CPI tăng 1,84% thấp nhất trong 5 năm trở lại đây

29/11/2021, 14:31

TCDN - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng năm 2021 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Đánh giá về CPI tháng 11, theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; các địa phương dần trở lại với trạng thái “bình thường mới” khiến giá hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng là các nguyên nhân chính làm CPI tháng 11/2021 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 2% so với tháng 12/2020 và tăng 2,1% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 11 tháng tăng 0,82%.

Trong mức tăng 0,32% của CPI tháng 11/2021 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu giúp CPI tăng.

Các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu giúp CPI tăng.

Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,11% (làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 26/10/2021, ngày 10/11/2021 và ngày 25/11/2021 làm chỉ số giá xăng tăng 8,12%, dầu diezen tăng 7,3%. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng tăng 0,22%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,86% do giá xăng, dầu tăng.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,46% (làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm), trong đó giá điện sinh hoạt tăng 1,04% (làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm) do một số địa phương đã kết thúc thời gian được Chính phủ hỗ trợ giá trên hóa đơn tiền điện; giá nước sinh hoạt tăng 1,94%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,94% (làm CPI tăng 0,02 điểm phần trăm), do nhu cầu xây dựng tăng trở lại sau thời gian tạm dừng và giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,33% do nhu cầu tiêu dùng của người dân và chi phí vận chuyển tăng.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,25% do thời tiết chuyển mùa nên nhu cầu mua sắm quần áo và giày dép thu đông của người dân tăng.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19% do nhu cầu sử dụng các thiết bị và đồ dùng gia đình phục vụ mùa đông tăng khi thời tiết chuyển lạnh ở các tỉnh miền Bắc.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04% do thời tiết chuyển lạnh, không khí ẩm khiến các loại vi rút gây bệnh sinh sôi mạnh, các bệnh về hô hấp dễ xảy ra nên nhu cầu các mặt hàng thuốc, dụng cụ y tế tăng.

Nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,03%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,25% do giá nhóm đồ trang sức tăng 2,12% theo giá vàng trong nước; dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 0,56% và vật dụng về hỉ tăng tăng 0,48% do nhu cầu cưới hỏi tăng.

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nhóm giáo dục giảm 0,92% (làm CPI chung giảm 0,06 điểm %), trong đó dịch vụ giáo dục giảm 1,06% do một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17% (làm CPI chung giảm 0,06 điểm %) do nguồn cung dồi dào, trong đó: Lương thực tăng 0,22%; thực phẩm giảm 0,4%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,23%.

Lạm phát cơ bản tháng 11/2021 tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Vũ Nam
Bạn đang đọc bài viết CPI tăng 1,84% thấp nhất trong 5 năm trở lại đây tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giá trứng tăng trên 10% đẩy CPI tháng 8 tăng 0,25%
Tổng cục Thống kê cho hay, trong tháng 8 giá trứng các loại tăng 10,28% do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội và các doanh nghiệp đang thu mua để chế biến trứng vịt muối cho mùa Trung thu sắp tới giúp CPI tháng 8 tăng.
CPI tháng 7 tăng 0,62%
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,62% (khu vực thành thị tăng 0,64%; khu vực nông thôn tăng 0,6%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm tăng giá so với tháng trước, 3 nhóm giảm giá, riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giữ giá ổn định.
CPI năm 2021 có thể đạt 4%?
CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, năm 2021, CPI có thể đạt 4%.
CPI tăng 1,29% thấp nhất trong vòng 5 năm qua
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng bình quân 5 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.