Huy động vốn qua trái phiếu chính phủ: Niềm vui đang đến rất gần

02/09/2016, 11:52

TCDN -

(TBTCVN) - Theo thống kê từ Kho bạc Nhà nước (KBNN), đến ngày 15/8/2016, tổng số vốn huy động được thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) được 216.784,5 tỷ đồng, đạt 86,7% kế hoạch huy động năm 2016 (250.000 tỷ đồng).

trang 15
Công trình trạm bơm tiêu Đông Nam, thành phố Việt Trì, Phú Thọ là một trong nhiều công trình sử dụng nguồn vốn TPCP.

Kết quả này là niềm vui, là sự khích lệ đối với những người làm công tác huy động vốn. Và như thế, đích đến của công tác huy động vốn để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) và cho đầu tư phát triển đang ở rất gần…

Đích đến đã rất gần

Còn nhớ cách đây không lâu, khi trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, với kết quả huy động TPCP 7 tháng đầu năm thì kế hoạch huy động 250 nghìn tỷ đồng trong cả năm 2016 có nhiều cơ hội về đích sớm.

Theo đánh giá của Thứ trưởng, những tháng đầu năm, kết quả huy động vốn thông qua phát hành TPCP đạt khá (khoảng 147 nghìn tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch). Thị trường trái phiếu sơ cấp đấu thầu đạt tỷ lệ thành công cao (trung bình khoảng 2.000 tỷ đồng/phiên), lãi suất trúng thầu ổn định. Nếu năm 2010 khối lượng trái phiếu giao dịch chỉ đạt bình quân 354 tỷ đồng/ngày thì năm 2014 - 2015 con số này tăng lên khoảng 2.500 tỷ đồng/ngày. Những tháng đầu năm 2016 cho thấy, diễn biến thị trường tích cực, với hầu hết trái phiếu phát hành, số lượng đăng ký mua đều vượt mức phát hành của KBNN.

Sở dĩ có được kết quả này, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, là do các chỉ tiêu về tiền tệ từ đầu năm đến nay khá ổn định, ở mức thấp, từ lạm phát đến tỷ giá hối đoái, lãi suất ngân hàng và Bộ Tài chính đã phối kết hợp với các bộ, ngành để điều hành lãi suất một cách phù hợp với diễn biến của tình hình thị trường. Nhờ vậy, kết quả huy động tốt với mức lãi suất hợp lý. Mặt khác, trong những tháng đầu năm, tính thanh khoản của thị trường tài chính tốt hơn, hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn huy động được nguồn vốn khả dụng để đầu tư vào thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đầu tư trở lại nền kinh tế cũng khá tốt. Trong những tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phát hành những loại trái phiếu trên 10 năm và các doanh nghiệp bảo hiểm mua với tỷ lệ khá cao, đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng.

Còn theo KBNN, là do trong các tháng đầu năm 2016, hệ thống NHTM chưa đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng (tăng trưởng tín dụng 6 tháng đạt 8,16%), nguồn vốn khả dụng tập trung vào thị trường TPCP. Khối lượng gốc, lãi TPCP đến hạn trong 6 tháng đầu năm 2016 khá lớn (khoảng 115.000 tỷ đồng, bằng 72,8% khối lượng đến hạn cả năm) tạo điều kiện cho dòng vốn quay lại tham gia thị trường TPCP.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi Thông tư số 36/2014/TT- NHNN (quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), trong đó điều chỉnh tỷ lệ đầu tư vào TPCP của một số loại hình tổ chức tín dụng theo hướng mở rộng (tỷ lệ đầu tư TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn của NHTM nhà nước tăng từ 15% lên 25%; chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng từ 15% lên 35%). Quy định này đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tăng nguồn vốn đầu tư vào TPCP.

Cùng với đó, KBNN (đơn vị phát hành TPCP) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (đơn vị thực hiện đấu thầu trái phiếu) đã có nhiều cải tiến trong việc công bố lịch biểu phát hành cụ thể ngay từ đầu năm, tăng cường tham vấn đối thoại với thành viên thị trường, từ đó thúc đẩy thị trường sơ cấp cũng như thị trường thứ cấp của TPCP.

Tiếp tục gia tăng giải pháp

Mặc dù tỷ lệ huy động vốn đến thời điểm này đã đạt khá cao, nhưng KBNN vẫn đặt ra những giải pháp để “tăng tốc” về đích. Theo đó, từ nay đến cuối năm, KBNN tiếp tục tập trung phát hành theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, chỉ phát hành theo phương thức bán lẻ trực tiếp cho các tổ chức tài chính đặc biệt. Duy trì liên hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư để trao đổi, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trên thị trường cũng như thường xuyên trao đổi với các thành viên tích cực (trong danh sách top 10 được đánh giá năm 2015) để động viên các thành viên tham gia thị trường.

Song song với đó, KBNN sẽ phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án phát hành TPCP gắn với chỉ số lạm phát theo chỉ đạo của Bộ Tài chính. Đồng thời, rà soát danh mục nợ TPCP, nghiên cứu thực hiện hoán đổi TPCP theo nhiều hình thức như: Chuyển trái phiếu có kỳ hạn còn lại ngắn sang kỳ hạn dài hơn để cơ cấu lại danh mục trái phiếu hiện nay nhằm giãn kế hoạch trả nợ của NSNN, kéo dài kỳ hạn trung bình của TPCP; Hoán đổi các mã trái phiếu nhỏ lẻ ngang kỳ hạn để tăng tính thanh khoản cho thị trường,….

Liên hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư thông qua các hội nghị thành viên tổ chức định kỳ để trao đổi, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trên thị trường cũng như, thường xuyên trao đổi với các thành viên tích cực (trong danh sách top 10 được đánh giá năm 2015) để động viên các thành viên tham gia thị trường.

Kết quả huy động trái phiếu chính phủ đến ngày 15/8/2016:

- Kỳ hạn phát hành: Cơ cấu kỳ hạn TPCP đảm bảo quy định tại Nghị quyết số 99/2015/QH13 của Quốc hội, theo đó, khối lượng phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên hiện nay đạt gần 88% tổng khối lượng.

- Kỳ hạn vay bình quân TPCP trong năm đạt 7,1 năm, nâng kỳ hạn bình quân của cả danh mục TPCP đạt 5,18 năm (cao hơn 0,74 năm so với kỳ hạn bình quân danh mục TPCP đến cuối năm 2015 là 4,44 năm).

- Lãi suất phát hành bình quân trong năm 6,43%/năm. Từ đầu năm đến nay, lãi suất phát hành một số kỳ hạn TPCP giảm rõ rệt như kỳ hạn 5 năm giảm từ 6,6%/năm xuống 6,1%/năm và kỳ hạn 3 năm giảm từ 5,76%/năm xuống 5,25%/năm.

Bạn đang đọc bài viết

Huy động vốn qua trái phiếu chính phủ: Niềm vui đang đến rất gần

tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận