Kế hoạch tăng thuế liên bang của ông Biden khiến giá dầu giảm
TCDN - Giá dầu16/3 quay đầu giảm trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch tăng thuế liên bang lần đầu tiên kể từ năm 1993.
Tính đến đầu giờ sáng nay 16/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 65,32 USD/thùng - giảm 0,11%, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 68,88 USD/thùng - giảm 0,49%.
Bất chấp sự lạc quan từ dữ liệu của Trung Quốc, dự báo về sản lượng OPEC+ thấp hơn và đồng USD yếu hơn, giá dầu đang giảm sáng nay.
Một số ý kiến cho rằng, sự sụt giảm này là do các nhà đầu tư cũng đang xem xét tác động tiềm tàng của mức thuế cao hơn và điều đó có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của công ty như thế nào.
Tổng thống Joe Biden đang lên kế hoạch tăng thuế liên bang lần đầu tiên kể từ năm 1993 để giúp chi trả cho một chương trình kinh tế dài hạn. Nhà Trắng dự kiến sẽ đề xuất một loạt các biện pháp tăng thuế, hầu hết phản ánh các kế hoạch trong chiến dịch tranh cử của Biden hồi năm ngoái.
Người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo Ole Hansen cho biết: "Những gì đang diễn ra ngày hôm nay, khi không có tin tức thị trường nào xuất hiện, có thể cho thấy rằng dầu trên 70 USD hiện được xem là khu vực chốt lời".
Trước đó, ngày 15/3, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Năm tăng 23 xu Mỹ, hay 0,3% lên 69,45 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng Tư tăng 29 xu Mỹ, hay 0,4% và được giao dịch ở mức 65,90 USD/thùng.
Nhiều nguồn tin cho hay nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia đã cắt giảm lên đến 15% lượng dầu thô xuất khẩu vào tháng Tư cho ít nhất là bốn nước Bắc Á.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã quyết định gia hạn phần lớn thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào tháng Tư.
Giới đầu tư dự đoán Trung Quốc sắp công bố những số liệu kinh tế lạc quan trong ngày 15/3, từ đó củng cố những dự báo về khả năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn của nước tiêu dùng dầu lớn thứ hai thế giới này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899