Duyệt đề án tái cơ cấu ngân hàng SCB
TCDN - Đề án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Theo Báo cáo tài chính năm 2019, SCB hiện là ngân hàng có quy mô tổng tài sản nằm trong top năm ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam với hơn 567.894 tỷ đồng. Hiện, ngân hàng này có 239 điểm giao dịch tại 28 tỉnh, thành phố, số lượng cán bộ nhân viên hơn 7.300 người.
Từ năm 2018, Chính phủ và NHNN đã có chủ trương cho phép SCB xây dựng phương án tái cơ cấu mới cho giai đoạn tiếp theo. Đây được xem là phương án tái cơ cấu chủ động hỗ trợ thêm một số cơ chế mới, là giải pháp tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính giúp SCB vững chắc hơn sau quá trình tái cơ cấu, phát triển một cách lành mạnh và tích cực hơn.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết: SCB xác định bên cạnh việc xử lý thu hồi nợ xấu, nợ tồn đọng trong quá trình tái cơ cấu, việc thúc đẩy phát triển kinh doanh ngân hàng bán lẻ và cung cấp các dịch vụ ngân hàng hiện đại là xu thế tất yếu.
Do đó, giai đoạn 2019 – 2020 SCB sẽ tập trung nguồn lực để cơ cấu lại hoạt động tín dụng và nâng cao năng lực tài chính; đồng thời, đầu tư nền tảng về công nghệ, nhân sự và phát triển hệ thống khách hàng từ đó tích tụ nguồn lực phát triển Ngân hàng bán lẻ và Ngân hàng số trong tương lai.
"SCB mong muốn mang lại sự hài lòng và trải nghiệm tốt nhất cho Khách hàng và đặt mục tiêu sẽ trở thành ngân hàng có chất lượng dịch vụ và quản trị trải nghiệm hàng đầu tương xứng với TOP 5 về quy mô tổng tài sản”, ông Văn nói.
SCB được hợp nhất vào năm 2011 từ ba ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Sài Gòn (SCB) đều có trụ sở tại TP.HCM. Đây là thương vụ hợp nhất đầu tiên trong ngành ngân hàng Việt Nam, đánh dấu sự bắt đầu quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của SCB, hai pháp nhân nắm tỷ lệ sở hữu lớn nhất là Công ty Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú (13%) và Noble Capital Group (9%).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899