Du lịch Việt Nam đang từng bước phục hồi và phát triển "bình thường mới"

02/02/2022, 16:32

TCDN - Sau 4 đợt dịch bùng phát, nguồn lực doanh nghiệp đã hết sức cạn kiệt, du lịch đã "chạm đáy". Việc mở cửa, khôi phục du lịch là một yêu cầu cấp bách, giúp lan tỏa, kích thích phục hồi lại các ngành nghề khác trong nền kinh tế.

Du lịch thiệt hại nặng nề vì dịch

Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong vòng 2 năm 2020 và 2021, từ một ngành đạt tăng trưởng trên 2 con số, đóng góp hiệu quả, quan trọng với hơn 9% vào GDP cả nước, từ khi đại dịch bùng phát, ngành du lịch gần như "tê liệt".

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Năm 2020 - 2021, lượng khách quốc tế giảm 80 - 90% (10 - 20% lượng khách còn lại chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao). Lượng khách nội địa hai năm qua cũng giảm đáng kể.

Nhiều điểm du lịch lớn dừng hoạt động, những nơi còn mở cửa thì không tổ chức các lễ hội.Không có khách quốc tế, khách nội địa cũng ồ ạt hủy, hoãn tour do tâm lý e ngại. Các địa phương vốn là điểm nóng du lịch nay cũng gặp tình trạng sụt giảm lượng khách chưa từng có.

Đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, du lịch tái khởi động với hàng triệu khách chuẩn bị kế hoạch cho chuyến đi, các địa phương chủ động kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch ở các khu, điểm du lịch và cơ sở lưu trú, nhà hàng...

Kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, nhiều địa phương đón hàng chục, hàng trăm nghìn lượt khách như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), Nha Trang, Phú Quốc, Kiên Giang, Đà Nẵng...

Ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4, số ca nhiễm Covid-19 trong nước tăng cao, các địa phương dừng hoạt động du lịch và kể từ đó du lịch Việt Nam bước vào thời kỳ đóng băng nhiều tháng, khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước áp dụng giãn cách xã hội.

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, 9 tháng đầu năm 2021, lượng khách nội địa giảm 16% so với cùng kỳ 2020 và giảm 52% so 2019. Tổng doanh thu từ du lịch 9 tháng đạt gần 137.000 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ 2020.Đến tháng 10, hơn 30% doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành.

Lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch, chiếm 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch, cũng đóng cửa khoảng 90% và hầu như chỉ đón khách cách ly.

Thích ứng an toàn, đẩy mạnh du lịch nội địa

Trong bối cảnh công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam được xác định là còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, việc vừa kiểm soát dịch bệnh vừa triển khai các hoạt động khôi phục lại ngành du lịch là vô cùng quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, việc thực hiện lộ trình mở cửa, khôi phục lại hoạt động du lịch của nước ta phải theo phương châm "an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn".

Ngày 7/9/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL về triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành. Cuối tháng 9, hàng loạt địa phương như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Lâm Đồng, TP HCM... đã mở lại du lịch nội tỉnh.

Giải pháp được nhiều doanh nghiệp lữ hành đưa ra trong giai đoạn này là tour khép kín. Giữa tháng 10, nhiều nơi thí điểm đón khách ngoại tỉnh tới các khu nghỉ dưỡng biệt lập hoặc khu du lịch khép kín, cùng với đó là yêu cầu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV trong vòng 72h.

Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 để đưa cả nước sang trạng thái bình thường mới, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Sau đó một tuần, ngày 18/10/2021, Bộ VHTT&DL ban hành Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL về việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Theo đó, ở cả 4 cấp độ dịch, du lịch đều được phép hoạt động nhưng theo quy mô nhất định. Khách du lịch lúc này không cần phải xét nghiệm nCoV, trừ khi điều tra dịch tễ đến từ vùng cấp độ 3 và 4 hoặc có triệu chứng ho, sốt, đau họng...

Ngày 1/11/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về Phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã nhanh chóng phát động “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 lần 4” với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”.

Hiệp hội xây dựng tiêu chí an toàn trong chuỗi dịch vụ du lịch gồm an toàn với khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch. Chương trình hướng tới việc chuyển các hoạt động du lịch sang trạng thái bình thường mới, sống chung với Covid-19 và xây dựng ngành kinh tế du lịch an toàn.

Trước đó ngày 17/12, đại diện các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và Điện Biên đã ký kết hợp tác phát triển du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới.

Theo đó, các bên cùng tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ chung, cụ thể sẽ đơn giản hóa thủ tục, công khai điểm đến an toàn, doanh nghiệp đạt chuẩn an toàn đón khách. Ngoài ra các địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch đưa đón khách trong vùng, đảm bảo “2 điểm đến, 1 hành trình xuyên suốt”…

Lộ trình đón khách quốc tế trở lại

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021-2022, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng khai thác thị trường du lịch nội địa; đặt yếu tố du lịch an toàn lên hàng đầu, đồng thời mang lại trải nghiệm thật sự ấn tượng, khó quên.

Chương trình thí điểm đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” trở lại Việt Nam triển khai ngày 17/11. Chuyến bay được thực hiện bởi Vietnam Airlines, mang số hiệu VN417, có hành trình từ Seoul (Hàn Quốc) đến Đà Nẵng, với 29 khách, đánh dấu lần đầu tiên sau 18 tháng nước ta có số liệu về khách quốc tế. Tiếp theo đó là những chuyến bay đến Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa.

Tháng 1/2022, Việt Nam bước sang giai đoạn 2 của chương trình thí điểm đón khách quốc tế, với sự tham gia của Quảng Ninh, Đà Nẵng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất thêm hai địa phương đón khách là Bình Định, TP.HCM và mở rộng hình thức đón khách bằng đường bộ, đường biển.

Sở Du lịch Hà Nội cũng có đề xuất trong năm 2022 các địa phương tập trung vào thị trường khách nội địa và từng bước thu hút khách ở Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, sau đó là Bắc Mỹ, châu Âu. Cụ thể ở nửa đầu năm 2022, Thủ đô sẽ đón khách nội địa theo mô hình an toàn, nửa năm còn lại khôi phục tất cả hoạt động và đón khách quốc tế.

Hoàng Tâm
Bạn đang đọc bài viết Du lịch Việt Nam đang từng bước phục hồi và phát triển "bình thường mới" tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan