Giới đầu tư bất an vì cổ phiếu ngân hàng Mỹ liên tục giảm

05/05/2023, 10:38
báo nói -

TCDN - Cổ phiếu ngân hàng Mỹ đã tiếp tục lao dốc ngày 4/5, bất chấp những đảm bảo từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) rằng hệ thống ngân hàng an toàn.

Cổ phiếu ngân hàng PacWest chịu ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ khi loạt ngân hàng khu vực của Mỹ sụp đổ kể từ tháng 3. Trong phiên 4/5, giá cổ phiếu PacWest đã giảm thêm 50%.

Giá cổ phiếu ngân hàng PacWest bắt đầu giảm trong phiên giao dịch chứng khoán ngoài giờ ngày 3/5, sau khi giới truyền thông đưa tin họ đang xem xét khả năng "bán mình". Từ ngày 8/3 đến nay, cổ phiếu của PacWest đã giảm 85%.

Thông cáo mới nhất của PacWest khẳng định quy mô tiền gửi của nhóm khách hàng chủ chốt đã tăng lên kể từ cuối quý I và họ không gặp bất kỳ hiện tượng rút tiền bất thường nào kể từ khi First Republic Bank sụp đổ.

Câu hỏi lớn về ngành ngân hàng

Hiện tại, các nhà đầu tư đang tự hỏi liệu khó khăn của lĩnh vực ngân hàng có thể lan rộng đến mức nào và liệu cuộc khủng hoảng có thể gây hại cho nền kinh tế Mỹ hay không.

Một số nhà phân tích nhận định đà giảm của cổ phiếu PacWest và các nhà băng khác cho thấy thị trường đang có xu hướng tiếp nhận thông tin theo hướng tốt hay xấu, chứ không thực sự lo lắng về PacWest.

Western Alliance, một ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng bởi đà bán tháo, giảm 38% trong cùng phiên giao dịch, tờ Wall Street Journal ghi nhận.

Theo dữ liệu từ S3 Partners, tỷ lệ bán khống đối với PacWest đã tăng vọt kể từ đầu tháng 3, từ mức 4% lượng cổ phiếu đang lưu hành lên hơn 18%. Tỷ lệ cổ phiếu bị bán khống của Western Alliance tăng từ mức 3% lên gần 8%.

Các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, vốn được nhà đầu tư xem là những khoản đặt cược an toàn hơn, cũng sụt giảm trong phiên 4/5. Cổ phiếu JPMorgan Chase giảm 1% và Bank of America mất 3%.

Chỉ số ngân hàng khu vực KBW Nasdaq sụt gần 4% xuống mức đóng cửa thấp nhất kể từ năm 2020. Cổ phiếu của Comerica và Zion Bancorp giảm hơn 10%.

Trong một tuyên bố khác vào đầu ngày 4/5, PacWest tiết lộ một số đối tác và nhà đầu tư tiềm năng tiếp cận họ trong thời gian gần đây và họ đã đàm phán với một số cá nhân, tổ chức.

Về quy mô, PacWest nhỏ hơn so với các ngân hàng sụp đổ thời gian qua. Theo Wall Street Journal, PacWest đang điều hành khoảng 70 chi nhánh, chủ yếu ở California.

Dữ liệu từ Fed cho thấy, tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, PacWest là ngân hàng lớn thứ 53 của Mỹ theo tổng tài sản. Western Alliance xếp thứ 40. Silicon Valley Bank và First Republic nằm trong nhóm 20 ngân hàng lớn nhất.

Nỗi lo của giới đầu tư

Chuyên gia phân tích Christopher Marinac tại hãng tư vấn Janney Montgomery Scott mô tả sự lao dốc của các cổ phiếu ngân hàng là “cơn thịnh nộ của nhà đầu tư” sau khi Fed nâng lãi suất hôm 3/5.

Sự hỗn loạn xảy ra sau vụ sụp đổ của Sillicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nới lỏng chiến dịch chống lạm phát .

“Tôi cho rằng các nhà đầu tư đang dùng cổ phiếu ngân hàng như một vũ khí nhằm buộc Fed phải chùn tay”, ông Marinac chia sẻ với Wall Street Journal.

Áp lực không dứt này khó có thể ngăn chặn nguy cơ lao dốc của các cổ phiếu ngân hàng khu vực trong tương lai, bất luận tình hình hoạt động của họ như thế nào. Trong quý I, nhiều ngân hàng đã báo lãi lớn.

Biến động mạnh trong giá cổ phiếu có thể khiến những người gửi tiền lo lắng. “Điều này rất nguy hiểm. Khi khách hàng biết chuỗi sự kiện này, họ sẽ tự động thắc mắc liệu mình có an toàn hay không”, ông Christopher McGatty, trưởng bộ phận nghiên cứu ngân hàng tại Keefe, Bruyette & Woods, cảnh báo.

Ngoài ra, các ngân hàng khu vực, vốn là các tổ chức cho vay chính của nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình tại Mỹ, cũng có xu hướng giảm điểm khi nhà đầu tư kỳ vọng về một cuộc suy thoái.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đang trên đà đi xuống trong tuần này và giá dầu Brent đã giảm hơn 15% trong năm nay, phản ánh nỗi lo suy thoái của các nhà đầu tư.

Ông Jared Shaw, nhà phân tích tại Wells Fargo Securities, nói rằng các yếu tố cơ bản của PacWest và Western Alliance đều ổn định. Theo ông, cả hai đều có dòng vốn và tiền gửi tốt hơn so với First Republic.

Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 3/5, Fed khẳng định hệ thống ngân hàng Mỹ hiện “lành mạnh và linh hoạt”, tương tự như tuyên bố hồi tháng 3.

Chủ tịch Fed Jerome Powell sau đó nói thêm rằng hiện tượng rút tiền gửi đã giảm bớt và thương vụ tiếp quản cũng như bán First Republic hồi đầu tuần này sẽ giúp ổn định hơn nữa lĩnh vực ngân hàng.

Ông Powell cũng hàm ý rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Khi được hỏi liệu cuộc khủng hoảng của lĩnh vực ngân hàng khu vực đang ở giai đoạn đầu hay cuối, ông nói rằng mọi thứ có thể sắp kết thúc.

“Các vấn đề đã được giải quyết và chúng tôi sẽ bảo vệ tất cả những người gửi tiền”, Chủ tịch Fed bày tỏ. Ông nói thêm, việc bán First Republic cho JPMorgan là “một bước quan trọng để vạch ra điểm kết cho giai đoạn căng thẳng đó”.

Nhã Vy/Theo investors
Bạn đang đọc bài viết Giới đầu tư bất an vì cổ phiếu ngân hàng Mỹ liên tục giảm tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan