Hàng triệu cổ phiếu của người nhà lãnh đạo DFF bị bán giải chấp, thị giá về đáy lịch sử

26/09/2024, 19:48

TCDN - Động thái bán giải chấp cổ phiếu DFF của CTCK diễn ra trong bối cảnh Đua Fat tiếp tục gặp khó khăn tài chính, lỗ lũy kế và nợ vay khủng trong khi lượng tiền mặt khiêm tốn.

CTCP Tập đoàn Đua Fat (mã: DFF) thông báo về việc bán giải chấp một lượng lớn cổ phiếu liên quan người nội bộ.

Theo đó công ty chứng khoán đã tiến hành bán giải chấp 1.122.600 cổ phiếu DFF thuộc sở hữu của bà Trần Thị Hồng Nhung, vợ Chủ tịch HĐQT Lê Duy Hưng. Sau giao dịch này, bà Nhung không còn là cổ đông lớn của Đua Fat, với tỷ lệ sở hữu giảm xuống còn 3,77% (hơn 3 triệu cổ phiếu). Trong khi đó, ông Lê Duy Hưng vẫn nắm giữ 47,18% vốn công ty, tương đương hơn 37,7 triệu cổ phiếu.

Tương  ông Lê Văn Thịnh, em ruột của ông Lê Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Đua Fat bị công ty chứng khoán bán giải chấp 2,7 triệu cổ phiếu DFF kể từ đầu tháng 9 tới nay. Qua đó, khối lượng sở hữu giảm xuống còn 3,5 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 4,43% vốn.

Diễn biến cổ phiếu DFF

Diễn biến cổ phiếu DFF

Tính chung giai đoạn từ 22/7 tới hết 25/9, công ty chứng khoán đã bán giải chấp tổng cộng hơn 10,5 triệu cổ phiếu DFF của cả Chủ tịch và người thân. Sau các giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của vợ chồng ông Hưng và các cá nhân liên quan tại Đua Fat đã giảm xuống còn 61,57% vốn, tương ứng hơn 49,3 triệu cổ phiếu.

Áp lực giải chấp diễn ra song song với xu hướng lao dốc của cổ phiếu. Cổ phiếu này từng chứng kiến quãng giảm 29 phiên liên tiếp, với hàng chục phiên giảm sàn kể từ đầu tháng 7 trước khi chững lại và đi ngang từ đầu tháng 8 tới nay. Hiện, thị giá DFF đang dừng ở mốc 2.600 đồng/cp, tương ứng “lao dốc” gần 65% trong vòng 2 tháng, về vùng đáy lịch sử.

Việc bán giải chấp diễn ra trong bối cảnh Đua Fat tiếp tục gặp khó khăn tài chính, với khoản lỗ bán niên 2024 gần 40 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 160 tỷ đồng. Cơ cấu tài chính của công ty tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nợ vay tài chính lên tới gần 2.300 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong tổng số gần 3.900 tỷ đồng nợ phải trả, lần lượt gấp 3,6 lần và 6,1 lần vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, tiền mặt chỉ ở mức khiêm tốn 22 tỷ đồng.

Cụ thể, Đua Fat đã phát hành lô trái phiếu DFFH2123001 vào ngày 1/9/2021 và đáo hạn vào ngày 1/3/2023 với lãi suất 11,75%/năm, quy mô 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, hết hạn ngày 1/3/2023 vẫn còn 89,52 tỷ đồng dư nợ chưa thanh toán cho trái chủ.

Theo Nghị quyết được người sở hữu trái phiếu thông qua vào ngày 2/3/2023 do Đua Fat công bố, Tập đoàn cùng với trái chủ đã thông qua lộ trình thanh toán trái phiếu kéo dài đến ngày 14/7/2023, chậm 4 tháng so với kế hoạch. Lãi suất tính trong thời gian quá hạn ở mức 17,625%/năm, tăng vọt so với mức lãi suất ban đầu.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2024 do Đua Fat công bố, số dư của lô trái phiếu DFFH2123001 còn khoảng 81,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Đua Fat cũng còn khoản trái phiếu ký hiệu DFFH2124002 trị giá 299,8 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào 31/12/2024.

Tính đến cuối quý 2/2024, tổng nợ phải trả của Đua Fat ở mức 3.248 tỷ đồng (tương ứng 82,7%), gấp 5 lần vốn chủ sở hữu. Tính riêng các khoản nợ vay tài chính của công ty ở mức gần 2.300 tỷ đồng.

Nhi Đoàn
Bạn đang đọc bài viết Hàng triệu cổ phiếu của người nhà lãnh đạo DFF bị bán giải chấp, thị giá về đáy lịch sử tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Cổ phiếu ngân hàng thăng hoa, VN-Index tăng hơn 8,5 điểm
Chốt phiên giao dịch (24/9), VN-Index tăng 8,51 điểm (+0,67%), lên 1.276,99 điểm. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, nổi bật như: ACB, MBB, VIB, STB, VPB khớp lệnh cao nhất nhóm và đồng thời cũng là những cái tên thanh khoản cao nhất sàn, với 12,7 triệu đến 37,6 triệu đơn vị.