[HỎI - ĐÁP] Ngành dịch vụ về thiết kế, thi công biển hiệu có được giảm thuế GTGT?

01/06/2022, 17:04

TCDN -

Hỏi: Tôi làm ngành dịch vụ về thiết kế, thi công biển hiệu quảng cáo, bảng biểu, ốp tấm Alu Composite, in ấn tờ rơi, biển hiệu quảng cáo bằng bạt in và decal in... Chuyên gia cho tôi xin hỏi là ngành nghề của tôi có được áp dụng chính sách giảm trừ % thuế GTGT 8% không ạ? Vì sản phẩm của tôi làm ra là bao thầu nguyên vật liệu và qua quá trình xử lý, gia công hàn xì sắt thép + tấm bạt in + nhân công để xuất ra sản phẩm đến tay người dùng. Thì khi xuất hóa đơn tôi phải thực hiện như thế nào? Vì sản phẩm của tôi sẽ ko thể bóc tách thành từng phần để viết hóa đơn được.

Đáp:

Trên cơ sở quy định của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn hiện hành, Chi cục thuế khu vực Mộc Châu - Vân Hồ có ý kiến như sau:

1.    Về xác định hàng hóa dịch vụ được giảm thuế GTGT:

-Tại khoản 1 Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ Quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy định:

Điều 1. Giảm thuế giá trị gia tăng

1. Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

a) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

c) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

d) Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.

2. Mức giảm thuế giá trị gia tăng

a) Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản 1 Điều này.”

Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định:

“Điều 3. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2022.

Điều 1 Nghị định này được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.”

Trên cở sở các trích dẫn nêu trên Chi cục thuế khu vực Mộc Châu – Vân Hồ hướng dẫn việc giảm thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 đối với nhóm hàng hóa dịch vụ nếu đáp ứng đủ 2 điều kiện, cụ thể sau:

-Việc giảm thuế GTGT chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT trước đó là 10% theo quy định của luật thuế GTGT.

- Hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT trước đó không thuộc danh mục nhóm hàng hóa, dịch vụ tại Phụ lục I, Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ.

Đối với hộ kinh doanh Lê Cao Nguyên số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 24L8000169 - mã ngành 7310: Thiết kế và làm biển quảng cáo thuộc danh mục và nội dung hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam ban hành kèm theo quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 01/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ và không thuộc Danh mục hàng hóa dịch vụ quy định tại Phụ lục I, II và III kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ. Trường hợp thời điểm nghiệm thu, bàn giao, hạng mục công trình, khối lượng lắp đặt hoàn thành từ 01/2/2022 đến hết 31/12/2022 thì thuộc đối tượng được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn.

2. Lập hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng:

- Tại khoản 3, 4 và 5 Điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định:

“ Điều 1. Giảm thuế giá trị gia tăng

3. Trình tự, thủ tục thực hiện

b) Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, khi lập hoá đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm... (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15”.

4. Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng.

5. Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).”

- Tại Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:

“Điều 16. Lập hoá đơn

1. Nguyên tắc lập hoá đơn

b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá.

2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hoá đơn

a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn

Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hoá là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hoá cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.

Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành,không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hoá đơn cho khối lượng, giá trị hàng hoá, dịch vụ được giao tương ứng...”

Trên cơ sở các quy định đã trích dẫn nêu trên, Chi cục thuế khu vực Mộc Châu - Vân Hồ hướng dẫn việc lập hóa đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ…thuộc đối tượng giảm thuế GTGT đối với trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp kê khai, cụ thể như sau:

- Trường hợp cơ sở kinh doanh ký hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ, đã lập hóa đơn tại thời điểm thu tiền trước ngày 01/02/2022 nhưng dịch vụ hoàn thành trong thời gian từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 thì đối với phần tiền đã lập hóa đơn trước ngày 01/02/2022 không thuộc trường hợp được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT; đối với phần tiền còn lại chưa thanh toán, được lập hóa đơn từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo quy định của pháp luật thì được áp dụng chính sách giảm thuế GTGT.

- Trường hợp cơ sở kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong tháng 01/2022 nhưng đến tháng 02/2022 cơ sở kinh doanh mới lập hóa đơn đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong tháng 01/2022 thì thuộc trường hợp lập hóa đơn không đúng thời điểm và không thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT.

- Đối với các hóa đơn đã lập trước ngày 01/02/2022, sau ngày 01/02/2022 phát sinh các nội dung sai sót cần điều chỉnh về tiền hàng, thuế GTGT hoặc trả lại hàng thì hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn trả lại hàng được lập với thuế suất thuế GTGT vẫnlà mức thuế suất cũ. Vì hàng hóa, dịch vụ đã bán ra, đã cung cấp trước ngày 01/02/2022.

Chi cục thuế khu vực Mộc Châu - Vân Hồ trả lời để hộ kinh doanh Lê Cao Nguyên biết và thực hiện, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị liên hệ Đội Tổng hợp nghiệp vụ - Kê khai & Kế toán thuế - Tin học, số điện thoại 0223.766.107 hoặc số điện thoại: 0223.866.884 để được hướng dẫn, giải đáp./.

Theo BTC

Bạn đang đọc bài viết [HỎI - ĐÁP] Ngành dịch vụ về thiết kế, thi công biển hiệu có được giảm thuế GTGT? tại chuyên mục Hỏi - Đáp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899