Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 15,5 triệu đồng/tháng
TCDN - Trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án nâng mức giảm trừ, trong đó phương án ưu tiên là tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc lên 6,2 triệu đồng/tháng, áp dụng từ năm 2026.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) trong thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập thực tế của người dân.
Hiện mức giảm trừ gia cảnh áp dụng cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ này không còn phù hợp khi chi phí sinh hoạt, giá cả hàng hóa và thu nhập bình quân đầu người đã có nhiều biến động trong những năm gần đây.

(Ảnh minh họa)
Trong dự thảo, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án điều chỉnh mức GTGC:
Phương án 1: Điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lũy kế từ năm 2020 đến năm 2025, tăng khoảng 21,24%. Theo đó, mức GTGC cho bản thân người nộp thuế sẽ tăng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng, và cho người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng.
Phương án 2: Điều chỉnh theo tốc độ tăng thu nhập bình quân và GDP bình quân đầu người. Với phương án này, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế được đề xuất tăng lên 15,5 triệu đồng/tháng, và cho mỗi người phụ thuộc là 6,2 triệu đồng/tháng. Đây là phương án có mức điều chỉnh cao hơn, phù hợp với mục tiêu nâng cao thu nhập khả dụng, kích thích tiêu dùng và cải thiện đời sống người dân.
Bộ Tài chính cho biết, pháp luật thuế TNCN hiện hành quy định mức GTGC mang tính phổ quát, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, không phân biệt giữa đô thị và nông thôn hay theo thu nhập cao - thấp. Điều này cũng tương tự như thông lệ quốc tế, nhằm bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong thực thi chính sách thuế.
Ngoài ra, Luật thuế TNCN hiện hành cũng đã có những quy định hỗ trợ người lao động tại địa bàn khó khăn (trợ cấp khu vực, thu hút, chuyển vùng...) cũng như quy định giảm thuế cho cá nhân gặp thiên tai, tai nạn, bệnh hiểm nghèo.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh dự kiến được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026, sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua. Theo tính toán của Bộ Tài chính, chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 12.000 tỷ đồng theo phương án 1, và 21.000 tỷ đồng theo phương án 2.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước có thể được bù đắp một phần từ số tăng thu của các sắc thuế tiêu dùng khác do thu nhập khả dụng của người nộp thuế tăng.
Để bù đắp số hụt thu trước mặt, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách tài khóa theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy các động lực tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn, qua đó tạo thêm nguồn thu cho NSNN.
Quyết liệt trong công tác thu NSNN, tăng cường quản lý, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, nhất là trong các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, thu từ đất, chuyển nhượng bất động sản, hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, nâng cấp ứng dụng nhằm vận hành ổn định hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc, hệ thống Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, các hộ, cá nhân kinh doanh kê khai, nộp thuế từ hoạt động thương mại điện tử.
Mở rộng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn theo chuỗi, kinh doanh xăng dầu, vàng, đôn đốc thu nộp, phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện chính sách; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (BIG DATA) vào công tác hỗ trợ người nộp thuế, quản lý nợ thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế... Phấn đấu thu NSNN năm 2025 cao hơn khoảng 20% so với ước thực hiện năm 2024.
Điều hành chỉ NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chỉ; Chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh theo quy định, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899