Giá trứng tăng trên 10% đẩy CPI tháng 8 tăng 0,25%

29/08/2021, 16:23

TCDN - Tổng cục Thống kê cho hay, trong tháng 8 giá trứng các loại tăng 10,28% do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội và các doanh nghiệp đang thu mua để chế biến trứng vịt muối cho mùa Trung thu sắp tới giúp CPI tháng 8 tăng.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020.

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 8 tháng tăng 0,9%.

Trong mức tăng 0,25% của CPI tháng 8/2021 so với tháng trước có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 4 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 3 nhóm giữ giá ổn định.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất với 0,74% (làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm) do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, trong khi nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội. Trong đó, lương thực tăng 0,69%; thực phẩm tăng 0,97%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%.

Giá trứng tăng trên 10% giúp CPI tháng 8 tăng 0,25%

Giá trứng tăng trên 10% giúp CPI tháng 8 tăng 0,25%

Giá thịt gia cầm tăng 0,66%; giá trứng các loại tăng 10,28% do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội và các doanh nghiệp đang thu mua để chế biến trứng vịt muối cho mùa Trung thu sắp tới; giá thủy sản tươi sống tăng 2,24% do chi phí vận chuyển, bảo quản và nhu cầu tiêu dùng, tích trữ tăng; giá rau tươi, khô và chế biến tăng 5,12% do vận chuyển hàng hóa khó khăn, nguồn rau về chợ bán lẻ giảm tại một số địa phương; giá quả tươi và chế biến tăng 0,52% do trong tháng có ngày rằm tháng Bảy âm lịch.

Ở chiều ngược lại, giá thịt lợn giảm 1,81% (làm CPI tháng 8 chung giảm 0,06 điểm phần trăm) do dịch tả lợn châu Phi ở các địa phương được kiểm soát tốt, nguồn cung thịt lợn tăng; giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn giảm (giá thịt quay, giò, chả giảm 0,37%; mỡ động vật giảm 4,13%).

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát khi thời tiết nắng nóng tăng cao và giá thuốc lá tăng do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung giảm.

Nhóm giáo dục tăng 0,04% do giá văn phòng phẩm tăng 0,34%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% chủ yếu do dịch Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp, các địa phương đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng, chống dịch nên nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch tăng làm giá các loại thuốc tăng 0,08%.

Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: nhóm giao thông giảm 0,06% chủ yếu do nhiều đại lý ô tô đưa ra các gói ưu đãi, giảm giá xe hấp dẫn nhằm kích thích sức mua của người tiêu dùng trong tháng Bảy âm lịch làm cho giá ô tô giảm; bên cạnh đó, giá vận tải đường sắt giảm 0,37% khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá.

Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05% do giá điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,16% và phụ kiện điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,5%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,03% chủ yếu do giá thiết bị văn hóa giảm 0,22%; du lịch trọn gói giảm 0,04%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.

Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ giữ giá ổn định gồm: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, trong đó: giá điện sinh hoạt tăng 0,35% (làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm) chủ yếu ở các địa phương không được hỗ trợ giảm giá tiền điện; giá gas tăng 2,95%; mặt khác, giá dầu hỏa giảm 1,71%; tiền thuê nhà giảm 1,7% do nhiều hộ gia đình giảm giá để chia sẻ khó khăn với người dân, đồng thời khuyến khích cho thuê lâu dài trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,2%; giá nước sinh hoạt giảm 0,3%.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình có giá ổn định chủ yếu do các siêu thị điện máy giảm giá hàng loạt sản phẩm để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19, tuy nhiên nhu cầu sử dụng các loại vật phẩm tiêu dùng gia đình tăng làm cho giá xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,11%; thuốc diệt côn trùng tăng 0,17%.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác cũng là nhóm hàng giữ mức giá ổn định so với tháng trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 8/2021 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm nay tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tháng 8/2021 giảm so với tháng trước sau khi số liệu thị trường việc làm Mỹ tháng 7/2021 vượt kỳ vọng. Theo đó, đồng đô la Mỹ tăng giá, thị trường chứng khoán tăng điểm và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh khiến cho nhu cầu đối với vàng giảm.

Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 25/8/2021 giảm 0,9% so với tháng 7/2021. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 8/2021 giảm 0,49% so với tháng trước; giảm 1,65% so với tháng 12/2020 và giảm 3,02% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo số lượng việc làm tại Mỹ tháng 7/2021 tăng cao nhất kể từ tháng 8/2020. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2021 giảm 0,44% so với tháng trước; giảm 0,67% so với tháng 12/2020 và giảm 0,92% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế trong điều kiện giãn cách xã hội kéo dài.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Giá trứng tăng trên 10% đẩy CPI tháng 8 tăng 0,25% tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

CPI tháng 7 tăng 0,62%
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,62% (khu vực thành thị tăng 0,64%; khu vực nông thôn tăng 0,6%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm tăng giá so với tháng trước, 3 nhóm giảm giá, riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giữ giá ổn định.
CPI năm 2021 có thể đạt 4%?
CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, năm 2021, CPI có thể đạt 4%.
CPI tăng 1,29% thấp nhất trong vòng 5 năm qua
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng bình quân 5 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.