Giải pháp thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam

26/06/2023, 20:48
báo nói -

TCDN - Trong thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được của đầu tư nước ngoài như góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và mở rộng hội nhập với thế giới…

6-1

TÓM TẮT:

Trong thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được của đầu tư nước ngoài như góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động và mở rộng hội nhập với thế giới… vẫn còn nhiều thách thức đối với đầu tư nước ngoài, một trong các thách thức đó là thúc đẩy sức lan tỏa của khối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, đưa doanh nghiệp trong nước trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bài viết phân tích và luận giải sự cần thiết của việc tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam. Đồng thời phân tích và đánh giá thực trạng liên kết giữa giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện thực trạng này để doanh nghiệp trong nước tăng cường liên kết và liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp FDI vì sự phát triển của cả hai bên.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa, sự phối hợp, “bắt tay” của các doanh nghiệp đang là một xu hướng. Với các doanh nghiệp có chung mục tiêu, chung đăch điểm và cần có sự hỗ trợ của nhau thường liên kết với nhau tạo thành một nhóm doanh nghiệp. Dựa trên nguyên tắc tự nguyện bình đẳng các doanh nghiệp này hợp tác với nhau trên một hoặc nhiều lĩnh vực với các mục đích như phân tán rủi ro, phân chia thị phần, kiểm soát thị trường, hợp tác về nguyên vật liệu, công nghệ, nhân công… Trên cơ sở thế mạnh của mình và thế mạnh của đối tác, các doanh nghiệp có sự liên kết, gắn bó lâu dài với nhau vì mục tiêu lợi ích chung.

Trong bối cảnh các FTA của Việt Nam có hiệu lực, phát huy hiệu quả thì vấn đề hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam càng cần được đẩy mạnh, đón đầu xu hướng dịch chuyển làn song đầu tư từ các nước sang nước ta.

1. THỰC TRẠNG

Việt Nam đã đạt được nhiều thành công sau nhiều năm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Cho đến nay, cũng đã có một số doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam liên kết với nhau dưới hình thức thức liên kết dọc. Ví dụ Toyota, Honda, Mitsubishi, Ford hay Volvo liên kết với Savico hoặc Trường Hải trong việc sản xuất và cung ứng linh phụ kiện cho sản xuất, lắp ráp xe ô tô.

Tuy nhiên sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước vẫn còn lỏng lẻo, chưa được như kỳ vọng. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Trong nền kinh tế dường như đang tồn tại song song đồng thời hai khu vực có tính tách biệt rất lớn là khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước. Mức độ kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước có thể xem xét trên góc độ khả năng kết nối và hình thức đầu tư theo chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp FDI để sáng tạo giá trị.

Xét theo khả năng kết nối, liên kết giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp cung ứng trong nước còn yếu. Các dự án FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển. Tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI tương đối hạn chế.

Theo kết quả điều tra PCI giai đoạn 2016 - 2017, chỉ có khoảng 14% số doanh nghiệp tư nhân có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Tỷ lệ này của năm 2019 có dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn chỉ ở mức là 17%.

Báo cáo của Ngân hàng thế giới, mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, giữa các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn là không đáng kể và còn hết sức hạn chế. Ví dụ trong ngành công nghiệp ô tô có 20 doanh nghiệp lắp ráp ô tô lớn đang hoạt động, chỉ có 81 nhà cung ứng cấp 1 và 145 nhà cung ứng cấp 2 và cấp 3. Trong khi đó Thái Lan chỉ có 16 nhà lắp ráp ô tô lớn nhưng quốc gia này có tới 690 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp, bình quân khoảng 20% - 25%. Việt Nam nằm ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, giá trị gia tăng thấp. Đây là bằng chứng cho thấy điều kiện tiến bộ công nghệ của doanh nghiệp trong nước chưa đủ đáp ứng đòi hỏi chuỗi sản xuất và lắp ráp công nghệ cao của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Về khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị.

Đến nay, Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương.

Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước láng giềng ví dụ như Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%). Trong số các doanh nghiệp cung cấp cho các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản tại Việt Nam, 58,9% các doanh nghiệp đó là các doanh nghiệp FDI có trụ sở tại Việt Nam. Chỉ có 13% nguồn dịch vụ, sản phẩm đầu mua tại địa phương được cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ phía các doanh nghiệp FDI, liên kết hàng dọc với các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn yếu (theo thống kê của VCCI thì chỉ 37% đầu vào của FDI được mua tại Việt Nam, trong đó một tỷ lệ đáng kể lại mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác). Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn là các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp và có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước ít hơn.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI còn rất hạn chế. Đến cuối năm 2019, cả nước có 758 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động nhưng kết nối với chuỗi cung ứng rất hạn chế.

Chỉ có 15% số doanh nghiệp trong nước bán hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI. Trên thực tế, với tình hình cung ứng linh kiện điện, điện tử cho các doanh nghiệp lắp ráp tại Việt Nam hiện nay vẫn còn tới 47% các loại linh kiện phải nhập khẩu, 40% do doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cung cấp, chỉ có 1% do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Ví dụ tại Canon, riêng với máy văn phòng, 18% là sản phẩm liên doanh, 13% là sản phẩm của doanh nghiệp FDI, 10% của doanh nghiệp Việt Nam, còn lại gần 60% vẫn là hàng nhập khẩu”.

Mặc dù Canon đã có định hướng mở rộng chiến lược nội địa hóa và nhà cung cấp tại Việt Nam. Song việc hỗ trợ nội địa hóa linh kiện còn gặp khó khăn như rất ít nhà cung cấp linh phụ kiện của Việt Nam đạt được yêu cầu về cung cấp linh kiện của Canon vì trình độ công nghệ chưa cao. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung vào những sản phẩm như hộp, băng dính...có độ chính xác công nghệ thấp.

Một trong những nguyên nhân của việc doanh nghiệp FDI không tự tạo ra sự kết nối với doanh nghiệp trong nước bởi vì khi đến đầu tư tại Việt Nam họ mang theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, trong khi doanh nghiệp trong nước chưa đắp ứng tiêu chuẩn và thiếu kinh nghiệm kết nối với doanh nghiệp FDI.

Trong trường hợp ngành dệt may, da giày tuy đã liên kết ngay từ khi các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas đầu tư vào Việt Nam nhưng cũng chỉ tham gia ở các khâu có giá trị gia tăng thấp. Mặc dù mối liên kết theo chuỗi cung ứng đã có thâm niên 20 - 30 năm nhưng do chưa có chính sách khuyến khích, chưa đầu tư có hiệu quả vào xây dựng thương hiệu, công nghệ, mẫu mã và thiếu các nhà cung ứng đáp ứng đòi hỏi cao về chất lượng, chi phí, thời gian giao hàng, như dệt nhuộm cho may mặc, thuộc da cho da giày.

Bên cạnh đó, liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế còn do Việt Nam còn thiếu các nhà cung ứng đầu vào có đủ năng lực. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước là vừa và nhỏ nên yếu về vốn và thiếu công nghệ cao. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp.

Điều này dẫn đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức, quản lý, sản xuất và công nghệ kỹ thuật, thiếu nguồn lực để đổi mới, lĩnh vực sản xuất khá giống nhau, cả về quy mô, trình độ, công nghệ và sản phẩm..., khó có thể cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp FDI, nên chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Mặt khác, cũng do quy mô nhỏ bé nên đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế cả về lượng và chất; hầu như không có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất; nâng cao năng suất và chất lượng lượng sản phẩm để có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng lớn trong nước và quốc tế. Đôi lúc doanh nghiệp còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn nên chưa thể có những bước đi đột phá.

Thực tế cho thấy, nhiều nhà sản xuất điện tử nổi tiếng như Canon, Samsung… có nhu cầu sử dụng các loại chi tiết, linh kiện điện, điện tử như mạch in, đầu dây nối, USB... do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, nhưng chưa tìm được nguồn cung nên buộc phải nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác.

Theo mô hình chuỗi cung ứng, mỗi tập đoàn, doanh nghiệp kể trên đều cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là việc cung cấp linh kiện điện, điện tử. Thế nhưng, đã nhiều năm nay, doanh nghiệp điện tử nội địa vẫn chưa có tên trong danh sách các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng đó.

Chẳng hạn, chỉ riêng nhà máy điện thoại di động của Samsung ở Bắc Ninh đã cần đến 200 nhà cung cấp các sản phẩm, linh kiện hỗ trợ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt hầu như không lọt được vào được danh sách nhà cung cấp các loại linh kiện điện, điện tử mà thường chỉ cung cấp được những vật tư linh kiện đơn giản như hộp xốp, vỏ bao bì...

2. MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Có thể thấy, sự liên kết giữa các khu vực doanh nghiệp còn yếu và rời rạc không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp mà còn giảm hiệu quả xuất khẩu, tham gia của Việt Nam và các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Với quan điểm đối với thu hút nguồn vốn FDI trong giai đoạn tới là: Đổi mới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại; liên kết, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Do đó, để tăng cường liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước, đồng thời thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lớn mạnh để có thể chủ động tham gia, chuyển dịch lên nấc thang cao hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu, Nhà nước, Hiệp hội và các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

2.1. Về phía Nhà nước

Thứ nhất, cần xác định các doanh nghiệp FDI là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, bên cạnh chính sách thu hút FDI, Chính phủ cần yêu cầu các doanh nghiệp FDI cần xây dựng mối quan hệ tương hỗ với các thành phần doanh nghiệp khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển; tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam để tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hiệu quả, bền vững. có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước.

Thực tiễn cho thấy, các dự án liên doanh thường có hiệu quả về chuyển giao công nghệ cao hơn so với các dự án 100% vốn nước ngoài, bởi trong các doanh nghiệp liên doanh, có sự tham gia của bên Việt Nam. Bên cạnh đó, cần yêu cầu và khuyến khích các doanh nghiệp FDI thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Những hoạt động này sẽ tác động tích cực đến quá trình chuyển giao công nghệ.

Thứ hai, có chính sách cụ thể để hỗ trợ và tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI với các nhà cung cấp trong nước, bao gồm việc xây dựng cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp FDI, các nhà cung cấp, các dịch vụ kết nối, các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có chính sách ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Trong thiết kế các khu công nghiệp riêng dành cho đầu tư FDI, cần tính đến sự kết nối với các khu, cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, phải tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn thiết lập các trung tâm và mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) có sự tham gia của đội ngũ kỹ sư trong nước.

Thứ ba, chuẩn bị và nâng cao năng lực hấp thụ những chuyển giao công nghệ. Để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, cần có chiến lược dài hạn, tham gia của cả doanh nghiệp và Chính phủ. Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI, trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần có chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng thời kỳ, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả.

Thứ tư, cần xây dựng quy hoạch tổng thể ngành, vùng, địa phương, trên cơ sở đó, rà soát lại việc sử dụng FDI hiện tại để có kế hoạch điều chỉnh, cơ cấu lại hợp lý. Ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh việc phải cải thiện chất lượng lao động, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng cần phải lưu ý đến yếu tố địa lý. Chính khoảng cách địa lý cũng có tác động đến sự kết nối này.

Việc hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất riêng biệt, tách biệt các doanh nghiệp FDI có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và xuất khẩu. Tuy nhiên nó lại khiến cho những hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước trở nên hạn chế. Chính vì vậy, khi Chính phủ, chính quyền các địa phương thiết kế các khu công nghiệp riêng dành cho đầu tư FDI cũng cần tính đến sự nối kết với các khu cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đột phá hơn là khi thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, chúng ta không chỉ chú ý đến kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa mà phải tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn thiết lập các trung tâm và mở rộng hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) với sự tham gia của đội ngũ kỹ sư trong nước.

2.2. Về phía các Hiệp hội

Để tạo sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam, không thể thiếu vắng vai trò của các Hiệp hội. Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, có Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Association of Foreign Invested Enterprises VAFIE). Đối với các doanh nghiệp trong nước, tùy theo mỗi lĩnh vực, sẽ tham gia các hiệp hội khác nhau, như Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam; Hiệp hội Nghiệp Điện Tử Việt Nam; Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam Doanh; Hiệp hội Dệt may Việt Nam…

Trong đó, với vai trò là cầu nối, đồng thời tùy theo chức năng mà các Hiệp hội có thể hỗ trợ tạo điều kiện phát triển, ví dụ Hiệp hội ngân hàng hỗ trợ các daonh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận tín dụng, tạo vốn cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; Hiệp hội tư vấn thuế hỗ trợ về tiếp cận hệ thống thuế, cũng như hợp tác trong việc kiến nghị với nhà nước đối với việc xây dựng hệ thống thuế phù hợp để tạo điều kiện tích tụ vốn mở rộng quy mô của doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI.

2.3. Về phía các doanh nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, như đã phân tích ở trên, một trong những nguyên nhân khiến cho mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa còn lỏng lẻo do các doanh nghiệp FDI còn hạn chế trong việc sử dụng các sản phẩm nội địa. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước cũng còn khá dè dặt trong việc tiếp cận với các doanh nghiệp FDI, chỉ coi các doanh nghiệp FDI như đối tác cạnh tranh chứ chưa chủ động tìm kiếm các cơ hội liên kết từ các doanh nghiệp FDI.

Bởi vậy, bản thân các doanh nghiệp trong nước phải có những đột phá về công nghệ nguồn, công nghệ cao cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…để có thể đủ lực liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp FDI, đồng thời trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục phát huy sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; dám chấp nhận rủi ro, huy động mọi nguồn lực đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng caonâng cấp để có thể đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp đối tác và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn: cần chia sẻ thị trường, cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ, cần thể hiện tính tiên phong, dẫn dắt, đầu tư vào KHCN và con người để tạo ra một hệ sinh thái phát triển chung, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ phát triển. doanh nghiệp lớn cần chủ động nghiên cứu xu thế của thế giới, sự chuyển dịch trong bối cảnh hiện nay để đi trước một bước. Đồng thời, cũng cần tăng cường nội lực, liên tục đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò đầu tầu; cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn lớn với mục tiêu thiết lập vị thế mới của thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.

Thứ ba, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia nhiều FTA thế hệ mới, cũng như chịu những tác động từ dịch bệnh COVID-19 thì việc liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, là yếu tố then chốt để doanh nghiệp vừa tận dụng được cơ hội từ FTA vừa vượt qua khó khăn do tác động của Đại dịch Covid-19. Đây cũng là giải pháp đảm bảo lợi ích trước mắt và lâu dài của các FDI cũng như đảm bảo sự vươn lên của các doanh nghiệp của Việt Nam.

Thứ tư, các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất tại Việt Nam sẽ không chỉ tận dụng lợi thế về chi phí sản xuất hợp lý mà còn tận dụng lợi thế về thuế quan và mở cửa thị trường để dễ dàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp trong nước sẽ có điều kiện thuận lợi để trở thành các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm hỗ trợ, đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối trên thị trường.

Tuy nhiên, sự chuẩn bị sẵn sàng kết nối của các doanh nghiệp Việt chưa cao. doanh nghiệp nội chưa tạo được định hướng chiến lược lâu dài và bền vững là kết nối chuỗi với tập đoàn nào, cho nên đầu tư thiếu hiệu quả, kể cả kết nối với các tập đoàn trong nước.

Do áp lực cạnh tranh cho nên các doanh nghiệp FDI không thể chờ đợi quá lâu vì có thể bị mất cơ hội và bị mất lợi thế cạnh tranh nên khi vào Việt Nam họ đã có một hệ thống doanh nghiệp khác sẵn sàng kết nối từ trước. Các doanh nghiệp trong mạng lưới sẵn có này đã thắng doanh nghiệp Việt trong kết nối với tập đoàn xuyên quốc gia. Do đó, muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cùng với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp phải ổn định chi phí nhân công và nguồn nhân công, áp dụng triệt để quản trị tinh gọn, đáp ứng các công đoạn còn thiếu. Đồng thời, doanh nghiệp phải tăng tính cạnh tranh toàn cầu thông qua việc đạt các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và theo lĩnh vực, nâng cao năng lực thương mại, quản trị và kết nối.

Về phía các doanh nghiệp FDI, dự thảo “Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới” cũng đã đề cập đến cam kết sử dụng nhà cung ứng trong nước hay chuyển giao công nghệ để thụ hưởng các ưu đãi. Tuy nhiên, các quy định này cần thận trọng để tránh trở thành rào cản trong việc thu hút FDI vào Việt Nam trong giai đoạn tới, khi mà các nước trong khu vực như Ấn Độ, Myanmar, Campuchia cũng đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI...

KẾT LUẬN

Để có thể tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm cũng cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía Chính phủ trong lựa chọn loại hình đầu tư, giảm bớt những sự ưu đãi với các doanh nghiệp FDI, kiến tạo các cơ chế để tạo động lực cho cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực hình thành liên kết. Các nhóm giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất trong giai đoạn tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đào Hoàng Tuấn (2020), Một số giải pháp tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước ở Việt Nam, Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, số 133 (12/2020)

2.Http://www.vtctelecom.com.vn/tin-cong-nghe/cannon-samsung-muon-dung-linh-kien-dien-tumade-in-viet-nam/307/737

3. Https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/tang-cuong-lien-ket-doanh-nghiep-viet-chuyen-dichchuoi-gia-tri-toan-cau-566795.html

4. Https://nhandan.com.vn/kinh-te/ket-noi-fdi-doanh-nghiep-trong-nuoc-331246/.

5.Https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/821531/tang-cuong-ket-noi-khu-vuc-kinh-teco-von-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai--voi-cac-doanh-nghiep-trong-nuoc.aspx

6. Lê Thị Hồng (2020), Tác động của hoạt động đổi mới và mạng lưới kết nối đến xuất khẩu của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế, Số 131.

7. Nguyễn Thị Thúy Vinh (2018), Liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam: hình thức liên kết và tác động tới doanh nghiệp Việt Nam - Tạp chi Kinh tế đối ngoại số 99

TS. Bùi Hồng Cường

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Tạp chí in số tháng 6/2023
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận