Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi thống nhất lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm

16/12/2022, 08:45

TCDN - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa kêu gọi các tổ chức tín dụng thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn trong bối cảnh ngân hàng thương mại vẫn “đua” lãi suất huy động gây ảnh hưởng tới lãi suất cho vay.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa họp bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Báo cáo tại cuộc họp, VNBA cho biết, qua theo dõi tình hình thực hiện lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động vẫn rất cao. Tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1-8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11%/năm (số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên)…

Như vậy, so với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3-4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Lý giải nguyên nhân tình trạng này, theo VNBA, là do một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng chứ không hẳn gặp vấn đề thanh khoản.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam họp bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam họp bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Hơn nữa, giao dịch tín chấp trên thị trường liên ngân hàng bị hạn chế, các giao dịch hầu như đều bị yêu cầu có tài sản đảm bảo và bị áp tỷ lệ phòng vệ rủi ro quá cao so với thời điểm trước đó; cùng với đó là áp lực thực hiện quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn khiến các ngân hàng đẩy lãi suất huy động vốn trung dài hạn lên cao hơn nhằm đảm bảo tuân thủ quy định.

Về lãi suất cho vay, VNBA cho biết, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng và có các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, nhiều ngân hàng đã thông báo cam kết giảm lãi suất cho vay trong các tháng cuối năm 2022. Cụ thể, 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng với mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm.

Tuy nhiên, theo báo chí và doanh nghiệp phản ảnh, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn còn ở mức tương đối cao: lãi suất cho vay trung bình tại các ngân hàng thường dao động từ 10-16%/năm (cho vay tín chấp), còn đối với vay thế chấp thì lãi suất dao động từ 10-14%/năm.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, vừa qua, để đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân dịp cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đã tăng hạn mức ("room") tín dụng cả năm 2022 từ định hướng 14% lên mức 15,5 - 16%, tương đương tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với trước đó.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí đầu vào của tất cả các ngân hàng đến nay đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022. Điều này tác động tiêu cực đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; đồng thời, dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.

Vì thực tế này, vừa qua Hiệp hội Ngân hàng đã họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Trên cơ sở đó, tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt, có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí, giảm lợi nhuận đặt ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Ngoài ra, theo Phó Thống đốc, ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản thì báo cáo để Ngân hàng Nhà nước có giải pháp hỗ trợ thông qua các công cụ tiền tệ, để giúp các ngân hàng giảm lãi suất nhưng không rơi vào tình trạng suy yếu về năng lực tài chính.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng cũng bày tỏ mong muốn Ngân hàng Nhà nước sẽ có chế tài, quy định để xử lý các tổ chức tín dụng không thực hiện theo quy định, hoặc có thực hiện giảm lãi suất nhưng lại tăng các khoản phí, gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 9/12, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hàng tuần cho Ngân hàng Nhà nước. Yêu cầu này nhằm mục đích phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ.

PV
Bạn đang đọc bài viết Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi thống nhất lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan