Kinh nghiệm của Malaysia về Bộ chỉ tiêu báo cáo vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

20/12/2024, 14:02
báo nói -

TCDN - Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của Malaysia về bộ chỉ tiêu này và rút ra bài học cho Việt Nam.

10-1

TÓM TẮT:

Bộ chỉ tiêu báo cáo tình hình vốn nhà nước tại doanh nghiệp là công cụ thu thập thông tin, số liệu về tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư nhằm cung cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và các cơ quan quản lý nhà nước các thông tin cần thiết một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác, làm căn cứ để cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quyết định đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Việc xây dựng được bộ chỉ tiêu báo cáo phù hợp với từng cấp độ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của của các cơ quan liên quan đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Ma-lay-xi-a là quốc gia tương đồng với Việt Nam về nhiều mặt từ vị trí địa lý, trình độ phát triển kinh tế cũng như vai trò của DNNN. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của Ma-lay-xi-a về bộ chỉ tiêu này và rút ra bài học cho Việt Nam.

Tổng quan về doanh nghiệp nhà nước tại Ma-lai-xi-a

Các doanh nghiệp có vốn nhà nước hay còn gọi là các công ty liên kết với Chính phủ (Government-Linked Companies - GLC) mang tính phổ biến và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Malaysia. Nếu xét trong các quốc gia, Malaysia nằm trong số những quốc gia có sự hiện diện GLC cao nhất trên toàn thế giới với thứ hạng xếp thứ 5 (Kowalski và cộng sự, 2013).

Tại Ma-lay-xi-a doanh nghiệp có vốn nhà nước hay còn gọi là các công ty liên kết với Chính phủ (Government-Linked Companies -GLC) và các công ty quản lý và đầu tư vốn của Chính phủ (GLICs) đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế của đất nước.

Theo định nghĩa của chính phủ, GLC là các công ty có mục tiêu thương mại chính, nhưng chính phủ Malaysia nắm giữ cổ phần chi phối trong các quyết định quan trọng, chẳng hạn như bổ nhiệm các vị trí quản lý, trao hợp đồng, chiến lược, tái cấu trúc và tài trợ, mua lại và thoái vốn. Nguồn tài trợ của chính phủ cho GLC được phân bổ thông qua các công ty đầu tư và quản lý vốn của Chính phủ (GLICs). Do đó, cổ phần sở hữu của chính phủ Malaysia trong bất kỳ GLC nào đều được nắm giữ thông qua một công ty đầu tư liên kết với chính phủ (GLICs). Mặc dù GLC có xu hướng chủ yếu liên quan đến các ngành dựa trên tài nguyên, nông nghiệp và dịch vụ, nhưng hầu như không có ngành nào mà GLC không có mặt. GLC đóng vai trò thống lĩnh trong tất cả các ngành ngoại trừ một số ngành liên quan đến thực phẩm, khoáng sản và dịch vụ.

GLICs được định nghĩa là công ty quản lý và đầu tư vốn của Chính phủ, có chức năng phân bổ một phần hoặc toàn bộ quỹ của mình vào các GLC. Hiện có bảy GLICs ở Malaysia: Quỹ tiết kiệm nhân viên (EPF), Khazanah Nasional Berhad, Kumpulan Wang Amanah Pencen (KWAP), Lembaga Tabung Angkatan Tentera (LTAT), Lembaga Tabung Haji (LTH), Menteri Kewangan Diperbadankan (MKD) và Permodalan Nasional Berhad (PNB) và được chia thành hai loại chính: Công ty quỹ đầu tư hưu trí của chính phủ liên bang (FGPIF) gồm EPF, KWAP, LTAT và TH[ EPF là một cơ quan của chính phủ Malaysia, được thành lập theo Đạo luật Quỹ dự phòng của nhân viên năm 1991 (Đạo luật 452). Mục tiêu chính là quản lý kế hoạch tiết kiệm bắt buộc và kế hoạch nghỉ hưu cho người lao động khu vực tư nhân tại Malaysia và cung cấp các chế độ phúc lợi hưu trí cho các thành viên của mình thông qua việc quản lý tiền tiết kiệm của họ một cách hiệu quả và đáng tin cậy.

KWAP hay Quỹ hưu trí được thành lập vào ngày 1 tháng 3 năm 2007 theo Đạo luật Quỹ hưu trí năm 2007. Mục tiêu của KWAP là hỗ trợ chính phủ liên bang trong việc tài trợ cho các khoản nợ lương hưu.

LTAT được thành lập theo Đạo luật của Quốc hội (Đạo luật 101, 1973). Là một cơ quan theo luật định của chính phủ, LTAT cung cấp các chế độ phúc lợi hưu trí và chương trình tiết kiệm cho các viên chức của Angkatan Tentera Malaysia.

TH được thành lập vào năm 1962 như một sáng kiến của chính phủ vì phúc lợi của người Hồi giáo ở Malaysia TH tạo điều kiện cho người Hồi giáo Malaysia tiết kiệm và đầu tư vào các công cụ tài chính tuân thủ luật Shariah.] và Công ty đầu tư của chính phủ liên bang khác (OFGLIC) gồm Khazanah, PNB và MOF.Inc đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý tài sản của đất nước. Trong đó, NSNN cấp vốn cho Khazanah, PNB và MOF.Inc; còn nguồn vốn của các công ty quỹ đầu tư hưu trí của chính phủ liên bang do công chúng đầu tư góp vốn.

Chính phủ đầu tư vào các GLC thông qua các GLICs nhằm mục tiêu lấp khoảng trống thị trường (market gap) trong một số lĩnh vực nhất định thông qua đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược và / hoặc các lĩnh vực có nhu cầu cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân như dịch vụ giao thông công cộng (xe cứu hỏa, xe buýt, v.v.) và các tiện ích như điện nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do khu vực tư thiếu quan tâm và đầu tư vào các hoạt động có rủi ro cao, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp[ Tháng 7/2024, Quỹ đầu tư quốc gia Khazanah Nasion đã công bố việc mua lại hai công ty Malaysia Venture Capital Management và Penjana Kapita. Đồng thời, thành lập một quỹ đầu tư quốc gia với khoản phân bổ ban đầu là 1 tỷ ringgit để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp sáng tạo và tăng trưởng cao. Các khoản đầu tư sẽ được thực hiện thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân.]. Ngoài ra, các DNNN cũng được thành lập để thu hút các nhà đầu tư trong nước và người nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực chuyên ngành như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Theo Kế hoạch Madani Bugdet 2024, giá trị đầu tư tích lũy của các GLC ước tính đạt 130 tỷ RM với trọng tâm đầu tư bao gồm đầu tư trực tiếp trong nước (DDI), vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp sáng tạo công nghệ cao và tăng trưởng xanh để phục hồi khí hậu.

Hiện nay, nhằm phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chính phủ Malaysia đã khởi động chương trình Perkukuh Pelaburan Rakyat (PERKUKUH) với trọng tâm cốt lõi là tối ưu hóa vị thế chiến lược và định hướng dài hạn của các công ty đầu tư liên kết với chính phủ (GLIC) và các công ty liên kết với chính phủ (GLC) của quốc gia.

PERKUKUH đặt ra năm kết quả chính gồm làm rõ hơn nhiệm vụ của từng GLIC; tăng cường tập trung vào các khoản đầu tư phát triển để thúc đẩy tăng trưởng mới; thu hút khu vực tư nhân; đảm bảo tương lai cho GLIC thông qua việc cải thiện quản trị và năng lực; cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ xã hội và khả năng phục hồi tài chính của GLIC. Trong đó, GLIC sẽ được chia thành hai loại, cụ thể là Quỹ đầu tư quốc gia (“SWF”) và Nhà đầu tư tổ chức nhằm giúp mỗi GLIC tập trung rõ ràng vào vai trò của mình và tối đa hóa tác động trong danh mục đầu tư và lĩnh vực chuyên môn. Bên cạnh đó, để thu hút đầu tư tư nhân, PERKUKUH sẽ hợp lý hóa mối quan hệ giữa Chính phủ và các doanh nghiệp, thông qua việc xem xét các cổ phiếu vàng trong các công ty được đầu tư, xác định lại các lĩnh vực chiến lược trước đây và xác định các lĩnh vực mới có lợi ích quốc gia.

Bộ chỉ tiêu báo cáo tình hình vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp tại Ma-lai-xi-a

Chính phủ Malaysia đầu tư vào các GLC thông qua các GLICs và có quyền trong việc ra các quyết định quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư,… thông qua việc can thiệp trực tiếp hoặc qua các Quỹ đầu tư của Chính phủ trên tỷ lệ cổ phần để nắm quyền kiểm soát. Do đó, các GLC, GLICs có trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng có nhiệm vụ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, các GLICs cũng có trách nhiệm Báo cáo về tình hình hoạt động của các công ty được đầu tư. Tuy nhiên, Ma-lai-xi-a không luật hóa các nội dung, chỉ số báo cáo của DN mà chỉ đưa ra một số hướng dẫn.

Trong đó, tại “Silver Book” (Sáng kiến số 7) của GLC Transformation programme[ Chương trình chuyển đổi DNNN tại Ma-lay-xi-a giai đoạn 2005-2015.], nguyên tắc nâng cao năng lực quản lý vốn có đề cập đến một số tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá gồm: (i) các doanh nghiệp tạo ra giá trị bằng cách đầu tư vốn để tạo ra lợi nhuận lớn hơn giá vốn - nói cách khác tỷ suất trên vốn đầu tư (ROIC) lớn hơn chi phí vốn bình quân gia quyền (WACC); (ii) quản lý vốn hiệu quả là tối đa hóa giá trị của công ty bằng cách tối ưu hóa cấu trúc vốn (để đạt được chi phí vốn cạnh tranh) và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn (để cải thiện ROIC).

Bên cạnh đó, Ma-lai-xi-a không ban hành quy định về Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên, tại Điều 3.34 - Hướng dẫn người quản lý DNNN quy định về trách nhiệm của HĐQT/HĐTV trong việc xây dựng bộ KPIs - Bộ chỉ tiêu cho năm tài chính tiếp theo phải gửi tới MOF Inc. 02 tuần trước khi kết thúc năm tài chính trước đó. Đồng thời, các hướng dẫn cũng không có bộ chỉ tiêu cụ thể mà đưa ra một số gợi ý như sau:

- Các chỉ số tài chính (ví dụ: lợi nhuận mục tiêu, giảm chi phí, v.v.);

- Các chỉ số hoạt động phi tài chính (ví dụ: mục tiêu mức độ dịch vụ, tiêu chuẩn tuân thủ, khảo sát sự hài lòng của khách hàng, v.v.); 

- Đặt trọng số thích hợp cho từng chỉ tiêu dựa trên hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty. Ngoài ra, tại Blue book (Initiative 9) thuộc Chương trình chuyển đổi DNNN cũng đưa ra hướng dẫn cách thức xây dựng Bộ chỉ tiêu đánh giá hoạt động.

Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động gồm 5 cấu phần:

- Về tài chính: Chỉ tiêu hiệu suất (ROA, ROE, chi phí sản xuất); chỉ tiêu sức khỏe doanh nghiệp (Chất lượng doanh thu, Giá trị hiện tại thuần (NPV) của những dự án sáng kiến cải thiện hoạt động).

- Về thị trường: Chỉ tiêu hiệu suất (Lợi nhuận giữ lại; Thị phần kinh doanh); Chỉ tiêu sức khỏe doanh nghiệp (Chất lượng mối quan hệ với khách hàng chính).

- Về tổ chức: Chỉ tiêu hiệu suất (Số lượng lao động có hiệu suất cao; số lượng người lao động nghỉ việc); Chỉ tiêu sức khỏe doanh nghiệp (Mức độ hài lòng của người lao động; Sự duy trì nguồn lao động tiềm năng).

- Về hệ thống: Chỉ tiêu hiệu suất (Các hoạt động của công đoàn); Chỉ tiêu sức khỏe doanh nghiệp (Chất lượng mỗi quan hệ với công đoàn; Chất lượng mối quan hệ với các các cơ quan quản lý nhà nước).

- Về hoạt động: Chỉ tiêu hiệu suất (Năng suất lao động; Tính an toàn); Chỉ tiêu sức khỏe DN (Chất lượng của các chương trình bảo trì; Văn hóa nhận thức về tính an toàn ví dụ như các hành vi và tư duy an toàn lao động).

Trên cơ sở 05 cấu phần này, các chỉ tiêu báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp được xây dựng theo từng ngành. Hơn nữa, tại hướng dẫn về cấp quản lý tại DNNN do MOF Inc. nắm giữ cũng đưa ra một số yêu cầu về báo cáo đối với DNNN. Theo đó, báo cáo kết quả KPI, Báo cáo quản trị và Báo cáo tài chính của doanh nghiệp hàng quý phải được phê duyệt bởi Hội đồng quản trị và nộp cho MOF Inc. trước hoặc vào ngày 30 hoặc 31 của tháng tiếp theo sau khi kết thúc mỗi quý.

Đối với việc công khai báo cáo về DNNN, ở cấp độ doanh nghiệp, các DNNN Ma-lai-xi-a tuân theo các quy định về công bố thông tin theo quy định tại Luật doanh nghiệp và các hướng dẫn về quản trị áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở cấp độ quốc gia, các tổ chức quốc tế khuyến nghị Chính phủ Ma-lay-xi-a công bố công khai các báo cáo thường niên về các GLC nhằm đánh giá theo từng loại GLC theo các mục tiêu về chính sách, mục tiêu tài chính và nghĩa vụ tuân thủ các quy định. Các báo cáo tài chính hàng năm của các GLC phải được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập, có uy tín và được công nhận trên toàn thế giới.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Tương tự các DNNN tại Việt Nam, các GLC tại Ma-lay-xi-a nắm giữ nguồn lực lớn và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tuy nhiên hoạt động của các doanh nghiệp này vẫn được đánh giá là kém hiệu quả và khả năng sinh lời thấp. Bên cạnh đó, Ma-lay-xi-a cũng có nhiều điểm tương đồng về vị trí địa lý, trình độ phát triển kinh tế cũng như đặc điểm về DNNN. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của Ma-lay-xi-a, bài viết rút ra một số bài học cho Việt Nam về báo cáo và các chỉ tiêu báo cáo tình hình vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp cụ thể:

Thứ nhất, về tính pháp quy của báo cáo tình hình vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Kinh nghiệm của Ma-lay-xi-a cho thấy cần có hướng dẫn về Bộ chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp theo từng ngành; Đối với doanh nghiệp có quy mô khác nhau thì cũng cần gán trọng số khác nhau cho các chỉ số để phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chỉ tiêu báo cáo chỉ nên hướng dẫn về mặt nguyên tắc nhằm tạo cơ sở cho các cơ quan đại diện CSH xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động phù hợp với từng doanh nghiệp, từng ngành.

Thứ hai, về các chỉ tiêu báo cáo. Bộ chỉ tiêu báo cáo nên bao gồm cả chỉ tiêu tài chính và phi tài chính. Trong đó, đối với các chỉ tiêu tài chính, ngoài chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, xem xét sử dụng hai chỉ tiêu quan trọng là ROIC và WACC. Bởi việc so sánh ROIC và WACC cho biết hiệu quả thực tế của doanh nghiệp, có nghĩa là tỷ suất lợi nhuận/vốn sử dụng phải lớn hơn chi phí sử dụng vốn bình quân thì việc sử dụng vốn của DNNN mới đạt hiệu quả. Đối với chỉ tiêu phi tài chính, một số chỉ tiêu cần được xem xét như mức độ hài lòng của khách hàng, mục tiêu mức độ dịch vụ, mức độ giảm phác thải/chuyển đổi xanh, mức độ chuyển đổi số…. Ngoài ra, cần thêm các chỉ tiêu thể hiện mức độ đóng góp cho xã hội như giải quyết được bao nhiêu việc làm, cung ứng được các dịch vụ công thiết yếu nào, đầu tư được bao nhiêu % hạ tầng quan trọng quốc gia, có những đóng góp lớn gì cho XH (VD: đóng góp trong đại dịch Covid…).

Thứ ba, về thiết kế bộ chỉ tiêu báo cáo: Bộ chỉ tiêu báo cáo là một công cụ phục vụ việc quản lý, giám sát, cần được thiết kế phù hợp với mục tiêu quản lý của từng cấp. Về nguyên tắc, càng lên cấp quản lý cao hơn, số chỉ tiêu báo cáo càng ít, càng ở cấp độ DN, số lượng chỉ tiêu càng nhiều. Trong đó, ở cấp độ doanh nghiệp, các chỉ tiêu báo cáo cần có đầy đủ thông tin chi tiết để phục vụ việc ra quyết định quản lý, việc theo dõi sức khỏe tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ở cấp độ chủ sở hữu, các chỉ tiêu báo cáo cần bao quát nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN. Ở cấp độ quốc gia, các chỉ tiêu báo cáo cần xây dựng đảm bảo phục vụ mục tiêu quản lý, điều hành (bao gồm một số chỉ tiêu báo cáo giúp cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ có thông tin trong quá trình xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến khu vực DNNN và phát triển kinh tế nói chung) và chỉ tiêu báo cáo phục vụ mục đích công khai thông tin.

Thứ tư, về cấu trúc của báo cáo. Trong đó, Báo cáo ở cấp độ quốc gia về hiệu suất tài chính/ hiệu quả hoạt động của các DNNN cần phải đảm bảo một số cấu phần chính gồm: (i) Tổng quan về ngành và những điểm nổi bật trong hoạt động của các DNNN trong năm; (ii) Danh sách các DNNN do Chính phủ sở hữu, được phân chia theo ngành, quy mô và loại hình sở hữu; (iii) Tổng quan tình hình chính phủ thực hiện chính sách sở hữu (bao gồm việc bổ nhiệm các thành viên hội đồng quản trị, chính sách cổ tức, các thỏa thuận về mục tiêu, tổ chức và quản trị,…); (iv) Một số vấn đề là điểm nhấn trong năm; (v) Thông tin sơ bộ về từng DNNN (cung cấp tóm tắt về hoạt động, báo cáo tài chính và một số chỉ tiêu tài chính cơ bản); (vi) Những thay đổi trong tỷ lệ sở hữu giữa các DNNN và Chính phủ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bakul H Dholakia and Ravindra H Dholakia (1994). Malaysia’s Privatization Programme. https://doi.org/10.1177/025609091994030

Gomez, E. T., Fisal, F., Padmanabhan, T., & Tajuddin, J. (2018). Government in business: Diverse forms of intervention. Malaysia GLC monitor 2018.

Jayant Menon (2017). Government-Linked Companies: Impacts on the Malaysian Economy. Policy IDEAS No 45Rahayu Abdul Rahman, Asheq Rahman, Erlane K Ghani & Normah Hj Omar (2019).

Government-Linked Investment Companies and Real Earnings Management: Malaysian Evidence. International Journal of Financial Research, Vol. 10, No. 3, Special Issue; 2019.

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Khánh

Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính

ThS. Lê Minh Hương

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính

Tạp chí in số tháng 12/2024
Bạn đang đọc bài viết Kinh nghiệm của Malaysia về Bộ chỉ tiêu báo cáo vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899