối với hội đồng tư vấn thuế ra sao, thay vì chỉ có nhiệm vụ.
Cơ bản thống nhất với dự thảo, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị tập trung hơn vào công tác thanh tra, kiểm tra, luân chuyển cán bộ, tránh xảy ra tiêu cực. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị chú trọng giải pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử...
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ rà soát để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật. Đồng thời, Bộ trưởng cũng làm rõ thêm vấn đề liên quan đến điều 21, 22 dự thảo Luật. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, từ năm 2013 đến năm 2018, đã phát sinh 14 vụ kiện của doanh nghiệp theo kết luận của KTNN. Trong đó, xử 10 vụ thì thua cả 10 vụ, 3 vụ đang tiếp tục thụ lý và 1 vụ tạm dừng vì có tình tiết mới.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, bên cạnh trường hợp kiểm toán trực tiếp đối tượng nộp thuế, với trường hợp kiểm toán cơ quan thuế, thì cơ quan kiểm toán cũng phải có trách nhiệm, trích lục để cơ quan quản lý thuế căn cứ vào đó ra quyết định hành chính thu thuế. Hiện nay, thực tế nhiều trường hợp khi ra toà, cơ quan thuế đã thua kiện khi không giải trình được. Đơn cử ví dụ về 2 vụ việc Chính phủ đang giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành xử lý hiện nay là Sabeco và Unilever, kết luận của kiểm toán 2 lần ra 2 số khác nhau, lần đầu là 882,9 tỷ đồng, lần 2 kết luận là 575,8 tỷ đồng, đối tượng mới chấp nhận 316 tỷ đồng.
"Tinh thần đúng như Chủ tịch Quốc hội nói ai làm thì phải có trách nhiệm. Đồng ý là kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế thì cơ quan quản lý thuế là đối tượng, phải có trách nhiệm cùng với KTNN. Nhưng người cuối cùng phải là KTNN, là cơ quan ra kết luận", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói./.
Theo Thời báo tài chính Việt Nam
email: [email protected], hotline: 086 508 6899