Giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

26/09/2023, 15:28
báo nói -

TCDN - Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, RCEP, EVFTA), đòi hỏi phải tuân thủ các “luật chơi” chung, trong đó có các tiêu chuẩn về lao động, đòi hỏi giáo dục và đào tạo phải thay đổi mạnh mẽ để thích ứng…

3-1

TÓM TẮT:

Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, RCEP, EVFTA), đòi hỏi phải tuân thủ các “luật chơi” chung, trong đó có các tiêu chuẩn về lao động, đòi hỏi giáo dục và đào tạo phải thay đổi mạnh mẽ để thích ứng…Thị trường lao động trong mô hình tăng trưởng mới ở nước ta với quy mô đến năm 2025 gần 66 triệu người, trong đó 75% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ sẽ là thị trường lao động hiện đại với nhiều ngành nghề mới, nhiều phân lớp thị trường nhân lực, đòi hỏi những tiêu chuẩn lao động mới, kỹ năng mới. Đây là cơ hội để giáo dục nghề nghiệp đổi mới mạnh mẽ, có đủ năng lực để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của thị trường lao động với trên 51,6 triệu người tham gia lực lượng lao động, chiếm 68,5% dân số.

Bài viết tập trung phân tích thực trạng đào tạo nghề cho thanh niên trong thời gian qua. Trên cơ sở đánh giá một số hạn chế, tác giả đề xuất giải pháp đào tạo nghề cho thanh niên đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

1. THỰC TRẠNG

1.1 Mạng lưới cơ sở GDNN và ngành nghề đào tạo

Mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình và mô hình hoạt động, phân bố tương đối hợp lý ở các ngành kinh tế, địa phương, vùng, miền đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 ; đang tiếp tục được rà soát, sắp xếp theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW. Đã hình thành mạng lưới trường cao đẳng chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm và tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế theo Đề án Chính phủ phê duyệt ; hình thành và xây dựng một số cơ sở GDNN chuyên biệt để đào tạo cho nhóm đối tượng yếu thế (người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…), đào tạo ngành, nghề phục vụ phát triển kinh tế biển và các nhóm đối tượng thuộc lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao.

Ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực GDNN đa dạng, phong phú, đáp ứng mọi nhu cầu học nghề của thanh niên và yêu cầu của thị trường lao động. Theo danh mục đào tạo, hiện có 669 ngành, nghề trình độ cao đẳng và 897 ngành, nghề trình độ trung cấp, thuộc 65 nhóm ngành, nghề ở 23 lĩnh vực, bao phủ mọi lĩnh vực trong đời sống, kinh tế - xã hội của đất nước (từ kinh tế, xã hội; công nghệ kỹ thuật, dịch vụ, y tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng ...).

1.2. Quy mô tuyển sinh đào tạo

Trong những năm gần đây, số thanh niên tham gia vào học nghề ngày càng tăng. Giai đoạn 2016 - 2020 tuyển sinh đạt 11.077 ngàn người (đạt 103% kế hoạch, tăng hơn 21% so với kết quả thực hiện giai đoạn 2011-2015), vượt kế hoạch được giao của giai đoạn 2016-2020, trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp đạt 2.472 ngàn người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 8.605 ngàn người. Tốt nghiệp GDNN đạt 10.212 ngàn người (đạt 108% kế hoạch). Trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp đạt 1.993 ngàn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 8.219 ngàn người.

Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2011 - 2020 đạt 19,67 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng đạt 1,945 triệu người (chiếm 9,8%), trình độ trung cấp đạt 2,3 triệu người (chiếm 11,86%); số người thuộc nhóm dân tộc thiểu số chiếm khoảng 7,5% và nữ chiếm 25,5%. Quy mô đào tạo tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ của cả nước năm 2020 đạt 24,6%. Ngành, nghề đào tạo được mở dần, từng bước phù hợp với thực tế của doanh nghiệp và TTLĐ ở từng địa phương, từng lĩnh vực (Phụ lục IV kèm theo).

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 được đẩy mạnh. Cả nước có trên 9 triệu lao động nông thôn được học nghề (đạt 91% kế hoạch), trong đó gần 5,2 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Đề án, đạt 73,5% kế hoạch. Các đối tượng yếu thế (người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người nghèo), phụ nữ nông thôn, bộ đội xuất ngũ,… đã được quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm với các hình thức và mô hình phù hợp, bằng các chính sách thiết thực và hiệu quả (Phụ lục VIII).

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát trở lại song các địa phương, cơ sở GDNN đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh. Tính đến 31/12/2021, cả nước tuyển sinh được 1.915.548 người, đạt 85,14% kế hoạch (trình độ cao đẳng, trung cấp: 375.108 người, đạt 65,81%; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.540.440 người, đạt 91,69%).

1.3. Đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an

Ngày 09/7/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó đối với việc hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên đã được quy định rất cụ thể. Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 28/12/2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 43/2016/TT-LĐTBXH hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Qua báo cáo của các địa phương, thanh niên sau khi được đào tạo nghề trình độ sơ cấp theo quy định của Thông tư số 43/2016/TT-LĐTBXH đều tìm kiếm được việc làm phù hợp, gia tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Tổng hợp theo báo cáo của 41/63 địa phương, kết quả đào tạo nghề cho thanh niên trong giai đoạn 2015 - 2020 cho thấy có tổng số 156 cơ sở GDNN có tham gia đào tạo nghề cho thanh niên; tổng số thẻ tiếp nhận: 241.866 thẻ ; tổng số ngành nghề đào tạo là 42 nghề (theo quy định mức hỗ trợ tối đa cho 1 thẻ học nghề là 12 tháng tiền lương tối thiểu, qua tổng hợp mức hỗ trợ kinh phí bình quân khoảng 10 - 12 triệu/thẻ).

1.4. Chất lượng và hiệu quả GDNN

Chất lượng và hiệu quả GDNN từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Kỹ năng nghề của người học được tăng cường, khoảng 80% người tốt nghiệp đã có việc làm phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo hoặc tự tạo việc làm, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế (tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt 89,3%, vượt 9,3%). Ở một số nghề (nghề Hàn, Cơ điện tử, Viễn thông, Logistic, Du lịch, Dầu khí…), kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF (2019), chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam đã tăng 13 bậc trong trụ cột kỹ năng . Trong các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới, đoàn Việt Nam đã đạt thứ hạng cao, chất lượng đào tạo nghề bước đầu được khẳng định ở tầm khu vực và thế giới .

1.5. Nguồn lực tài chính cho GDNN

Nguồn lực đầu tư cho GDNN tiếp tục được tăng cường và đa dạng hóa. Giai đoạn 2012-2019, ngân sách nhà nước chi cho GDNN chiếm bình quân khoảng 8% chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề . Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa theo hướng tăng dần (từ 2017 đến nay định mức phân bổ chi sự nghiệp đào tạo và GDNN, tùy theo từng vùng được điều chỉnh tăng bình quân 1,76 lần so với giai đoạn 2011-2016); đã huy động nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân đầu tư phát triển GDNN.

2. MỘT SỐ HẠN CHẾ

- Mặc dù quy mô đào tạo tăng nhưng chưa tương xứng với lực lượng lao động và dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam. Đến hết năm 2020, còn khoảng 75,4% trong tổng số hơn 54 triệu lao động chưa có văn bằng, chứng chỉ, phải làm những công việc giản đơn, năng suất lao động thấp.

- Tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS, trung học phổ thông (THPT) vào GDNN chưa cao, không đạt được mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2021 của Bộ Chính trị và Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 40,8%, khu vực nông thôn đạt 16,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ở khu vực thành thị đạt 39,9%, trong khi ở khu vực nông thôn đạt 16,3%. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu người học theo từng vùng, miền, địa phương.

- Ở một số ngành nghề, kỹ năng của người học chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng với nhu cầu kỹ năng của người sử dụng lao động. Một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng số, kỹ năng cảm xúc..., khả năng tự học của người tốt nghiệp chưa thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động, cơ hội phát triển nghề nghiệp của người tốt nghiệp còn hạn chế; quy mô đào tạo chất lượng cao còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn và yêu cầu nâng cao chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh cao.

- Đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia học nghề còn rất thấp và chủ yếu là tham gia khóa học nghề dưới 3 tháng. Nhiều đối tượng yếu thế khác như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số ít người, người sau cai nghiện, người mãn hạn tù… mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ nhưng cơ hội tiếp cận với các dịch vụ GDNN còn hạn chế.

- Sự hợp tác giữa các cơ sở GDNN của Việt Nam với các cơ sở đào tạo của một số quốc gia còn hạn chế do các chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và tổ chức hoạt động đào tạo chưa tương thích, khó chuyển đổi; sự dịch chuyển lao động giữa Việt Nam và các nước còn chậm.

3. GIẢI PHÁP

Trước bối cảnh mới, nhất là sự phát triển của khoa học công nghệ, tác động của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế, việc phát triển GDNN, đào tạo nghề cho thanh niên tập trung vào một số nhiệm vụ giải pháp chính sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN. Cụ thể: Hoàn thiện chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN, chính sách học nghề cho thanh niên, cơ sở GDNN và doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh sau phổ thông vào GDNN và từng bước thực hiện phổ cập nghề cho thanh niên; thu hút người học thuộc các lĩnh vực, ngành, nghề trọng điểm, ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, sức khỏe... và các đối tượng chính sách; tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên lao động tự do, thanh niên lao động thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp do tác động của cách mạng khoa học công nghệ, thiên tai, dịch bệnh… được tham gia học nghề; hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp cho thanh niên qua đào tạo nghề nghiệp.

Thứ hai, đẩy nhanh chuyển đổi số; hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo. Trong đó tập trung vào một số vấn đề như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GDNN đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đồng thời với nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, nâng cao năng lực số của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp nhằm nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống GDNN; đầu tư, phát triển hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu bảo đảm đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác góp phần hình thành cơ sở dữ liệu mở quốc gia; xây dựng các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung và hỗ trợ dạy học trực tuyến trong GDNN; phát triển kho học liệu số ở tất cả các trình độ, ngành nghề đào tạo, dùng chung toàn ngành và liên kết với quốc tế.

Chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn trong GDNN tiếp cận chuẩn của các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới; hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của cơ sở GDNN, phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, định hướng phân tầng chất lượng và đặc thù các ngành, nghề đào tạo; tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để khai thác, sử dụng thiết bị đào tạo tại doanh nghiệp; phát triển mô hình “nhà trường thông minh, hiện đại”; đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, thiết bị ảo ở những ngành, nghề phù hợp.

Thứ ba, phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN. Cụ thể là, hoàn thiện các chuẩn và chuẩn hóa nhà giáo, chú trọng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới; xây dựng và triển khai cơ chế định kỳ thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho nhà giáo;

Đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng; đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế tại nước ngoài; thực hiện công nhận kỹ năng, trình độ đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ ở ngành nghề khác chuyển sang làm giáo viên; phát triển mạnh đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia đào tạo các cấp trình độ của GDNN; triển khai hiệu quả các cộng đồng, mạng lưới kết nối đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia và người dạy nghề.

Chuẩn hóa và định kỳ, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý cơ sở GDNN, cán bộ quản lý nhà nước về GDNN các cấp, đặc biệt ở cấp địa phương; chú trọng kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại và năng lực đổi mới, sáng tạo; hỗ trợ, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo tại doanh nghiệp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nguồn các cấp tại nước ngoài.

Thứ tư, đẩy mạnh đào tạo nhân lực trẻ có kỹ năng nghề cao đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm; hình thành các trường chất lượng cao, các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao có tính chất hạt nhân, dẫn dắt, lan tỏa và thực hiện liên kết vùng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ năng nghề cao của một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn.

Phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao gắn với các ngành nghề mới, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, kỹ năng mới, kỹ năng tương lai; ngành, nghề đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0 tham chiếu theo các chuẩn khu vực và quốc tế. Đồng thời, đa dạng hóa, đổi mới căn bản phương thức tổ chức đào tạo theo tiếp cận phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất thanh niên; khai phóng tiềm năng, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng của thanh niên vào thực tiễn nghề nghiệp; đổi mới phương thức đánh giá và công nhận tốt nghiệp có sự tham gia của doanh nghiệp đối với các chương trình chất lượng cao.

Thứ năm, tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững. Trong đó, xây dựng và thực thi cơ chế hợp tác giữa Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động GDNN trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội; xây dựng các mô hình gắn kết GDNN với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động theo từng vùng, địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù, lao động từ khu vực phi chính thức, lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp.

Tăng cường gắn kết giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ thanh niên tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi kỹ năng nghề ở các cấp; thí điểm thành lập một số hội đồng kỹ năng nghề/nhóm nghề trọng điểm.

Thứ sáu, tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư cho GDNN. Théo đó, cần tăng ngân sách nhà nước cho GDNN hàng năm; ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN trong các chương trình, dự án của quốc gia, ngành, địa phương.

Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho GDNN, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia GDNN; tăng cường nguồn thu sự nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động liên doanh liên kết và cho thuê tài sản công theo quy định của pháp luật; thúc đẩy sự hỗ trợ, tài trợ của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế đầu tư cho GDNN; huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, nguồn tài chính công đoàn, nguồn tài chính của các tổ chức chính trị - xã hội, các quỹ hợp pháp khác để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.254.

2. ĐCSVN: Nghị quyết số 26 - NQ/TW, ngày 05-8-2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

3. Quyết định số 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, https://vanban.chinhphu.vn.

4. Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019, https://www.gso.gov.vn/ , truy cập ngày 21-3-2023,.

5. Vũ Thảo: Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, https://nhandan.vn, truy cập ngày 21-3-2023.

ThS. Nguyễn Minh Mẫn

Công ty TNHH Bất động sản Minh Mẫn

Tạp chí in số tháng 9/2023
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận