Ngành điện tử năm 2022:

Khai thác thị trường hiệu quả, đón làn sóng đầu tư tăng mạnh

04/02/2022, 14:30

TCDN - Năm 2022, dự báo làn sóng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam sẽ tăng mạnh khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, giúp ngành điện tử Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu liên tục mở rộng

Theo đại diện Bộ Công Thương, ngành công nghiệp điện tử đang có sự bứt phá nhanh chóng, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong những năm gần đây, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới, luôn đạt tốc độ tăng cao và ổn định vững chắc.

Sau 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 300 tỷ USD và dự báo cả năm đạt 330 tỷ USD.

Trong 7 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam có sự tham gia của cả mặt hàng điện thoại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện. Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong 11 tháng năm 2021 vẫn dẫn đầu. Cụ thể, hàng điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 51,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước; hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 45,5 tỷ USD, tăng 13%.

Năm 2021, xuất khẩu máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử đạt khoảng 50 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2020.

Tăng trưởng của mặt hàng điện thoại và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước. Thị trường xuất khẩu các mặt hàng điện tử của Việt Nam cũng liên tục được mở rộng, hiện Việt Nam đã xuất khẩu điện thoại sang 50 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường hàng đầu, như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, UAE, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, ASEAN… Điều này cho thấy vị thế ngành điện tử ngày càng rõ nét trong hoạt động xuất khẩu.

Thúc đẩy cấp phép cho các dự án mới và điều chỉnh tăng vốn

Theo các chuyên gia, năm 2022, làn sóng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam sẽ tăng mạnh khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, giúp ngành điện tử Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Trên thực tế, ngành điện tử của Việt Nam đang thu hút nhiều tập đoàn, hãng điện tử lớn trên thế giới vào đầu tư như Canon, Foxconn, Petragon, Samsung, Meiko, LG…. Dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn liên tục thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp điện tử, từ đó thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Trong thời gian qua, Việt Nam cũng liên tục cấp phép cho các dự án mới và điều chỉnh tăng vốn trong lĩnh vực này, đồng thời khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới. Việt Nam xuất khẩu sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử đến trên 100 thị trường trên thế giới. Có thể kể đến như Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) vừa được cấp điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD.

Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, đến thời điểm hiện tại, tập đoàn đã đầu tư vào Việt Nam tổng cộng 17,74 tỷ USD, tỷ lệ giải ngân đạt 100% số vốn đã đăng ký. Hiện có 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, các dự án lớn của tập đoàn tập trung tại 3 địa phương là Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh bùng phát đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, các nhà máy của tập đoàn gặp khó khăn trong việc tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, với nỗ lực của mình, kết quả sản xuất, kinh doanh đã tăng trưởng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Choi Joo Ho, nếu Việt Nam vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì lưu thông hàng hóa, bảo đảm hoạt động chuỗi cung ứng thì đầu tư nước ngoài vào sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn. Hiện Samsung Việt Nam đang tiếp tục xây dựng trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) quy mô hơn 220 triệu USD tại Hà Nội. Trung tâm này sẽ nghiên cứu phát triển 5G, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, góp phần nâng tầm tổ hợp Samsung tại đây. Với mục tiêu lựa chọn Việt Nam làm "cứ điểm sản xuất toàn cầu", hiện có khoảng 2.000 kỹ sư đang nghiên cứu trong các lĩnh vực phần mềm, mạng 5G. Ngoài ra, Samsung cũng phối hợp với Bộ Công Thương triển khai dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, giúp được 330 doanh nghiệp Việt Nam cải tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất...

Hiện Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do với những chính sách thông thoáng, linh hoạt đã thu hút nhiều nhà đầu tư ngành công nghiệp điện tử trên thế giới. Việc tăng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng sản xuất tại Việt Nam đồng nghĩa với việc nới rộng tăng trưởng xuất khẩu của ngành điện tử trong những năm tới. Đồng thời, Việt Nam đang khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của các hiệp định, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế, được hưởng ưu đãi thuế quan như ngành điện tử.

Theo báo cáo của Navigos Group, thị trường đang chứng kiến nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử vẫn tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam thông qua các dự án lớn. Trong đó, có các dự án xây các trung tâm nghiên cứu (Research & Development - R&D) lớn. Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa và Đà Nẵng tiếp tục trở thành các địa phương nhận được các đầu tư rất lớn từ các dự án FDI này.

Một số các doanh nghiệp tại phía Bắc trong mảng này, do có các phương án phòng chống COVID-19 hiệu quả, nên vẫn duy trì được hoạt động sản xuất tốt. Thậm chí, có sự tăng trưởng nhẹ do nhận được nhiều đơn hàng sản xuất được chuyển về từ các chi nhánh khác đang bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Bảo Khánh

Tạp chí in số Tết 2022
Bạn đang đọc bài viết Khai thác thị trường hiệu quả, đón làn sóng đầu tư tăng mạnh tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận