Bàn về mức khống chế chi phí lãi vay tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP

17/07/2019, 14:47

TCDN - Mức khống chế chi phí lãi vay theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị đinh 20/2017/NĐ-CP nhằm quản lý, chống thất thu thuế TNDN với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam không có hoạt động giao dịch xuyên biên giới đang là rào cản lớn.

13-2

Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hiệu lực từ 1/5/2017. Trong đó, khoản 3, điều 8 Nghị định này quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Quy định này không áp dụng đối với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm”.

Theo đó, tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh có quan hệ giao dịch liên kết khi phát sinh chi phí lãi vay, bao gồm cả chi phí lãi vay của các đơn vị có quan hệ độc lập, cũng như các đoan vị có quan hệ liên kết; vay dưới các hình thức như phát hành trái phiếu, vay ưu đãi từ Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB)… đều thuộc đối tượng điều chỉnh của khoản 3 Điều 8 Nghị định 20. Trong khi đó, các doanh nghiệp không có quan hệ giao dịch liên kết thì chưa bị khống chế mức lãi trần vay.

Mức khống chế chi phí lãi vay này nhằm quản lý, chống thất thu thuế TNDN với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam không có hoạt động giao dịch xuyên biên giới, kể cả khoản chi phí lãi vay, chỉ hoạt động trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Các đơn vị có giao dịch liên kết cùng áp dụng chung một mức thuế suất thuế TNDN thống nhất thì việc khống chế lãi vay không phát huy tác dụng trong việc chống chuyển giá thông qua chuyển dịch nghĩa vụ thuế giữa các đơn vị có giao dịch liên kết với nhau.

Về vấn đề này Tổng cục Thuế đã có Công văn số 310/TCT-DNL ngày 28/01/2019 và một số văn bản khác trả lời vướng mắc về áp dụng khoản 3 Điều 8 Nghị định 20. Theo đó, Tổng cục Thuế nêu rõ, tổng chi phí lãi vay của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu TNDN được tính trên tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ, không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh từ giao dịch vay với bên liên kết hay bên độc lập.

Tổng cục Thuế ghi nhận, đang trong quá trình tiếp nhận, tổng hợp vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nhân, người nộp thuế liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 20 nói chung và quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20 nói riêng để báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Trong thời gian báo cáo, đề nghị các đơn vị thực hiện xác định chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo đúng quy định hiện hành.

Tuy nhiên, trong thực tế việc thực hiện khai quyết toán thuế TNDN của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết liên quan đến mức khống chế lãi vay này gặp nhiều khóa khăn. Trong đó có các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội hóa. Các doanh nghiệp này là các tập đoàn, tổng công ty có công ty con. Theo đó, bản thân tập đoàn, tổng công ty đã thuộc đối tượng điều chỉnh của doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Các đơn vị này được phép vay nguồn vốn ưu đãi từ VDB, đồng thời được áp dụng thuế suất thuế TNDN thống nhất là 10%. Như vậy, quan hệ vay giữa các đơn vị này không tồn tại việc chuyển dịch lợi nhuận, trốn tránh nghĩa vụ thuế.

Hầu hết các doanh nghiệp này đều vay để đầu tư kinh doanh. Nếu áp dụng mức khống chế 20%, doanh nghiệp sẽ không có nguồn để sản xuất, kinh doanh, nộp ngân sách nhà nước.

Tương tự, các tập đoàn, công ty mẹ - con như Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dệt may đều áp dụng cùng một mức thuế suất thuế TNDN và không có động cơ chuyển giá nhưng đang gặp vướng mắc trong xử lý vấn đề này.

Từ thực tế trên, Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) kiến nghị, bổ sung đối tượng không phải áp dụng mức khống chế theo quy định tại khoản 3, Điều 8 Nghị định 20. Cụ thể như sau: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Quy định này không áp dụng đối với người nộp thuế là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm. Các đối tượng nộp thuế không có giao dịch xuyên biên giới và có cùng một mức thuế suất thuế TNDN cũng không phải áp dụng mức khống chế này”.

Nguyễn Diệp
Bạn đang đọc bài viết Bàn về mức khống chế chi phí lãi vay tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận