Giữ giá trần, bỏ giá sàn đối với vận chuyển hàng không nội địa

23/05/2023, 20:09
báo nói -

TCDN - Quan điểm của Chính phủ là đề nghị giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với vận chuyển hành khách hàng không nội địa. Đây cũng là đề xuất được nhiều đại biểu quốc hội nhất trí.

Giữ giá trần, bỏ giá sàn

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, một số ý kiến cho rằng, không nên áp dụng giá trần vì: Dịch vụ này chưa thật sự phù hợp tiêu chí nhà nước định giá; không phù hợp nguyên tắc thị trường; giá trần do cơ quan quản lý nhà nước quy định trong một số trường hợp thấp hơn chi phí đầu tư; việc điều chỉnh giá trần của nhà nước thường rất chậm, thua lỗ lớn cho doanh nghiệp, làm mất đi nguồn lực, tài nguyên, nguồn thu ngân sách nhà nước của nhà nước; quy định giá trần nhưng không có giá tối thiểu dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh; làm hạn chế kinh doanh phân khúc chất lượng cao.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam.

Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ là đề nghị giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

“Đa số đại biểu quốc hội cũng tán thành việc cần giữ quy định về giá trần; bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh khẳng định. 

Lý giải về đề xuất bỏ giá sàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trên cơ sở tổng kết Luật Hàng không dân dụng, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất bỏ quy định về giá sàn nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh, giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ hàng không; giảm chi phí xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Việc bỏ giá sàn mở cơ hội cho doanh nghiệp cạnh tranh nhưng hoàn toàn không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có quyền cạnh tranh không lành mạnh vì doanh nghiệp có hạ giá bán thì vẫn phải tuân thủ các quy định tại Luật Cạnh tranh.

Về tác động thực tế, thực chất việc bỏ giá sàn không gây tác động đến các doanh nghiệp hàng không do trong các năm qua, giá sàn trong khung giá được quy định bằng 0 (khoản 2 Điều 3 Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT) của Bộ Giao thông vận tải. 

Về tác động đối với thu ngân sách nhà nước, việc bỏ giá sàn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người dân, thúc đẩy phát triển thị trường hàng không nội địa, tạo cạnh tranh sôi động; từ đó, tăng số lượng người dân sử dụng dịch hàng không, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho các hãng hàng không, theo đó tăng thu ngân sách nhà nước. 

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giữ quy định giá trần là cần thiết vì căn cứ điểm d khoản 1 Điều 21 Dự thảo Luật thì dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa đáp ứng các tiêu chí luật định là loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, là: “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh”. Hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, dịch vụ này là thiết yếu, tác động với phạm vi rất lớn đến đời sống người dân, đến sản xuất - kinh doanh.

Cùng với đề xuất bỏ giá sàn, nếu không quy định giá trần đồng nghĩa với việc nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá dịch vụ. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay ở mức cao, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến xã hội. 

Cần phân định rõ vướng mắc do tổ chức thực hiện hay do pháp luật. Theo quy định hiện hành, để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời, thẩm quyền điều chỉnh khung giá đã được giao cho Chính phủ. Nếu giá khung giá có thời điểm chưa phù hợp với thực tiễn thì nguyên nhân là do khâu tổ chức thực hiện chưa kịp thời; không phải do quy định của Luật. Vì vậy, trường hợp nhận thấy giá trần chưa phù hợp thì các đối tượng chịu tác động có quyền đề nghị Chính phủ kịp thời điều chỉnh. Thời gian qua, nhiều hãng hàng không thua lỗ là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, việc bỏ quy định về giá trần là vấn đề lớn, thay đổi một chính sách quan trọng và theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng; trong khi chưa đánh giá tác động thì chưa đủ căn cứ sửa đổi.

Về “mức giá 0 đồng” của các hãng hàng không, có ý kiến đề nghị cần xem xét mối quan hệ giữa Luật Giá với các quy định tại pháp luật về cạnh tranh, chống bán phá giá khi có hãng hàng không định “mức giá 0 đồng”.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện hành thì các chính sách về chống bán phá giá chỉ áp dụng đối với thương mại quốc tế (giữa các quốc gia). Do vậy, không có mối quan hệ với giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, thực chất, không có vé máy bay giá “0 đồng” vì Thông tư 17/2019/TT-BGTVT quy định rõ nguyên tắc định giá vé cho 01 vé máy bay, theo đó phải bao gồm các khoản thuế, phí theo quy định. “Mức giá 0 đồng” là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định. Thời gian qua, một số hãng áp dụng giá “vé 0 đồng” như một hình thức ưu đãi, chỉ áp dụng cho một số ít ghế trong 1 chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng.

Bên cạnh đó, Thông tư 17/2019/TT-BGTVT cũng quy định việc tính giá ; theo đó giá phải đảm bảo phù hợp với chi phí sản xuất kinh doanh thực tế của từng chuyến bay”. Dự thảo Luật quy định nguyên tắc định giá phải: “Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường.”

Thực tế, các hãng hàng không đều xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá khác nhau, tương ứng với các điều kiện, thời điểm khác nhau. Doanh thu, chi phí sẽ được tính tổng chung theo chuyến bay, đường bay.

Mặt khác, để xác định hãng hàng không có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không thì phải căn cứ trên toàn bộ chi phí của từng chuyến bay và mức giá bình quân vé máy bay, không phải chỉ tính trên các mức giá vé đơn lẻ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề thuộc khâu tổ chức thực hiện. Như vậy, pháp luật về giá và Dự thảo Luật thể hiện rõ quan điểm không cho phép các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, không mâu thuẫn với Luật Cạnh tranh.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đại biểu đề xuất bỏ giá trần, giá sàn

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Theo Đại biểu, nếu để giá trần, giá sàn sẽ không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng XII. Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng cho rằng vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu. Cũng như vận tải đường sắt, các hãng vận tải phải có sự cạnh tranh công bằng trong dịch vụ vận tải, phản ánh đúng quy định thị trường và quy luật cung cầu.

Do đó, từ kinh nghiệm quốc tế đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng việc không quy định giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ nhằm kích cầu và khuyến khích người dân tham sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa, đây là dịch vụ do nhà nước định giá, Bộ Giao thông vận tải quy định giá tối đa. Thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhất là của nhiều đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ hàng không, qua đó giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, cần thiết có sự điều tiết của Nhà nước để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, không gây tác động xấu đến các doanh nghiệp hàng không.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa, có nhiều hạng khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo luật, chỉ có dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông thì mới thuộc danh mục dịch vụ do nhà nước định giá, còn hạng thương gia, phổ thông đặc biệt thì để doanh nghiệp tự định giá theo cơ chế thị trường, để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc giữ giá trần giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa. Vì vậy, cần giữ giá trần hàng không nội địa.

Về giá sàn, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn, các hãng hàng không có dải giá rất rộng cho nhiều loại chuyến bay, nhiều hạng vé, cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ giá sàn với dịch vụ này.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Giữ giá trần, bỏ giá sàn đối với vận chuyển hàng không nội địa tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan