K4... Đồi vàng
TCDN - Từ một vùng đồi hoang hóa đầy cỏ dại, lau lách, vắt rừng... nay K4 trở thành một vùng cây trái trù phú, với tổng diện tích khoảng 50ha, mỗi ha thu hoạch trên 20 tấn/năm, giá trị hàng trăm triệu đồng.
Trước đây K4 là vùng đồi hoang hóa đầy cỏ dại, lau lách, vắt rừng... nay đã trở thành một vùng trái cây xanh tươi trải khắp trên những ngọn đồi, nhiều khoảnh rừng cam vàng chính vụ sum xuê trĩu nặng cành cây. Rong ruổi qua vườn cây của anh Trần Lợi, càng đi sâu càng mê hút lòng người. Ở phía Tây Nam, nơi cao nhất là vườn cam anh trồng được từ 6 - 15 năm tuổi, với hàng trăm cây cam, cây nào trái cũng nặng trĩu chín vàng.
Anh Lợi cho biết, trọng lượng cam trái một cây từ 80 - 100kg, có nhiều cây đạt trên 200kg. Dưới chân đồi nằm về phía Đông Nam là một hồ nước đàò dùng để điều tiết môi trường cho vườn cây; tiếp đó là một vùng cam rộng khoảng hai héc ta anh đã trồng được 2 năm tuổi; Ở phía Đông, tiếp giáp với vườn cam là một khu rừng tràm rộng 5ha trồng từ nhiều năm nay để làm phòng hộ cho vườn cây ăn quả.
Là một doanh nhân - Công ty của anh Trần Lợi hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Tích lũy được một số vốn, đến năm 2003 anh mạnh dạn đầu tư vốn mua lại đất của một số người dân thuộc vùng gò đồi K4 để phát triển cây công nghiệp.
15 năm lăn lộn trên vùng đồi K4, trải qua biết bao nhọc nhằn gian lao, gặp không ít những vụ mùa thất bát, bằng sự kiên nhẫn, chí thú làm ăn, anh đã “Cơm đùm gạo bới” cùng với một số anh em đến những vùng quê xa xôi nơi được mệnh danh là vựa cam, vựa quýt để học hỏi kinh nghiệm. Với kiến thức thu nhận qua học hỏi cùng với những trải nghiệm trên vùng đất đồi quê nhà, anh Lợi đã chọn riêng cho mình một phương thức sản xuất cây công nghiệp mới. Anh chọn cây cam, quýt làm cây trồng chính, bên cạnh đó trồng thêm cây tràm vừa làm rừng phòng hộ vừa làm kinh tế. Anh Lợi bộc bạch, trồng cây ăn quả khó hơn trồng những loại cây khác nhiều, phương thức vẫn theo quy trình sản xuất chung, tuy nhiên cần có cách chăm bón riêng biệt tùy thuộc vào khí hậu và thổ nhưỡng của từng vùng.
Trời đã về chiều, đoàn chúng tôi di chuyển ra khỏi vườn cây, vào ngôi nhà cấp 4 của anh Lợi nằm bên góc vườn. Lúc này những trái cam vừa hái được anh Lợi bổ ra mời chúng tôi cùng thưởng thức. Ngậm một múi cam vào miệng Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đôi biên phòng thốt lên “Cam K4 không thua kém gì cam Vinh... ngọt, ngon lắm”.
Bằng quy trình và phương thức sản xuất phù hợp với vùng đất mưa lắm, nắng nhiều, những năm trở lại đây K4 đã trở thành một vùng cây trái trù phú, với tổng diện tích khoảng 50ha, trong đó 50% diện tích được trồng cây ăn quả như cam, quýt của gần 10 gia đình ở xã Hải Phú, có 25ha đã cho thu hoạch nhiều năm nay. Mỗi ha thu hoạch trên 20 tấn/năm, giá trị hàng trăm triệu đồng.
Cam - quýt sản xuất trên vùng gò đồi K4 được thị trường chấp nhận trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, do người dân ở đây chủ yếu sản xuất tự phát và tự tiêu thụ nên cam-quýt K4 chỉ tiêu thụ tại các chợ ở TP Đông Hà và thị xã Quảng Trị. Để cam-quýt K4 đến với thị trường xa xôi hơn, hay đi vào các siêu thị lớn cần có một đề tài xây dựng thương hiệu riêng cho cam- quýt K4. Thiết nghĩ các tổ chức liên quan của tỉnh Quảng Trị cần quan tâm, có chương trình cụ thể sớm xây dựng thương hiệu riêng cam-quýt K4, góp phần làm phong phú sản phẩm nông nghiệp sạch của quê hương, nâng cao hiệu quả sản xuất trái cây trên vùng gò đồi K4.
Hữu Tiến - Tạp chí TCDN số 1+2/2019
email: [email protected], hotline: 086 508 6899