Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam

18/06/2024, 20:32

TCDN - Bài viết tập trung phân tích thực trạng phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam và một số bất cập, hạn chế, từ đó đưa ra một số giải pháp.

3-1

TÓM TẮT:

Trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững và tín dụng xanh được cho là những trụ cột của tài chính bền vững, nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ với thế giới về phát thải ròng cũng như tận dụng nguồn lực bên ngoài để đưa nền kinh tế phát triển bền vững; đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, sự ngập ngừng đưa ra bản vẽ kiến trúc hạ tầng, thước đo kỹ thuật về sản phẩm, cơ sở nhà đầu tư, tổ chức phát hành, văn hóa quản trị doanh nghiệp, minh bạch… đã dẫn đến chậm nhịp của dòng chảy nguồn vốn xanh...

Bài viết tập trung phân tích thực trạng phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam và một số bất cập, hạn chế, từ đó đưa ra một số giải pháp. 

1. Xu hướng tất yếu

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VNBA) cho biết, thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu và của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lần lượt đạt 4 nghìn tỷ USD và 1,5 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023. Con số này của các nước thành viên ASEAN+3 đã tăng 29,3% vào năm ngoái, vượt xa mức tăng trưởng 21% của thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu và của Eurozone. Dư nợ trái phiếu bền vững tại các nước ASEAN+3 đạt 798,7 tỷ USD vào cuối năm 2023 và chiếm khoảng 20% lượng trái phiếu bền vững toàn cầu.

Như vậy, xu hướng phát triển của trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững là tất yếu để triển khai và đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc cũng như thực hiện các cam kết của chính phủ các nước về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0.

Việt Nam là một trong 5 nước có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu làm giảm thu nhập quốc dân của đất nước. Trong Báo cáo quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam (CCDR, 2022) cho biết, Việt Nam đã thiệt hại khoảng 10 tỉ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu. Báo cáo ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050 nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (năm 2022), Việt Nam có thể cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương với 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0. Trong đó, hành trình khử Carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường trái phiếu xanh để thúc đẩy quá trình huy động vốn hướng tới phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, chính sách định hướng phát triển thị trường trái phiếu xanh. Cụ thể:

Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 30/6/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán, trong đó có quy định về trái phiếu xanh.

Tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp do Chính phủ ban hành ngày 04/12/2018 đã lần đầu tiên đưa ra khái niệm về trái phiếu doanh nghiệp “xanh” và các quy định riêng đối với trái phiếu xanh. Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Ngày 10/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường. Nghị định đã đưa ra quy định về các dự án được phát hành trái phiếu xanh ở Điều 154 và Điều 157.

Thông tư số 101/2021/TT-BTC ngày 17/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đưa ra chính sách ưu đãi giảm 50% mức giá dịch vụ đăng kí niêm yết cho chủ thể phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh. Năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã hợp tác với các tổ chức quốc tế cho ra mắt cuốn Sổ tay “Hướng dẫn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” nhằm hướng dẫn các tổ chức phát hành và các thành viên thị trường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực Asean cũng như các quy định của Việt Nam về trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững.

Ngày 17 - 18/02/2022, trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ kĩ thuật Taiex Intpa, UBCKNN đã phối hợp với Ủy ban châu Âu (EC) tổ chức Hội thảo “Khung pháp lí và giám sát trái phiếu xanh” thông qua hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đây là chương trình đầu tiên mở rộng không chỉ dành cho cán bộ UBCKNN mà còn cho các thành viên thị trường và công ty đại chúng.

2. Thực trạng

Cùng với sự phát triển của thế giới, tại Việt Nam, xu hướng đầu tư phát triển thị trường trái phiếu xanh cũng đang dần được hình thành và phát triển, tạo động lực cho sự phát triển và sử dụng trái phiếu xanh để thu hút đầu tư vào các dự án liên quan tới năng lượng sạch, giảm tác động có hại tới môi trường.

Theo số liệu thống kê từ một số trang thông tin chính thống như: CBI, Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam), Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), từ năm 2018 đến năm 2022, tại Việt Nam đã có tổng cộng 18 đợt phát hành trái phiếu xanh ra công chúng. Và phần lớn nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu (57%) được sử dụng cho năng lượng tái tạo - ngành chính được các bên liên quan của Việt Nam quan tâm, cùng với ngành chất thải và nông nghiệp.

Đáng chú ý là năm 2020 với sáu đợt phát hành đạt tổng cộng 770 triệu USD và năm 2021 cũng với sáu đợt phát hành đạt tổng cộng 2.858,5 triệu USD, mặc dù đây là hai năm mà nền kinh tế thế giới nói chung cũng như nền kinh tế Việt Nam nói riêng gặp khủng hoảng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đạt được thành tựu như vậy là nhờ quá trình cải thiện hiệu quả đầu tư được tích lũy lâu dài trong giai đoạn 2011 - 2020, đó là: (i) Sự chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn đầu tư theo chiều hướng tích cực với sự gia tăng của tỉ lệ vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước và khu vực FDI; (ii) Nhà nước đã sớm ban hành các văn bản liên quan đến trái phiếu xanh, chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ban, ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường trái phiếu xanh hướng đến nền kinh tế bền vững. Nhờ đó mà trong năm 2020 - 2021 số lượng phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam vẫn tăng cao dù nền kinh tế chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đến tháng 7/2022, lần đầu tiên thị trường Việt Nam ghi nhận một tổ chức phát hành trái phiếu xanh dựa trên nguyên tắc do ICMA công bố năm 2018. Theo đó, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) đã phát hành 73,7 triệu USD trái phiếu xanh với lãi suất 6,7%/năm, kì hạn 10 năm, được Công ty Dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia (GuarantCo) bảo lãnh một phần. Động thái của EVNFinance được đánh giá là "cú hích" lớn đối với thị trường trái phiếu xanh của Việt Nam vốn còn khiêm tốn và mới mẻ.

Trái phiếu xanh đã bắt đầu được biết đến và sử dụng nhiều hơn, đem lại một kênh huy động vốn hiệu quả trong việc tài trợ cho phát triển các dự án xanh. Tuy nhiên, giá trị phát hành của trái phiếu xanh so với quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam (104,6 tỉ USD vào năm 2019 và 324,1 tỉ USD vào 9 tháng năm 2020) là quá nhỏ bé và không đáng kể. Hệ thống các doanh nghiệp hầu như chưa tham gia huy động vốn trên thị trường trái phiếu xanh mà hầu hết các dự án phát hành trái phiếu xanh hiện nay đều được tài trợ bởi Chính phủ và chính quyền địa phương.

3. Một số bất cập, hạn chế

Các chuyên gia đánh giá Việt Nam chậm nhịp trong việc phát triển thị trường trái phiếu bền vững. Theo đó, năm 2021, Ủy ban Chứng khoán nhà nước ban hành sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững. Đây là bước đầu trong việc hoàn thiện cơ sở chính sách, cơ chế đối với việc phát triển thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam.

Tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, cùng các bộ, ngành xây dựng Danh mục phân loại xanh. Danh mục phân loại xanh là danh mục sắp xếp các loại hình dự án hoặc hạng mục của dự án mang lại lợi ích về môi trường đáp ứng các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường. Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải trình Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh trước 31/12/2022 nhưng đến nay đã bị hoãn đến 2 năm. Đây là nút thắt lớn nhất mà các bộ, ngành cần giải quyết rốt ráo, dứt điểm trong thời gian ngắn để khơi thông dòng vốn xanh. Cần có quy định chung về Danh mục phân loại xanh quốc gia phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế. Từ đó, các nhà đầu tư có cơ sở để đánh giá cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Điều này đặc biệt quan trọng với các nhà đầu tư tổ chức.

Theo các chuyên gia, hiện nay, thị trường trái phiếu cơ sở của Việt Nam đang tồn tại rất nhiều điểm nghẽn, trong khi trái phiếu xanh còn đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn trái phiếu thông thường.

Đơn cử như yêu cầu công bố, minh bạch thông tin, bởi lẽ, việc công bố thông tin sẽ ngăn ngừa và kiểm soát hành vi “tẩy xanh”. “Tẩy xanh” ám chỉ việc các công ty đưa ra tuyên bố không có cơ sở nhằm đánh lừa người tiêu dùng tin rằng sản phẩm của họ là thân thiện với môi trường, hoặc có tác động tích cực đối với môi trường hơn so với thực tế.

Các chuyên gia đánh giá quy định về phát hành trái phiếu xanh hiện nay chưa cụ thể, rõ ràng, chưa có những quy định hỗ trợ, khuyến khích các bên tham gia thị trường trái phiếu xanh nói riêng và trái phiếu bền vững nói chung. Do đó, việc rà soát lại khuôn khổ pháp lý là yêu cầu bức thiết.

Một vấn đề quan trọng khác được các chuyên gia đề cập là các quy định tiêu chuẩn dự án xanh. Để huy động nguồn lực cho phát triển bền vững thì buộc phải tìm đến các nguồn vốn quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, quy định pháp luật của Việt Nam đang yêu cầu các doanh nghiệp huy động vốn xanh phải đáp ứng các quy định do Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra. Do đó, các chuyên gia đề xuất cơ quan quản lý sửa đổi, mở rộng theo hướng quy định dự án xanh hay trái phiếu xanh là dự án, trái phiếu đáp ứng được được tiêu chuẩn quốc tế hoặc tiêu chuẩn của Việt Nam.

Để có nguồn vốn dài hạn cho trái phiếu bền vững thì phải có nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp dài hạn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp bảo hiểm không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu nợ.

Theo giới phân tích, vấn đề này cần các cơ quan ban hành chính sách cân nhắc. Đây là nguồn vốn có tính dài hạn, ổn định, nếu có thể huy động được nguồn vốn từ doanh nghiệp bảo hiểm hỗ trợ cho thị trường trái phiếu xanh thì đó cũng là một cú huých hoặc có thể giải tỏa một điểm nghẽn của thị trường.

Ngoài ra, chi phí phát hành trái phiếu xanh trên thực tế có thể cao hơn chi phí phát hành trái phiếu thông thường, vì yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng thêm các tiêu chí, cải tiến các quy trình hoạt động nội bộ, đây là nhân tố khiến doanh nghiệp ngập ngừng trong chuyển đổi xanh. Do đó, Chính phủ có thể cân nhắc những giải pháp hỗ trợ về thuế, phí để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sớm hòa nhập vào xu thế này...

Ông Jeffrey Lee, Giám đốc phụ trách Khu vực châu Á Thái Bình Dương, Moody’s Ratings cho rằng để phát triển thị trường trái phiếu xanh, Việt Nam cần định nghĩa rõ sự cam kết trong dài hạn cho các bên khi tham gia vào thị trường.Theo ông Jeffrey Lee, sự thành công của việc thâm nhập của thị trường trái phiếu bền vững tại các khu vực châu Á là nhờ chính sách chỉ đạo từ trên xuống. Trong đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang có nhiều sự hỗ trợ cần thiết về chính sách cũng như tạo ra cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp và nhà phát hành tiếp cận thị trường trái phiếu bền vững.

Một ví dụ điển hình về sự thành công của phát triển thị trường tài chính bền vững đó chính là Singapore, quốc gia này đã vươn lên trở thành trung tâm tài chính bền vững và đạt được nhiều thành công đáng kể cũng như chú trọng xây dựng các hệ thống phân loại để chuẩn hóa thị trường này. Cụ thể, Singapore gần đây đã hoàn thành Hệ thống Phân loại Singapore - Châu Á ( Singapore-Asia Taxonomy) - một công cụ không chỉ xác định các tài sản chính mà còn các tài sản chuyển đổi.

“Đặc biệt, Singapore cũng chú trọng duy trì sự tương thích với thị trường quốc tế bằng cách cấu trúc hệ thống phân loại của mình tương tự hệ thống phân loại châu Âu và tuân thủ các tiêu chí quốc tế đặt ra về tài chính bền vững”, ông nói.

Singapore đã triển khai các chương trình tài trợ và trợ cấp nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nhà phát hành và người vay về trái phiếu xanh. Trong đó, Chính phủ Singapore đã cung cấp tài trợ bao gồm chi phí phát hành trái phiếu xanh nếu nhà phân tích hoặc người cho vay có trụ sở tại Singapore, và thậm chí mở rộng hỗ trợ này cho các công ty nước ngoài đăng ký trái phiếu trên sàn giao dịch Singapore.

Ngoài Singapore, chính phủ Nhật Bản cũng đã cung cấp một lộ trình toàn diện và thiết lập một điểm tham chiếu cho các doanh nghiệp tư nhân theo dõi trong thị trường tài chính bền vững. “Cách tiếp cận chủ động này giúp khu vực tư nhân điều hướng được sự phức tạp của hệ thống phân loại, tạo điều kiện cho họ tham gia vào thị trường tài chính bền vững cũng như trái phiếu xanh”, ông Jeffrey Lee cho hay.

4. Giải pháp

Thứ nhất, Chính phủ cần hoàn thiện khung chính sách để phát triển thị trường trái phiếu xanh. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, tạo khung pháp lí cho các quan hệ kinh tế - xã hội, cho phép các chủ thể thuộc chính quyền, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức đào tạo trong phạm vi quyền hạn của mình sẵn sàng tạo lập một môi trường khuyến khích hoặc có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính cần thiết giúp tăng tính thanh khoản cho trái phiếu xanh, tạo điều kiện thuận lợi chuyển đổi từ nền kinh tế “nâu” truyền thống sang nền kinh tế “xanh”. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tiến hành đầu tư các dự án xanh.

Thứ hai, có chính sách thúc đẩy phát hành trái phiếu xanh quốc tế nhằm kêu gọi những nguồn đầu tư lớn mạnh. Hiện nay, Việt Nam đã và đang liên kết với các tổ chức nước ngoài để được tư vấn, hướng dẫn và đánh giá trong việc thực hiện phát hành và phát triển trái phiếu xanh trên thị trường. Sau khi được công nhận và tin tưởng, Chính phủ cần tăng cường vai trò trung gian của ngân hàng trong việc phát hành và quản lí trái phiếu xanh do các điều kiện thuận lợi mà ngân hàng có được như xếp hạng tín dụng cao và bộ máy quản trị chuyên nghiệp.

Thứ ba, xây dựng tiêu chí lựa chọn dự án xanh cụ thể. Trái phiếu xanh hiện còn là loại chứng khoán khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam. Việc mở rộng và phát triển thị trường này hứa hẹn tạo bước tiến mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đang cấp bách hiện nay. Để làm được điều đó, các cơ quan, bộ, ngành cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy trình thẩm định, đánh giá mức độ “xanh” của các dự án trong “Danh mục dự án xanh”. Đồng thời, thành lập các tổ chức trung gian như tổ chức định mức tín nhiệm, tổ chức đánh giá độc lập để kiểm định chất lượng các dự án liên quan đến phát hành trái phiếu xanh.

Thứ tư, rà soát, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tiến hành đầu tư các dự án xanh. Cải cách các thủ tục pháp lí trong quá trình đăng kí phát hành trái phiếu xanh. Các chính sách ưu đãi về thuế, phí cần được rà soát, bổ sung để khuyến khích, hỗ trợ tổ chức phát hành cũng như nhà đầu tư tích cực tham gia vào thị trường trái phiếu xanh.

Thứ năm, khuyến khích các nhà đầu tư, tổ chức nắm giữ trái phiếu xanh thông qua truyền thông, nâng cao nhận thức của công chúng về sử dụng trái phiếu xanh để phát triển nền kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững. Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Truyền thông rộng rãi các mục tiêu của Nhà nước hướng tới phát triển bền vững. Nhấn mạnh lợi ích của việc phát hành trái phiếu xanh trong - hỗ trợ thúc đẩy phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2018), Nghị định số 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.

2. Chính phủ (2012), Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.

3. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

4. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

5.https://vneconomy.vn/giai-phap-de-khong-cham-nhip-phat-trien-thi-truong-trai-phieu-ben-vung.htm

TS. Đặng Huy Du

Trường Đại học Hải Phòng

Tạp chí in số tháng 6/2024
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899