"Không nên quá lạc quan với phát triển kinh tế sáng tạo của Việt Nam"

26/04/2024, 13:49
báo nói -

TCDN - Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam tăng trung bình 9,23%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nhà xuất khẩu hàng hóa sáng tạo lớn nhất vào năm 2020. Nhưng thực tế nhiều hàng hóa làm tại Việt Nam nhưng thiết kế sáng tạo lại ở nước khác.

Ngày 26/4, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ đồng tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do chính phủ Đức tài trợ.

Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh cho biết, Việt Nam đã nhận thấy tiềm năng phát triển của kinh tế sáng tạo.  Tuy nhiên, còn cách hiểu khác nhau về kinh tế sáng tạo, có nơi còn hiểu “đại khái” kinh tế sáng tạo giống với đổi mới sáng tạo. Chính sách cho kinh tế sáng tạo chỉ mới cụ thể ở một số ngành, song chưa điều chỉnh kịp thời phù hợp với bối cảnh mới của các ngành này, trong khi nhiều hoạt động sáng tạo còn thiếu khung chính sách, quy định pháp lý.

z5385117010934_dc1a47d5e974a8251878210174953b8b

Công bố kết quả nghiên cứu “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam”, ông Nguyễn Ánh Dương cho biết, thương mại hàng hóa sáng tạo của Việt Nam có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2002-2020. Xuất khẩu tăng trung bình 9,23%/năm trong giai đoạn 2011-2020. Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nhà xuất khẩu hàng hóa sáng tạo lớn nhất vào năm 2020. Nhập khẩu tăng trung bình 7,99%/năm.

Xét theo ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo, thiết kế là ngành xuất khẩu nhiều nhất trong suốt giai đoạn 2002-2020, đạt hơn 11,9 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 84,36% tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam.

Các thị trường xuất khẩu hàng hóa sáng tạo: Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, tiếp đó là Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Đức,... Châu Mỹ, châu Á và châu Âu đóng góp tổng cộng tới 97,3% trong xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã bước đầu có khung chính sách liên quan đến phát triển kinh tế sáng tạo. Một số chính sách, quy định pháp lý cho phân ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo cụ thể đã thể hiện những cân nhắc phù hợp, tránh rập khuôn.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, chúng ta cũng không quá lạc quan về sự phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam. Bởi chúng ta còn nhiều hạn chế ở nền kinh tế.

Ông Bình dẫn chứng, một số sản phẩm làm tại Việt Nam nhưng phần sáng tạo không nằm tại Việt Nam. Đơn cử như bộ Lego lắp ráp tại Việt Nam, toàn bộ thiết kế lại được làm ở Đan Mạch và các quốc gia khác. Lego tính vào giá trị xuất khẩu tại Việt Nam nhưng sáng tạo tại Việt Nam không nhiều. Hoặc ngành dệt may, sáng tạo thiết kế ở nước ngoài nhưng tại Việt Nam chỉ có gia công.

Để phát triển ngành kinh tế sáng tạo, CIEM khuyến nghị cần hoàn thiện khung chính sách vững chắc để nuôi dưỡng kinh tế sáng tạo. Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ số. Phát triển giáo dục và đào tạo kỹ năng. Thúc đẩy hợp tác và kết nối. Tiếp tục phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm sáng tạo. Tăng cường tính bền vững và trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp liên quan tới sáng tạo.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết "Không nên quá lạc quan với phát triển kinh tế sáng tạo của Việt Nam" tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tp.HCM: Miễn thuế TNDN, TNCN hoạt động khởi nghiệp sáng tạo
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 11/2024/NĐ-CP ngày 2/2/2024 quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán dự án đầu tư theo hợp đồng BT; miễn thuế TNDN, miễn thuế TNCN liên quan đến hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Tp.HCM.