Giao dịch ngân hàng trên 10 triệu đồng phải sử dụng sinh trắc học
TCDN - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ ngày 1/7 tới đây các tổ chức tín dụng sẽ yêu cầu áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị trên 20 triệu đồng/ngày nhằm hạn chế hành vi lừa đảo.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng tài khoản không chính chủ thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 52, vừa ký ngày 15/5 vừa qua, nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó bổ sung một số những quy định rất chặt chẽ. Đó là quy định khi người dân mở tài khoản tại ngân hàng phải sử dụng căn cước công dân có gắn chip để mở tài khoản điện tử. Bằng việc sử dụng căn cước công dân có gắn chip này cũng sẽ giúp khắc phục những tình trạng giả mạo. Còn đối với công dân không có căn cước công dân có gắn chip phải đến trực tiếp tại quầy để thực hiện việc xác minh cũng như nhận biết khách hàng chính chủ.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345, yêu cầu áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị trên 20 triệu đồng/ngày bằng sinh trắc học. Việc này giúp cho việc xác thực đối với khách hàng và cũng hạn chế được việc sử dụng tài khoản không chính chủ để có hành vi vi phạm pháp luật. Quyết định này yêu cầu các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện từ ngày 1/7.
Bên cạnh đó, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trong thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo toàn ngành về tăng cường công tác phòng, chống, ngăn ngừa hành vi gian lận trong việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử định danh (eKYC) và cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải triển khai các giải pháp theo dõi việc giao dịch, kiểm soát, đánh giá trong và sau khi khách hàng mở tài khoản để kịp thời phát hiện những tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ để có giải pháp phù hợp.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an rất chặt chẽ và Bộ Công an cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán, như phối hợp đi kiểm tra việc thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán, tổ chức hội nghị về an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán, đặc biệt phối hợp có ký kết giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an để yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện theo Đề án 06 về kết nối dữ liệu của công dân, qua đó giúp khách hàng làm sạch dữ liệu để có thể hạn chế được tình trạng này.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, cử tri rất quan tâm đến vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, số vụ lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều với số nạn nhân và số tiền ngày càng lớn. Có không hiếm vụ nạn nhân đã bị lừa mất tiền tỷ, thậm chí bị lừa mất nhiều tỷ đồng.
Đặc biệt với thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, tội phạm thường sử dụng số tài khoản ngân hàng và số thuê bao điện thoại không chính chủ để liên hệ và nhận tiền. Vì vậy, cử tri mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa và mạnh mẽ hơn nữa trong việc rà soát, xử lý và quản lý sim rác.
Theo đại biểu Nga, cử tri cũng mong muốn ngân hàng rà soát, xử lý những tài khoản ngân hàng không chính chủ vì đây đang là kẽ hở cho loại tội phạm này lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Hiện nay chúng ta chưa có quy định về số lượng tài khoản ngân hàng tối đa mỗi cá nhân được mở và khi không sử dụng đến tài khoản ngân hàng nữa có thể do chuyển qua sử dụng dịch vụ của ngân hàng khác, người dân cũng không có thói quen đóng hay hủy tài khoản ngân hàng. Một phần trong số các tài khoản ngân hàng không sử dụng đó đã được cho, được bán lại và tạo kẽ hở cho tội phạm hoạt động.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899