Đưa vụ Tập đoàn Thuận An và Phúc Sơn vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi

30/05/2024, 14:38
báo nói -

TCDN - Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đưa 2 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long...

Sáng 30/5, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến đối với kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ đầu năm đến nay.

Chân dung Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn Thuận An và Nguyễn Văn Hậu (Hậu pháo) - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và Ảnh: BCA.

Chân dung Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Tập đoàn Thuận An và Nguyễn Văn Hậu (Hậu "pháo) - Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và Ảnh: BCA.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.100 vụ/4.211 bị can, truy tố 2.030 vụ/4.042 bị can, xét xử sơ thẩm 1.686 vụ/3.198 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó đã khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 02 vụ án/08 bị can, khởi tố thêm 135 bị can trong 07 vụ án; kết luận điều tra 03 vụ án/318 bị can; kết luận điều tra bổ sung 02 vụ án/10 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 02 vụ án/304 bị can; xét xử sơ thẩm 05 vụ án/140 bị cáo; xét xử phúc thẩm 02 vụ án/09 bị cáo. 

Theo Ban chỉ đạo, trong thời gian qua, đã khởi tố, điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp, xảy ra đã lâu, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, như: Vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn; vụ án xảy ra tại tập đoàn Thuận An; hoàn thành kết luận điều tra, ban hành cáo trạng truy tố vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm một số địa phương và vụ án xảy ra tại tập đoàn FLC; hoàn thành xét xử sơ thẩm 02 vụ án trọng điểm xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và tập đoàn Tân Hoàng Minh, với mức án rất nghiêm khắc, cũng rất nhân văn, trong đó, lần đầu tiên tuyên phạt tử hình đối với 01 bị cáo là chủ doanh nghiệp tư nhân về tội “tham ô tài sản”. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; vi phạm do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương, vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tích cực, khẩn trương hoàn thành 07/08 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 07 tổ chức đảng liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật đối với 68 tổ chức đảng, 104 đảng viên, trong đó có 20 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Chỉ đạo, đôn đốc 68 cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành kiểm tra 830 dự án, gói thầu liên quan đến Công ty AIC. Đến nay, 60/68 cấp ủy, tổ chức đảng hoàn thành việc kiểm tra đối với 782/830 dự án, gói thầu; qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật 65 tổ chức đảng, 127 đảng viên, chuyển cơ quan điều tra 26 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 07 chuyên đề, vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, đến nay đã kết thúc quá trình thanh tra, đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra đối với 01 chuyên đề, 01 vụ việc. Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành kiểm toán 02 vụ việc theo kiến nghị của Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo.

Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, giai đoạn thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 7.500 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay lên hơn 85 nghìn tỷ đồng.  

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác PCTNTC; tập trung xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm. Nhất là tập trung kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến tập đoàn FLC, Công ty AIC, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn - Đại Ninh (Lâm Đồng);… tích cực phối hợp chặt chẽ trong truy bắt, dẫn độ bằng được những bị can, bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài về nước để thi hành án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cũng tại Cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất đưa 02 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các cơ quan, địa phương liên quan; và Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và một số cơ quan, địa phương liên quan.

Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024 kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 36 vụ án, 08 vụ việc; trong đó, phấn đấu đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 06 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

PV
Bạn đang đọc bài viết Đưa vụ Tập đoàn Thuận An và Phúc Sơn vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan