Giải pháp khơi thông thị trường vốn

25/03/2025, 09:08

TCDN - Thời gian qua, dù đối mặt với nhiều biến cố khó lường, nhưng thị trường vốn Việt Nam đã dịch chuyển theo hướng ngày càng cân đối, hài hòa và bền vững hơn như giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, tăng tỷ trọng nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Tóm tắt:

Thị trường vốn là cấu phần quan trọng của thị trường tài chính - nơi cung ứng nguồn vốn trung hạn và dài hạn, góp phần huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, tạo nền tảng vật chất thiết yếu để nền kinh tế quốc gia tăng trưởng. Thời gian qua, dù đối mặt với nhiều biến cố khó lường, nhưng thị trường vốn Việt Nam đã dịch chuyển theo hướng ngày càng cân đối, hài hòa và bền vững hơn như giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, tăng tỷ trọng nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, thị trường vốn vẫn chưa phát triển đồng bộ, khiến hệ thống ngân hàng gánh vác phần lớn nhu cầu tài chính của nền kinh tế. Điều này không chỉ tạo áp lực lên hệ thống ngân hàng mà còn gia tăng rủi ro hệ thống khi một số ngân hàng lớn chi phối thị trường tài chính. Để giải quyết bất cập, khơi thông thị trường, bài viết tập trung làm rõ thực trạng, từ đó đề xuất một số giải pháp.

Từ khóa: thị trường vốn, phát triển thị trường vốn, thị trường vốn Việt Nam

1. Thực trạng

Một trong những mục tiêu củng cố nguồn tài lực đặt ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế (Nghị quyết số 39) đó là đến năm 2025 dư nợ thị trường trái phiếu đạt 55% GDP, tới năm 2035 đạt 70% GDP cùng nguồn vốn huy động cho nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm 20-30% tổng nguồn vốn đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường vốn đang bị thu hẹp, các chỉ tiêu phát triển thị trường trái phiếu và thị trường bảo hiểm khó đạt mục tiêu đề ra.

Thống kê của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho thấy tỷ trọng dòng vốn tín dụng tăng lên rõ rệt, từ mức 40,71% (năm 2019) tăng lên 53,54% (6 tháng đầu năm 2024). Trong khi đó, thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp xoay xở để cầm chừng, chỉ cung ứng lần lượt 0,75% và 8% tổng lượng vốn cho nền kinh tế trong nửa đầu năm 2024, sụt giảm lần lượt từ mức 3,1% và 12,28% trong năm 2019. Lĩnh vực bảo hiểm cũng hụt hơi, trái ngược so với thời kỳ tăng trưởng doanh thu phí ở mức hai con số nhiều năm trước đó.

Ông Lê Quốc Hưng – Ngân hàng Nhà nước cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng. Quy mô tín dụng năm 2023 đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, tỷ lệ tín dụng/GDP 2023 đạt khoảng 130%. Trong khi đó, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt khoảng 6,66 triệu tỷ đồng năm 2023, so GDP đạt khoảng 65,2%. Quy mô thị trường trái phiếu đạt khoảng 35,77% GDP (TPCP đạt khoảng 23% GDP, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 12,77% GDP). Toàn ngành bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế chưa đầy 7,5% GDP.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định, điểm yếu của nền kinh tế là chất lượng tăng trưởng chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn. “Vai trò của vốn đối với tăng trưởng mặc dù giảm nhưng vẫn là yếu tố quan trọng nhất, đóng góp 50,6% trong năm 2023; trong khi đó đóng góp của TFP (Total factor Productivity, năng suất các nhân tố tổng hợp) là 44,7%”, TS. Lực nói.

TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra sự mất cân đối trong cơ cấu các nguồn vốn cho nền kinh tế. Theo đó, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tính tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2019-2024 dựa trên phân loại theo nguồn vốn đầu tư, gồm:vốn ngân sách Nhà nước (đầu tư công); vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam); vốn tín dụng ngân hàng; vốn huy động từ thị trường chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu, cổ phần hoá...); vốn tự có và các nguồn vốn khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tín dụng vẫn là kênh cấp vốn chính cho nền kinh tế, với tỷ lệ lên tới 53,54% trong 6 tháng đầu năm 2024; trong khi đó kênh cổ phiếu chỉ chiếm 0,75%; kênh trái phiếu doanh nghiệp 8%... Đầu tư tư nhân liên tục sụt giảm từ năm 2020 đến nay, chỉ đóng góp khoảng 4-5% tổng lượng vốn cho nền kinh tế.

Theo TS. Cấn Văn Lực, khảo sát của Viện Nghiên cứu BIDV cho thấy thông thường vốn thực góp của các doanh nghiệp chỉ bằng 10-15% vốn đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Do đó, nhóm nghiên cứu ước tính vốn tư nhân hằng năm bằng 10% số vốn doanh nghiệp thành lập mới đăng ký (dựa trên số liệu Tổng cục Thống kê công bố).

Về thị trường trái phiếu, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, đến cuối năm 2023, thị trường có 460 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 2.030 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2022, tương đương 20% GDP. Thị trường trái phiếu chính phủ mỗi năm huy động khoảng 300.000 tỷ đồng, với kỳ hạn dài, lãi suất khoảng 2,7-3%/năm và hiện vẫn còn dư địa, có thể huy động thêm.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, một nguồn vốn trung và dài hạn quan trọng với nền kinh tế, theo ông Nguyễn Như Quỳnh, thị trường tăng trưởng nhanh giúp thu hẹp quy mô thị trường vốn và tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, sau giai đoạn bùng nổ và đạt khối lượng phát hành kỷ lục vào năm 2021, thị trường chứng kiến sự biến động rất mạnh. Khối lượng trái phiếu phát hành sụt giảm và hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn gia tăng, nhiều vấn đề nảy sinh do doanh nghiệp phát hành không trả được nợ, áp lực đáo hạn. Tính đến tháng 6/2024, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm còn 9,64% GDP, cách xa mục tiêu của Chiến lược tài chính đến năm 2030 tại Quyết định 368/QĐ-TTg năm 2022 là đến năm 2025 đạt 20% GDP.

Đối với thị trường bảo hiểm, theo báo cáo của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, tính đến ngày 31/12/2023, thị trường bảo hiểm có 82 doanh nghiệp và gia tăng về số lượng doanh nghiệp so với năm 2019 (67 doanh nghiệp). Năm 2023, thị trường bảo hiểm đạt được một số kết quả khả quan khi tổng tài sản đạt 913.308 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 2 lần so với năm 2019; số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 762.580 tỷ đồng, tăng 12,78%  so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hệ thống quản trị rủi ro tại các doanh nghiệp bảo hiểm chưa hoàn thiện dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không kịp thời phát hiện rủi ro phát sinh từ hoạt động nghiệp vụ, hoạt động tài chính. Hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý tổ chức chưa được chuẩn hóa, chất lượng đại lý bảo hiểm chưa cao dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ. “Cơ cấu sản phẩm của các doanh nghiệp bảo hiểm chưa đa dạng, chỉ tập trung vào một số nghiệp vụ nhất định, chủ yếu là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Các sản phẩm có ý nghĩa an sinh xã hội như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm hưu trí tự nguyện chưa được quan tâm, phát triển đúng mức”, đại diện Bộ Tài chính nhận định.

Nhìn nhận vướng mắc trong lĩnh vực bảo hiểm, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối đầu tư chứng khoán của VinaCapital cho rằng mức độ xâm nhập của bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam còn thấp so với khu vực. Gần đây, ngành bảo hiểm trải qua cuộc khủng hoảng khiến hai năm vừa qua tốc độ tăng trưởng chậm lại, thậm chí về không. Điều này cho thấy muốn phát triển thị trường bảo hiểm như một kênh dẫn vốn gián tiếp cần phải có cơ chế quản lý, tránh khủng hoảng tương tự trong tương lai.

Một vấn đề khác, Fintech và các kênh huy động vốn mới chưa được phát triển. Fintech được xem là giải pháp thay thế hiệu quả cho hệ thống ngân hàng truyền thống, giúp giảm chi phí trung gian và cải thiện hiệu quả huy động vốn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Fintech chủ yếu phát triển trong lĩnh vực thanh toán (pay-tech) mà chưa mở rộng mạnh mẽ sang lĩnh vực cho vay (lending-tech). Trong khi đó, mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending), hợp đồng thông minh (smart contracts), cùng với các nền tảng mua trước trả sau (buy now pay later) chưa được khai thác đúng mức do thiếu khung pháp lý rõ ràng.

2. Một số giải pháp

Để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng và hạn chế rủi ro hệ thống cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, thu hút nguồn lực từ tư nhân, thúc đẩy hợp tác công tư (PPP), nên mở rộng sang các dự án tài chính, các dự án lớn về cơ sở hạ tầng tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin và các dự án công cộng có ý nghĩa chiến lược. Tuy nhiên, để các cơ chế này thực sự phát huy hiệu quả, cần xem xét hoàn thiện luật pháp về PPP một cách minh bạch và ổn định, đặc biệt là về quy trình đấu thầu, phân chia rủi ro giữa các bên, và bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư tư nhân. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức đầu tư như mô hình đối tác công – tư, đầu tư công – quản trị tư và đầu tư tư – quản trị công. Việc áp dụng linh hoạt các mô hình này sẽ tạo ra sự chủ động cho khu vực tư nhân trong quản lý và vận hành dự án, đồng thời giảm tải gánh nặng cho ngân sách nhà nước; Tạo cơ chế ưu đãi về thuế, tín dụng và hỗ trợ tài chính phù hợp để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia đầu tư vào các dự án trọng điểm.

Thứ hai, cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế tư nhân tiếp cận vốn từ thị trường vốn quốc tế. Cụ thể như: nâng cao năng lực quản trị tài chính và minh bạch hóa báo cáo tài chính, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị tài chính. Điều này sẽ giúp họ xây dựng uy tín và nâng cao cơ hội huy động vốn trên thị trường quốc tế. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu quốc tế, đồng thời thúc đẩy quá trình niêm yết trên các sàn giao dịch quốc tế, tạo điều kiện để họ tiếp cận được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế: như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế …các quỹ đầu tư quốc tế này sẻ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và tư vấn chuyên sâu, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường vốn quốc tế.

Thứ ba, cần mở rộng và cải thiện khung pháp lý để thu hút vốn ngoại. Việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. Trước hết, cần nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài, cho phép các nhà đầu tư quốc tế tham gia sâu hơn vào các ngành công nghiệp chiến lược, từ đó thúc đẩy sự chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời, việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư bằng cách giảm bớt các rào cản pháp lý và hành chính sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi và cơ chế bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, hỗ trợ các quỹ đầu tư quốc tế hoạt động hiệu quả hơn, qua đó gia tăng sự hấp dẫn của thị trường vốn Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ tư, đẩy mạnh thị trường trái phiếu, phát triển Fintech và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là những giải pháp quan trọng giúp đa dạng hóa nguồn vốn và nâng cao tính cạnh tranh của hệ thống tài chính. Nếu thực hiện hiệu quả, Việt Nam sẽ có hệ thống tài chính cân bằng hơn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lý và tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế dài hạn. Đồng thời, cần có các chính sách đồng bộ từ Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm tham gia vào thị trường tài chính với mức độ minh bạch và an toàn cao nhất.

Việc phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn sẽ giúp nâng cao hiệu quả của thị trường vốn. Trước hết, cần đẩy mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng cách tăng cường tính minh bạch trong phát hành và giao dịch, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp sử dụng trái phiếu như một kênh huy động vốn dài hạn.

Để giảm rủi ro cho nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của thị trường trái phiếu, Việt Nam nên áp dụng mô hình bảo hiểm trái phiếu, tương tự như bảo hiểm tiền gửi đối với ngân hàng. Cơ chế bảo hiểm trái phiếu sẽ tạo ra một lớp bảo vệ cho nhà đầu tư, giúp họ yên tâm hơn khi đầu tư vào thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán phái sinh cũng cần được thúc đẩy thông qua việc mở rộng các sản phẩm như hợp đồng tương lai, quyền chọn, nhằm tăng thanh khoản và đa dạng hóa cơ hội đầu tư. Ngoài ra, việc phát triển mạnh mẽ các quỹ đầu tư, bao gồm quỹ hưu trí, quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity) và quỹ đầu tư mạo hiểm, sẽ giúp tạo ra nguồn vốn dài hạn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. 

Các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng cải thiện môi trường pháp lý bằng cách rà soát và hoàn thiện các quy định liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và quỹ đầu tư, qua đó tăng cường tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Đồng bộ hóa chính sách thuế và ưu đãi cũng đóng vai trò quan trọng, giúp khuyến khích doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán và phát hành trái phiếu, tạo điều kiện thuận lợi để huy động vốn hiệu quả hơn.

Fintech là một lĩnh vực đầy tiềm năng và có thể mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Chính phủ cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý sandbox (cơ chế thử nghiệm) cho các mô hình như P2P lending, smart contracts và blockchain để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh với ngân hàng, giúp các công ty Fintech phát triển nhanh chóng và bền vững.

Khuyến khích mô hình lending-tech là một giải pháp hiệu quả. Các công ty Fintech có thể cung cấp giải pháp tài chính linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ huy động vốn với chi phí thấp hơn ngân hàng. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Mở rộng hệ sinh thái đầu tư Fintech cũng là một yếu tố quan trọng. Cần có các chính sách ưu đãi về thuế và hỗ trợ pháp lý để thu hút đầu tư vào lĩnh vực Fintech, tạo thêm nhiều lựa chọn tài chính ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống. Điều này sẽ giúp thị trường tài chính trở nên đa dạng và phong phú hơn, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả.

Cuối cùng là chú trọng đến vai trò của việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế trong việc huy động nguồn lực tài chính cho Việt Nam và cơ chế để hình thành trung tâm tài chính quốc tế. Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang có kế hoạch phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Nếu triển khai thành công, những trung tâm này sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài, tạo cơ hội mở rộng thị trường trái phiếu, cổ phiếu và Fintech, giúp nền kinh tế giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân hàng. Ngoài ra, các trung tâm tài chính này có thể trở thành điểm kết nối với dòng vốn đầu tư từ các quỹ lớn trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững của các trung tâm tài chính quốc tế, cần có một chiến lược dài hạn với các mục tiêu rõ ràng và cụ thể. Chính phủ cần xây dựng các kịch bản phát triển khả thi, dựa trên dự báo kinh tế và tài chính, đồng thời linh hoạt điều chỉnh chính sách phù hợp với tình hình thực tế.

Sự ổn định và nhất quán trong chính sách sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Các trung tâm tài chính cần một mô hình hoạt động hoàn toàn mới để tăng khả năng cạnh tranh, chẳng hạn như thị trường chứng khoán phi tập trung dựa trên công nghệ Blockchain và AI.

Đặc biệt, việc xây dựng mô hình kết nối giữa trung tâm tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh với các trung tâm tài chính nội địa là bước quan trọng, nhằm tạo điều kiện cho dòng vốn luân chuyển tự do nhưng vẫn đảm bảo an ninh tiền tệ. Mô hình này cần thiết lập cơ chế phân cấp, quy định dòng vốn rõ ràng và xác định vai trò của các bên tham gia để duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường tài chính Việt Nam.

Ngoài ra, việc phát triển các kênh thông tin minh bạch và chính xác về thị trường tài chính cũng là yếu tố quan trọng. Các sàn giao dịch cần cải tiến hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo cung cấp dữ liệu kịp thời và chính xác cho nhà đầu tư. Đồng thời, cần có các cơ quan giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch và công bằng của thị trường.

Theo báo cáo tài chính năm 2024 của 27 ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán, tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 300.000 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2023, trong đó có 6 ngân hàng có lợi nhuận vượt 1 tỷ USD. Phần lớn thu nhập ngân hàng là từ lãi, khu vực phi lãi chiếm tỷ trọng thấp.

Tài liệu tham khảo:

Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) (2024), tài liệu hội thảo “Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới”, Hà Nội, tháng 9/2024.

Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (2024), tài liệu hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025” với chủ đề: “Phát triển bền vững thị trường vốn Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”, Hà Nội, tháng 12/2024.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam (2024), Đưa thị trường vốn trở lại quỹ đạo phát triển, truy cập: https://vneconomy.vn/dua-thi-truong-von-tro-lai-quy-dao-phat-trien.htm

Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập(2025), Khơi thông thị trường vốn để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, truy cập: https://doanhnghiephoinhap.vn/khoi-thong-thi-truong-von-de-thuc-day-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-96405.html

Nguyễn Thị Ngọc Nga - Nhan Phương Thái

Trường ĐH Ngân hàng HCM

Tạp chí in số tháng 3/2025

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp khơi thông thị trường vốn tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hoa Kỳ muốn hợp tác với Việt Nam trong phát triển thị trường vốn, chứng khoán
Ông Robert Kaproth, Phó trợ lý Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính Việt Nam trong lĩnh vực phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán thông qua hoạt động đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật... giúp thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.

x