Khống chế chi phí lãi vay 20%: Doanh nghiệp làm Nhà ở xã hội thua thiệt

15/08/2019, 13:45

TCDN - Mức khống chế chi phí lãi vay không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP đang là rào cản lớn đối doanh nghiệp làm dự án Nhà ở xã hội. Bởi dự án nhà ở xã hội phần lớn vốn để đầu tư là vốn vay ngân hàng.

b4728fec79693d973872ac8-1536453720

Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành cho biết, hiện công ty đang thực hiện dự án nhà ở xã hội. Do vốn của Công ty sử dụng 100% là của tư nhân nên chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu.

Công ty Lê Thành có công ty liên kết làm công tác xây dựng cho dự án nhà ở xã hội này. Qua tìm hiểu, Công ty Lê Thành được biết chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh công với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế đối với các công ty liên kết theo khoản 3, Điều 8, Nghị định 20.

Như vậy, doanh nghiệp làm dự án Nhà ở xã hội bị thua thiệt bởi dự án nhà ở xã hội phần lớn vốn để đầu tư là vốn vay ngân hàng (20% vốn tự có và 80% vốn vay). Cụ thể: với một dự án Nhà ở xã hội có tổng mức đầu tư là 500 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có là 100 tỷ đồng, vốn vay là 400 tỷ đồng. Tạm tính thời gian vay vốn là 8 năm, lãi suất 8% thì lãi phát sinh sau khi hoàn thành dự án là 256 tỷ đồng (400 tỷ đồng x 8% x 8 năm). Trong khi quy định lợi nhuận định mức cho dự án Nhà ở xã hội là 10%: 500 tỷ đồng x 10% = 50 tỷ đồng.

Tổng lãi vay là lợi nhuận thuần là 256 tỷ đồng + 50 tỷ đồng = 306 tỷ đồng.

20% Tổng lãi vay là lợi nhuận thuần là 61 tỷ đồng. 

Số lãi vay còn lại là 256 tỷ đồng - 61 tỷ đồng = 195 tỷ đồng, doanh nghiệp không được đưa vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Tính ra doanh nghiệp phải nộp thuế cho khoản vay không được tính trừ chi phí hợp lý là 29 tỷ đồng là bất hợp lý.

Công ty đề nghị, các cơ quan quản lý nhà nước xem xét không áp dụng trần lãi vay 20%/tổng chi phí đối với các dự án nhà ở xã hội nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chủ trương giảm nghèo của Chính phủ và góp phần chia sẻ khó khăn cho cộng đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội hóa là các tập đoàn, tổng công ty có công ty con. Theo đó, bản thân tập đoàn, tổng công ty đã thuộc đối tượng điều chỉnh của doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Các đơn vị này được phép vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), đồng thời được áp dụng thuế suất thuế TNDN thống nhất là 10%. Như vậy, quan hệ vay giữa các đơn vị này không tồn tại việc chuyển dịch lợi nhuận, trốn tránh nghĩa vụ thuế.

Hầu hết các doanh nghiệp này đều vay để đầu tư kinh doanh. Nếu áp dụng mức khống chế 20%, doanh nghiệp sẽ không có nguồn để sản xuất, kinh doanh, nộp ngân sách nhà nước.

Để quản lý, chống thất thu thuế TNDN với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết, cần bổ sung đối tượng không phải áp dụng mức khống chế  theo quy định tại khoản 3, Điều 8 Nghị định 20. Cụ thể như sau: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Quy định này không áp dụng đối với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm. Các đối tượng nộp thuế không có giao dịch xuyên biên giới và có cùng một mức thuế suất thuế TNDN cũng không phải áp dụng mức khống chế này”.

Mai Hà
Bạn đang đọc bài viết Khống chế chi phí lãi vay 20%: Doanh nghiệp làm Nhà ở xã hội thua thiệt tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bàn về mức khống chế chi phí lãi vay tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP
Mức khống chế chi phí lãi vay theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị đinh 20/2017/NĐ-CP nhằm quản lý, chống thất thu thuế TNDN với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam không có hoạt động giao dịch xuyên biên giới đang là rào cản lớn.