Không có bảo lãnh của Chính phủ, TKV kêu khó

21/02/2020, 07:49

TCDN - Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết Tập đoàn đang gặp rất nhiều khó khăn về thu xếp vốn và kêu gọi đầu tư với dự án điện sau khi không có bảo lãnh của Chính phủ.

Ngày 20/2, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng giao.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Minh Chuẩn Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết Tập đoàn đang gặp rất nhiều khó khăn về thu xếp vốn và kêu gọi đầu tư với dự án điện sau khi không có bảo lãnh của Chính phủ.

“Không có bảo lãnh của Chỉnh phủ, rồi phải chuyển đổi ngoại tệ khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thì không có nhà đầu tư nào quan tâm dù dự án có tổng mức đầu tư nhỏ như Na Dương II chỉ 169 triệu USD. Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập I cũng không có nhà đầu tư nào quan tâm. Chúng tôi liên hệ với 9 ngân hàng thì cũng không có ai mặn mà”, ông Chuẩn nói.

Ông Lê Minh Chuẩn - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nêu khó khăn về thu xếp vốn và kêu gọi đầu tư với dự án điện sau khi không có bảo lãnh của Chính phủ.

Ông Lê Minh Chuẩn - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nêu khó khăn về thu xếp vốn và kêu gọi đầu tư với dự án điện sau khi không có bảo lãnh của Chính phủ.

Vì vậy, ông Chuẩn đề nghị Chính phủ xem xét có cơ chế đặc thù với các dự án nhiệt điện, nhất là tiếp cận nguồn vốn. “Chúng tôi đã đàm phán, trao đổi với doanh nghiệp trong nước thì họ nói không có đủ năng lực tham gia dự án trên 2 tỷ USD. Tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài khi chúng ta không có bảo lãnh thì người ta không mặn mà”, Chủ tịch HĐTV TKV trình bày khó khăn.

Bên cạnh đó, ông Chuẩn cho biết: Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong cổ phần hóa bởi vướng mắc về xác định giá trị đất và việc sử dụng đất sau cổ phần hóa. Vì vậy, đại diện tập đoàn này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ có cơ chế đặc thù đối với dự án điện; sớm giải quyết những vướng mắc về cổ phần hóa.

Liên quan đến việc xác định phương án sử dụng đất/sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trong quá trình cổ phần hóa; từ thực tế của Tập đoàn TKV, ông Chuẩn cho rằng đây là vấn đề “rất vướng”, nhất là khi xác định giá trị đất đai phải tính cả giá trị văn hóa, lịch sử.

“Chúng tôi thuê tư vấn, anh nói giá trị này 1%, anh khác nói 2%. Nhưng 1-2% có đúng không? Mình thực hiện 1-2% sau một vài năm quay lại bảo tính như thế chưa ổn thì lại là sai, nên rất khó khăn”, Chủ tịch HĐTV TKV nêu và đề nghị Tổ Công tác báo cáo Thủ tướng chỉ đạo có hướng dẫn xác định giá trị, phương án sử dụng đất đai sau cổ phần hóa.

Đề cập đến dịch bệnh Covid-19 và hoạt động ngành than, khoáng sản, lãnh đạo TKV cho hay, Tập đoàn đang đối mặt với khó khăn do than, khoáng sản phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Năm 2019, Trung Quốc sản xuất 3,7 tỷ tấn than, nhập khẩu 300 triệu tấn, tăng 200 triệu tấn so với 2018. Nhưng sau khi có dịch Covid-19, thị trường Trung Quốc chững lại.

Tại các dự án của ngành than có 500 lao động người Trung Quốc làm việc, do dịch bệnh nên số lao động này chưa sang Việt Nam. "TKV đã xây dựng các kịch bản ứng phó, kể cả kịch bản xấu nhất" - Chủ tịch HĐTV TKV nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, đối với nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban đã hoàn thành 156/185 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 84,3%; đang xử lý 29/185 nhiệm vụ.

Sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã giải quyết hai nhóm vấn đề thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước: những việc các Bộ chưa hoàn thành, chuyển giao về Ủy ban tiếp tục xử lý; và những việc mới thuộc trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu khi Ủy ban tiếp nhận 19 Tập đoàn, Tổng công ty.

Sau gần 2 năm thành lập, Ủy ban đã hình thành đầy đủ cơ cấu tổ chức theo quy định; tổ chức bộ máy từng bước được kiện toàn; hoàn thành tiếp nhận và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty.

Ủy ban đã tích cực xử lý các công việc dở dang tiếp nhận từ các Bộ, trong đó có nhiều việc phức tạp, nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn đọng qua nhiều năm, có việc liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử, kỷ luât, thay thế cán bộ…

Năm 2019, đa số các Tập đoàn, Tổng công ty đã hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh và các chỉ tiêu do Ủy ban giao; doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên; vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển. Doanh thu của 19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt 1.478.949 tỷ đồng, bằng 99,09% kế hoạch hằng năm, tăng 6,4% so với năm 2018. Có 9/19 doanh nghiệp đạt bằng hoặc cao hơn. Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Thanh Tân
Bạn đang đọc bài viết Không có bảo lãnh của Chính phủ, TKV kêu khó tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

TKV nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng
Sản phẩm tinh quặng với giá trị lũy kế là 33,221 tỷ đồng; 2 hệ thống thiết bị động lực tàu thủy 7000-8000DWT có giá trị 85,066 tỷ đồng; khoản nợ phải thu tại Công ty lâm nghiệp Vân Đồn: 25,243 tỷ đồng… là những khoản đầu tư có khả năng mất vốn của TKV.
TKV: Đầu tư hơn 16 nghìn tỷ đồng, cổ tức chỉ 3%
Tổng giá trị đầu tư tài chính của công ty mẹ TKV năm 2018 là 16.251 tỷ đồng, số cổ tức, lợi nhuận được chia từ khoản đầu tư này là 489 tỷ đồng, bình quân bằng 3% trên tổng số vốn đầu tư.