Giá cả leo thang, CPI tháng 5/2022 tăng mạnh
TCDN - Giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm và hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, trong đó khu vực thành thị tăng 0,34%; khu vực nông thôn tăng 0,42%.
CPI tháng 5/2022 tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân đến từ giá xăng dầu trong nước bị đẩy lên theo giá thế giới, cộng với giá lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng do ảnh hưởng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.
Cụ thể, trong tháng 5, các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu tăng lần lượt 5,93% và 3,99% khiến CPI của nhóm giao thông có mức bật cao nhất với 2,34%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá; 1 nhóm hàng giảm giá, đó là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, giảm 0,13% so với tháng trước.
Cụ thể, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 0,28%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 0,22%, tác động tăng 0,05 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,4%, tác động tăng 0,03 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 5/2022 tăng 0,33% so với tháng trước do giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng, cụ thể: Giá nước giải khát có ga tăng 0,2% so với tháng trước; nước quả ép tăng 0,1%;rượu bia tăng 0,45% và thuốc hút tăng 0,28%.
Nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tháng 5/2022 tăng 0,18% so với tháng trước do giá nguyên phụ liệu sản xuất tăng vì ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine và chiến lược Zero Covid-19 từ Trung Quốc…
Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 5/2022 tăng 2,34% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnhgiá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới làm cho giá xăng tăng 5,93%; giá dầu diezen tăng 3,99%. Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 1,06% so với tháng trước do giá nhiên liệu tăng. Giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,05%; thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,22%; phụ tùng tăng 0,17%...
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 5/2022 là nhóm giảm giá duy nhất trong tháng, với mức giảm 0,13% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá gas giảm 5,38% so với tháng trước vì từ ngày 01/5/2022, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 29.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 95 USD/tấn.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 1,1%.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899