Giá xăng dầu tăng cao khiến CPI tháng 1 tăng 1,94%

03/02/2022, 08:21

TCDN - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới.

Tháng 1/2022 là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tháng 01/2022 tăng 0,66%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,19% của CPI tháng 1/2022 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng giữ giá ổn định.

Giá xăng dầu tăng liên tục khiến giá CPI tăng cao.

Giá xăng dầu tăng liên tục khiến giá CPI tăng cao.

Cụ thể, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 1,18% (làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 25/12/2021; 11/01/2022 và 21/01/2022 làm chỉ số giá xăng tăng 2,65%, dầu diezen tăng 2,81%. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng tăng 0,13%; dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân tăng 0,11%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,51%.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,57% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng trong dịp Tết khiến giá rượu bia tăng 0,76%; đồ uống không cồn tăng 0,27%; thuốc hút tăng 0,47%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,26% do nhu cầu mua sắm quần áo chuẩn bị Tết Nguyên đán Nhâm Dần tăng.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,18%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,16% .

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,07%, trong đó giá dầu hỏa tăng 2,9%; giá nước sinh hoạt tăng 1% do nhu cầu sử dụng nước cuối năm tăng cao; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,25% (làm CPI tăng 0,01 điểm phần trăm), giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,53% do giá sắt thép, xi măng tăng và nhu cầu sửa chữa, trang hoàng nhà cửa đón Tết Nguyên đán tăng…

Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,03%.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giữ giá ổn định, trong đó: Lương thực tăng 0,08% ; thực phẩm giảm 0,09% do Trung Quốc siết chặt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại một số cửa khẩu khiến nông sản của Việt Nam bị ùn tắc, thương lái ngừng mua; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,18% do giá xăng dầu, giá thực phẩm tươi sống, giá sữa, dầu ăn tăng khiến các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng giá bán.

Lạm phát cơ bản tháng 1/2022 tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Giá xăng dầu tăng cao khiến CPI tháng 1 tăng 1,94% tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giá trứng tăng trên 10% đẩy CPI tháng 8 tăng 0,25%
Tổng cục Thống kê cho hay, trong tháng 8 giá trứng các loại tăng 10,28% do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội và các doanh nghiệp đang thu mua để chế biến trứng vịt muối cho mùa Trung thu sắp tới giúp CPI tháng 8 tăng.
CPI tháng 7 tăng 0,62%
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,62% (khu vực thành thị tăng 0,64%; khu vực nông thôn tăng 0,6%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm tăng giá so với tháng trước, 3 nhóm giảm giá, riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giữ giá ổn định.