CPI năm 2021 có thể đạt 4%?

04/07/2021, 13:44

TCDN - CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, năm 2021, CPI có thể đạt 4%.

Năm 2021 CPI ở mức 4%?

Năm 2021 CPI ở mức 4%?

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Phòng chính sách tổng hợp (Cục Quản lý giá) cho biết, về mặt “con số” thì rủi ro lạm phát trong năm là không lớn, theo ước tính của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), CPI mỗi tháng cuối năm còn có dư địa trên 1% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm dưới 4%. Do vậy, có thể thấy việc kiểm soát CPI bình quân cả năm ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra.

Tuy nhiên, theo ông Định, việc kiểm soát lạm phát không chỉ hướng thuần tuý đến vấn đề chỉ tiêu Quốc hội giao mà cần phải được đặt trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, là đòn bẩy cho sản xuất kinh doanh cũng như ổn định tâm lý người tiêu dùng. Việc kiểm soát CPI bình quân cũng cần hướng đến việc kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12 nhằm tạo nền lạm phát cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2022.

Theo PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4%, trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên giá một số nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến thị trường trong nước; dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng.

Ông Ngô Trí Long nhấn mạnh, với diễn biến lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 0,87% cùng kỳ là điều kiện thuận lợi để tạo dư địa kiểm soát lạm phát như mục tiêu. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan vì áp lực lạm phát sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm, mặc dù đang ở mức thấp nhưng đang tăng dần.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay, muốn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát hợp lý ở mức 4%, cần phải huy động các nguồn lực trong doanh nghiệp, các tầng lớp dân cư vào sản xuất kinh doanh. Nhà nước cần kiểm soát giá những mặt hàng vật tư, năng lượng chủ yếu và những mặt hàng thuộc danh mục định giá để ổn định đầu vào sản xuất. Cùng với đó, nghiên cứu mức dự trữ bình quân cần thiết cho việc tiêu thụ trong nước được ổn định và ít đột biến, nhất là những mặt hàng như xăng dầu.

Ông Phú nói: “Chúng ta không chỉ đơn thuần nhìn vào những tốn phí của quỹ hàng hoá dự trữ quốc gia, mà phải nhìn xa hơn, rộng hơn do cái lợi rất lớn khi giá cả những mặt hàng thiết yếu được giữ ổn định khi có dự trữ, nhất là lúc chuỗi cung ứng những hàng hoá đó đang có những bất ổn, ít nhiều đều ảnh hưởng đến thị trường giá cả Việt Nam trong năm nay và những năm tiếp theo”.

Vũ Nam
Bạn đang đọc bài viết CPI năm 2021 có thể đạt 4%? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

CPI tăng 1,29% thấp nhất trong vòng 5 năm qua
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng bình quân 5 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.
CPI tháng 2 giảm 0,17% do tác động của Covid-19
Cùng với việc hàng hóa trở về mặt bằng giá trước Tết, dịch Covid-19 làm cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí giảm và giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng 2.