Khởi nghiệp để kiếm tiền, không phải kiếm tiền để khởi nghiệp
TCDN -
Các bạn có thể thử nghiệm, thiết kế, hành động một cái gì đó, hãy thể hiện nó càng rõ ràng càng tốt. Đây chính là tiền đề giúp startup có thể mời gọi những người khác đồng hành, bao gồm cả nhà đầu tư.
Các bạn có thể thử nghiệm, thiết kế, hành động một cái gì đó, hãy thể hiện nó càng rõ ràng càng tốt. Đây chính là tiền đề giúp startup có thể mời gọi những người khác đồng hành, bao gồm cả nhà đầu tư.
Nguồn vốn tài chính bắt đầu từ 3 nguồn vốn phi tài chính
Theo ông điểm yếu các startup hay gặp phải trong quá trình khởi nghiệp là gì?
Điểm yếu của các startup tương đối phong phú, đa dạng như công nghệ chưa được quan tâm thỏa đáng, mô hình kinh doanh chưa có tính bùng nổ, nhóm lãnh đạo chưa thực sự được chau chuốt... Trong đó, 2 vấn đề chính các startup cần thực sự chú ý nếu muốn đi xa và gọi được vốn là tài chính và con người.
Riêng về tài chính, đa phần các startup Việt khi gọi vốn thường định giá cao khiến nhà đầu tư khó có thể chấp nhận được. Thậm chí, có một số trường hợp định giá quá thấp doanh nghiệp của mình. Điều này thường xảy ra đối với những doanh nghiệp nông nghiệp ở các địa phương. Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động có lãi, mỗi năm kiếm vài tỷ đồng nhưng bán 50% cổ phần doanh nghiệp chỉ một vài trăm triệu. Do vậy, việc hỗ trợ starup kiến thức về tài chính, định giá mô hình kinh doanh, quản lý dòng tiền là thực sự cần thiết.
Tài chính là vấn đề gian nan của startup Việt. Để tránh tình trạng chỉ start chưa up, việc chuẩn bị nguồn vốn ban đầu cần được cân nhắc như thế nào?
Quan điểm của tôi là, khởi nghiệp là để kiếm tiền, không phải kiếm tiền để khởi nghiệp. Nếu tư duy “kiếm tiền để khởi nghiệp” sẽ trói buộc, khiến startup khó có thể sáng tạo.
Các bạn có thể thử nghiệm, thiết kế, hành động, sáng tạo một cái gì đó, hãy thể hiện nó càng rõ ràng càng tốt. Chính những điều đó là tiền đề giúp startup có thể mời gọi những người khác tham gia đồng hành, bao gồm cả nhà đầu tư.
Đối với các startup, vốn lúc nào cũng cần, kể cả khi trở thành doanh nghiệp lớn. Vì vậy, cần bắt đầu với nguồn vốn phi tài chính. Nhà đầu tư chỉ đầu tư vào những người có khả năng, do vậy nguồn vốn đầu tiên là nguồn vốn giáo dục, muốn khởi nghiệp phải học tập, trải nghiệm, thử nghiệm để giải quyết một vấn đề nào đó. Chính vì vậy, khả năng là một nguồn vốn phi tài chính, để khởi nghiệp phải đầu tư cho nó.
Nguồn vốn thứ hai là các mối quan hệ, nhà đầu tư không đầu tư vào các startup không có bạn bè, khách hàng, đối tác. Do đó, bạn phải mở rộng các mối quan hệ, càng rộng rãi càng tốt. Chính các mối quan hệ sẽ giúp startup có thêm tiềm năng, cơ hội về kinh doanh.
Nguồn vốn thứ ba, là uy tín, các startup phải giữ lời, đã hứa phải làm, thực sự có hành động để hiện thực hóa lời hứa.
Nếu 3 nguồn vốn này đủ lớn, nhà đầu tư sẽ xuống tiền. Như vậy, nguồn vốn tài chính hay nguồn vốn bằng tiền bắt đầu từ 3 nguồn vốn phi tài chính. Nếu yêu thích khởi nghiệp, bạn có thể bắt đầu tích lũy 3 nguồn vốn này bất cứ lúc nào, ngay cả khi đang trên ghế nhà trường.
Dòng tiền ban đầu quan trọng thế nào đối với startup?
Có được dòng tiền lúc đầu là một lợi thế, đặc biệt là dòng tiền do khách hàng trả. Nghĩa là, thị trường đã chấp nhận sản phẩm của bạn. Đây là bằng chứng thuyết phục để nhà đầu tư tin tưởng vào doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp chưa có dòng tiền từ khách hàng trả, chỉ có dòng tiền từ gọi vốn, sự thuyết phục nhà đầu tư yếu hơn nhiều. Nghĩa là sẽ nhà đầu tư phải ôm thêm một rủi ro, đó là liệu thị trường có đón nhận sản phẩm của bạn không? Trong trường hợp này giá cả thỏa thuận giữa nhà đầu tư và startup sẽ khác.
Thực tế, dù có nhiều đam mê, nhiệt huyết nhưng phần lớn startup vẫn không thể gọi được vốn. Vậy điều nhà đầu tư thực sự quan tâm đến doanh nghiệp khởi nghiệp là gì?
Nhà đầu tư có nhiều khẩu vị nhưng tựu chung lại họ quan tâm đến 2 vấn đề trọng tâm của một startup Thứ nhất, nếu đầu tư vào doanh nghiệp tiềm năng thị trường thế nào? Thứ 2, liệu những người khởi nghiệp này có khả năng để làm điều đó xảy ra hay không?
Đam mê chỉ là phía đằng sau. Đam mê khiến bạn kiên trì hành động, không bỏ cuộc để biến ý tưởng thành thực tế. Thậm chí, một số nhà đầu tư thông minh còn quan tâm đến vấn đề nếu nhóm khởi nghiệp có thói quen của những người thành công sẽ đầu tư. Ví dụ, nhà đầu tư nhìn startup luôn học hỏi, lắng nghe, sẵn sàng đón nhận cơ hội, không có cái tôi để xuống tiền.
Gọi vốn cần lộ trình, chiến lược và kế hoạch rõ ràng
Khi gọi vốn, các số liệu về thị trường, lợi nhuận đẹp là yếu tố thuyết phục nhà đầu tư đưa ra quyết định. Tuy nhiên, phần lớn số liệu startup Việt đưa ra còn hạn chế, ông có nhận xét gì về vấn đề này?
Con số phản ánh được những điều quan trọng nhưng có độ trễ so với những gì xảy ra trong thực tế. Ví dụ, con số hiện tại có thể đang xấu nhưng có thể vài tháng sau con số sẽ bùng nổ, hoặc con số đẹp sẵn sàng đầu tư nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, nhóm đó đã tan tành. Như vậy, con số quan trọng nhưng không thể mô phỏng và dự đoán được hết những gì có thể xảy ra trong thực tế.
Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư lựa chọn vì tương lai, không phải vì những gì doanh nghiệp đang có ở hiện tại. Khi xuống tiền nhà đầu tư mong muốn doanh nghiệp startup sẽ lớn hơn, mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Vì vậy, con số hiện tại đối với doanh nghiệp startup không phải là đẹp xấu, vấn đề là có trung thực hay không. Cụ thể, khi chất vấn startup về doanh số, số lượng khách hàng, nếu đưa ra một con số không trung thực sẽ khiến nhà đầu tư mất niềm tin.
Startup hoàn toàn có thể trả lời chưa có khách hàng, nhưng có thể chứng minh tiềm năng, lợi thế của sản phẩm, dịch vụ. Khi đó nhà đầu tư sẽ đặt niềm tin vào startup.
Khi nào doanh nghiệp startup cần triển khai kế hoạch gọi vốn?
Startup luôn cần có sự chuẩn bị, cụ thể như: giai đoạn 1 thực hiện mục tiêu nào, cần số vốn bao nhiêu? Các startup nước ngoài thông thạo về vấn đề này nên khi gặp nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ tự tin trả lời đang ở vòng gọi vốn 1 hay 2,3. Các nhà đầu tư trước khi đầu tư vào doanh nghiệp, ngoài quan tâm đến những rủi ro, lợi nhuận, họ còn quan tâm đến thời gian thoái vốn.
Các startup xây dựng được kế hoạch cho những vòng gọi vốn tiếp theo ngay từ sớm, khiến nhà đầu tư có cái nhìn xa hơn và kỳ vọng có thể thoái vốn thành công nếu nhóm đó làm được.
Về vấn đề khi nào nên gọi vốn, startup phải có bức tranh tổng thể, trong đó có kế hoạch hoạt động, các vòng gọi vốn rõ ràng. Để lên được kế hoạch gọi vốn, startup phải am hiểu mô hình kinh doanh. Nếu làm tự phát, nhà đầu tư đặt câu hỏi khi nào có thể thoái vốn, startup sẽ không trả lời được.
Tuy nhiên, các startup Việt Nam chưa chú ý đến việc này, dẫn đến tình trạng phổ biến là thiếu tiền đi gọi vốn. Nếu đi gọi vốn với trạng thái như vậy, không nhà đầu tư nào có thể tin tưởng bỏ tiền, lúc đó rủi ro của doanh nghiệp đang ở mức độ cao. Nếu startup chứng minh mình đang ở vòng gọi vốn nào, còn bao nhiêu vốn để thực hiện mục tiêu nào đó, chuẩn bị sẽ có bước thứ hai, thứ ba sẽ khiến nhà đầu tư yên tâm hơn. Trong khởi nghiệp, gọi vốn cần lộ trình, chiến lược và kế hoạch rõ ràng.
Kinh nghiệm để gọi vốn thành công là gì?
Lỗi phổ biến nhất là các startup nói nhiều về sản phẩm, quên phần tiềm năng thị trường. Trong khi, tiềm năng thị trường là vấn đề nhà đầu tư quan tâm. Lời khuyên cho các startup khi gọi vốn là hãy nói về tiềm năng thị trường.
Trước khi đi vào giai đoạn thỏa thuận, hoặc nghiên cứu về mặt số liệu, có giai đoạn tạo ấn tượng. Thông thường khi tiếp xúc với nhà đầu tư, startup có khoảng thời gian ngắn để thu hút nhà đầu tư quan tâm đến mình. Hai vấn đề nhà đầu tư quan tâm là tiềm năng thị trường và đội ngũ có khả năng làm điều đó trở thành hiện thực hay không. Nếu trả lời thẳng 2 vấn đề này, bạn sẽ có cơ hội.
Xin cảm ơn ông!
email: [email protected], hotline: 086 508 6899