Phát triển hoạt động bảo lãnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:

Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

26/03/2024, 16:05
báo nói -

TCDN - Nghiên cứu hoạt động BLTD hỗ trợ SMEs của một số quốc gia trên thế giới nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam là mục tiêu của bài viết này. 

10-1

TÓM TẮT:

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. SMEs không chỉ có vai trò lớn trong động lực tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, loại hình doanh nghiệp này rất năng động, dễ ứng dụng công nghệ sản xuất mới, vì vậy có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế. Tại Việt Nam, mặc dù có vai trò rất quan trọng, nhưng SMEs đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, trở ngại lớn nhất khiến họ không thể vay vốn là không có tài sản đảm bảo, theo VCCI-2023.

Trên thực tế, hoạt động bảo lãnh tín dụng (BLTD) đã xuất hiện và phát triển tại hầu hết các quốc gia bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển. Hoạt động BLTD hỗ trợ các SMEs được thực hiện dưới sự bảo lãnh của Chính phủ (Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc) hoặc của các Hiệp hội (Tây Ban Nha, Pháp). Đặc biệt là từ năm 2020, BLTD càng cho thấy vai trò quan trọng của nó trong hỗ trợ SMEs - đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Các chính sách này đã hỗ trợ hiệu quả cho SMEs trong việc có vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt giúp các doanh nghiệp này phục hồi, phát triển sau tác động nghiêm trọng của các cú sốc từ bên ngoài. Tuy nhiên, ở Việt Nam thời gian qua hoạt động BLTD hỗ trợ SMEs còn gặp nhiều hạn chế, chưa hỗ trợ được cho các doanh nghiệp. Các DNNVV gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, các chương trình, yêu cầu của quỹ quá chặt chẽ, thậm chí một số doanh nghiệp gần như không tiếp cận được thông tin về quỹ này.

Xuất phát từ lý do trên, nghiên cứu hoạt động BLTD hỗ trợ SMEs của một số quốc gia trên thế giới nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam là mục tiêu của bài viết này. 

1. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển hoạt động bảo lãnh tín dụng hỗ trợ SMEs

Mô hình BLTD được xây dựng và phát triển trên thế giới từ thế kỷ 19, các chương trình bảo lãnh đã phát triển nhanh chóng tại hầu hết các quốc gia, bao gồm cả các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… và đã có những đóng góp đối với việc hỗ trợ SMEs và nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn như khủng hoảng kinh tế châu Á 1997, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 hay ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Mô hình BLTD được xây dựng khác nhau tại các quốc gia. Trong khi tại các nước Mỹ, châu Âu các quỹ BLTD được thành lập từ khu vực tư nhân với sự tham gia của các TCTD, SMEs, thì tại các nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia…), các quỹ BLTD được thành lập bởi khu vực công (Chính phủ, chính quyền địa phương thành lập, tổ chức quản lý). Tại Việt Nam, quỹ BLTD được thành lập tại các địa phương, do vậy sẽ là phù hợp hơn trong việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước khu vực châu Á, đặc biệt là các quốc gia thành công với mô hình này đó là Hàn Quốc. Các bài học kinh nghiệm được rút ra theo đó cũng phù hợp và có tính khả thi cao hơn đối với Việt Nam.

1.1. Kết quả hoạt động và vai trò của bảo lãnh tín dụng hỗ trợ SMEs ở Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, với đặc điểm nền kinh tế có số lượng SMEs chiếm đến 99% tổng số doanh nghiệp (hơn 3,5 triệu doanh nghiệp), số lao động làm việc trong SMEs chiếm 88% tổng số lao động, trong khi xuất khẩu chiếm 1/3 tổng sản lượng xuất khẩu của toàn nền kinh tế. Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Quỹ BLTD Hàn Quốc (Korea Credit Guarantee Fund - KCGF vào tháng 6 năm 1976, quỹ hoạt động theo Luật Quỹ BLTD số 2696 ngày 21/12/1974 và cho đến nay đã có 7 lần sửa đổi bổ sung, lần sửa đổi cuối cùng gần đây nhất là ngày 13/01/1998) để giải quyết những khó khăn trong tiếp cận vốn của các DNNVV. Năm 2006, quỹ này được đổi tên thành KODIT nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập quỹ.

1

Theo thống kê, nhờ có BLTD của KODIT mà số SMEs được vay vốn tăng lên đáng kể, từ 35,7% năm 1975 đã tăng lên 76,7% vào năm 2015. Tính đến năm 2016, KODIT đã bảo lãnh cho hơn 205 nghìn doanh nghiệp, số tiền bảo lãnh lên đến 42 tỷ USD. Tỷ lệ doanh nghiệp do KODIT bảo lãnh là 70 - 85% so với số hồ sơ nộp đơn xin bảo lãnh; trong đó, riêng nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp thì tỷ lệ được bảo lãnh lên đến 100%. Trong giai đoạn 2017-2021, hoạt động BLTD tại Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh, đến cuối năm 2021, giá trị bảo lãnh luỹ kế đạt hơn 66 tỷ USD tăng gấp hơn 1,5 lần so với năm 2017. Hoạt động BLTD đã tiếp cận được một lượng lớn đối tượng là SMEs với 1/3 trong tổng số 3,6 triệu SMEs tại Hàn Quốc được bảo lãnh khi vay vốn tại các TCTD, giá trị của các khoản vay bảo lãnh chiếm 15% tổng giá trị các khoản vay của các doanh nghiệp này. Thông qua BLTD, SMEs cũng được vay với lãi suất thấp hơn 4% cho các khoản vay tại các TCTD (năm 2019). Hoạt động BLTD đã góp phần tích cực vào việc tạo việc làm (với giá trị bảo lãnh đạt 1 triệu USD sẽ tạo ra được 4,5 việc làm mới), tăng nguồn thu từ thuế cho Chính phủ (1 triệu USD được bảo lãnh sẽ làm tăng mức thuế thu được lên 0,5 triệu USD). Đặc biệt BLTD là công cụ hữu hiệu để tạo tính thanh khoản cho SMEs trong khủng hoảng kinh tế (giai đoạn 2008-2009 và 2020-2021).

Thành công hoạt động BLTD tại Hàn Quốc nói chung và của KODIT nói riêng trở thành mục tiêu chuẩn mực của các quốc gia trên thế giới. Trong nửa đầu năm 2006, KODIT đã giới thiệu dịch vụ BLTD cho các cá nhân và tổ chức chính phủ của 13 quốc gia, bao gồm Hiệp hội Bảo lãnh Tương hỗ Châu Âu, Văn phòng Xúc tiến Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Thái Lan, Hiệp hội SMEs, v.v. Thông qua liên tục nỗ lực đổi mới, KODIT đặt mục tiêu đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc.

1.2. Giới thiệu về hoạt động bảo lãnh tín dụng hỗ trợ SMEs ở Hàn Quốc

Về mô hình tổ chức hoạt động

Tại Hàn Quốc, hệ thống BLTD bao gồm hệ thống BLTD trực thuộc ngân hàng trung ương và các cơ cấu tài chính khác thuộc Chính phủ. Cho đến hiện nay, hệ thống BLTD cho SMEs được phân theo 3 kênh chính gồm: (i) Quỹ BLTD Hàn Quốc (Korea Credit Guarantee Fund - KCGF, nay là KODIT): (ii) Quỹ BLTD công nghệ Hàn Quốc (KOTCH): thành lập từ tháng 4/1986 theo Nghị định của Chính phủ khuyến khích SMEs phát triển kỹ thuật, công nghệ mới nhưng thiếu vốn sản xuất; (iii) Quỹ BLTD địa phương: do các chính quyền địa phương thành lập và hoạt động theo nghị quyết riêng của mình.

Nổi bật trong hoạt động BLTD hỗ trợ SMEs là quỹ KODIT. Mục đích thành lập của KODIT được quy định trong điều 1 của Đạo luật Quỹ BLTD Hàn Quốc, trong đó quy định rõ ràng rằng KODIT được thành lập để tạo điều kiện tài chính cho các doanh nghiệp bằng cách đảm bảo nghĩa vụ của các doanh nghiệp kinh doanh thiếu tài sản thế chấp và góp phần vào sự phát triển cân bằng của nền kinh tế quốc dân bằng cách thiết lập trật tự tín dụng lành mạnh thông qua quản lý và sử dụng hiệu quả thông tin tín dụng. KODIT hoạt động trên toàn quốc với mạng lưới rộng khắp (01 trụ sở chính, 09 vùng và 106 chi nhánh), hướng đến bảo lãnh chủ yếu cho SMEs có định hướng xuất khẩu. KODIT tập trung BLTD cho các doanh nghiệp có tổng tài sản ít hơn 445 triệu USD và doanh thu tùy thuộc vào ngành nghề được xếp vào SMEs.

Vốn hoạt động của các tổ chức BLTD từ các nguồn sau: (i) đóng góp của Chính phủ theo luật định; (ii) đóng góp của các NHTM từ các khoản cho vay có lãi suất được phân chia như sau: mỗi khoản cho vay có lãi suất được tính 0,3% số tiền vay để hình thành vốn hoạt động cho KODIT và KOTECH, trong đó 0,2% số tiền vay để hình thành vốn hoạt động cho KODIT và 0,1% số tiền vay để hình thành vốn hoạt động cho KOTECH. Ngoài ra còn từ doanh nghiệp và các cá nhân.

2

Ngoài ra, hiện Hàn Quốc có 10 quỹ BLTD cho SMEs địa phương thuộc các vùng lớn trong toàn quốc như Thủ đô Seoul, Thành phố Busal… Hệ thống bảo lãnh được tổ chức và quản lý rất chặt chẽ và logic từ trung ương đến địa phương. Chẳng hạn quỹ BLTD Hàn Quốc và quỹ BLTD công nghệ do ủy ban tài chính quốc gia giám sát hoạt động, còn quỹ BLTD địa phương do ban quản lý khối SMEs điều hành.

Về điều kiện bảo lãnh tín dụng

Tại Hàn Quốc, tất cả các chủ thể kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận đều đủ điều kiện nhận BLTD ngoại trừ các ngành như: (a) kinh doanh khách sạn, chung cư giải trí, (b) kinh doanh nhà hàng sang trọng, (c) dịch vụ tài chính, (d) dịch vụ môi giới bất động sản. Các công ty không đủ điều kiện bao gồm (a) công ty không hoạt động, (b) công ty quá hạn thanh toán các khoản vay ngân hàng, (c) công ty nộp tài liệu giả, (d) công ty được điều hành bởi người chịu trách nhiệm thanh toán theo bảo lãnh, v.v...

Về quy trình bảo lãnh

Tại Hàn Quốc, để nhận được bảo lãnh từ KODIT, người nộp đơn cần trải qua một loạt thủ tục. Về cơ bản, quy trình BLTD cũng tương đồng với quy trình bảo lãnh nói chung. Đầu tiên, người nộp đơn được yêu cầu phải có một chuyến thăm tư vấn hoặc tư vấn internet. Trong giai đoạn này, KODIT tập trung vào tính đủ điều kiện của người nộp đơn. Sau khi nhận được các tài liệu cần thiết, KODIT tiến hành điều tra tín dụng và báo cáo xếp hạng tín dụng của người nộp đơn. Trong giai đoạn đánh giá tín dụng, KODIT quyết định số tiền bảo lãnh cho người nộp đơn. Nếu KODIT quyết định cung cấp bảo lãnh, KODIT sẽ phát hành thư BLTD cho ngân hàng cho vay. Nó thường mất ba đến chín ngày làm việc cho toàn bộ quá trình.

3

Tại Hàn Quốc, trước thời điểm năm 1998, KODIT vẫn áp dụng tỷ lệ phí bảo lãnh cố định cho khách hàng vay, theo đó đối với DNNVV là 1,0% và đối với các doanh nghiệp lớn là 1,5%. Tuy nhiên, sau thời điểm đó, KODIT đã xây dựng một hệ thống phí bảo lãnh gắn liền với xếp hạng tín dụng của người nộp đơn. Tỷ lệ phí cơ bản dao động từ 0,5% đến 3,0% của số tiền bảo lãnh được tính theo xếp hạng tương ứng của người nộp đơn. Mức phí cuối cùng được quyết định bằng cách cộng hoặc trừ một tỷ lệ nhất định vào phí cơ bản, tùy thuộc vào tình hình hiện tại của người nộp đơn hoặc loại sản phẩm bảo lãnh. Đối với một công ty lớn, thêm 0,5% được cộng vào mức phí cuối cùng.

Về tỷ lệ bảo lãnh tín dụng

Tại Hàn Quốc, KODIT đã sửa đổi hệ thống bảo lãnh một phần vào năm 1998 và tháng 1 năm 2006, theo đó tỷ lệ bảo hiểm cho người nộp đơn được gắn với xếp hạng tín dụng. Một đặc điểm dễ nhận thấy là khi xếp hạng tín dụng tăng lên thì tỷ lệ bao phủ giảm dần. Điều này là do hệ thống bảo hiểm một phần mới của KODIT nhằm mục đích khuyến khích các tổ chức tài chính tư nhân cho vay tín dụng bằng cách gửi cho họ tín hiệu rằng một doanh nghiệp có tỷ lệ bảo hiểm thấp hơn có xếp hạng cao hơn.

Tính trọng số theo xếp hạng tín dụng của công ty và chu kỳ bảo lãnh, thời gian nhận bảo lãnh, tuy nhiên KODIT cũng quy định mức bảo lãnh tối đa cho các khoản bảo lãnh. Thông thường tỷ lệ bảo lãnh dao động trong khoảng từ 50-80%. Mức bảo lãnh tối đa có thể được tính theo doanh thu hoặc theo vốn CSH. Theo đó, mức bảo lãnh tối đa trong khoảng từ 1/6-1/2 doanh thu hàng năm. Trong khi, theo vốn CSH thì mức bảo lãnh trong khoảng 3 lần vốn cổ phần. Thực tế, mức bảo lãnh tối đa khoảng 2,7 triệu USD (trường hợp bảo lãnh đặc biệt có thể lên tới 6,3 triệu USD). Mức bảo lãnh trung bình đạt 180 nghìn USD.

Về thực hiện các dịch vụ khác ngoài BLTD

Tại Hàn Quốc, quỹ KODIT ngoài chức năng BLTD còn thực hiện nhiện nhiều chức năng khác, một mặt tạo điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo lãnh, mặt khác tạo sự gắn kết chặt chẽ với các DNNVV. Cụ thể:

- Bảo hiểm tín dụng. KODIT đã giới thiệu dịch vụ bảo hiểm tín dụng dành riêng cho SMEs vào tháng 3 năm 2004. Dịch vụ này được thiết kế để cung cấp cho SMEs sự bảo vệ trước rủi ro do người mua không thanh toán các khoản phải thu thương mại của họ. Nó bao gồm 80% việc không thanh toán các khoản phải thu trong trường hợp người mua không thể thực hiện nghĩa vụ của mình đối với nhà cung cấp (công ty bảo hiểm) do mất khả năng thanh toán hoặc vỡ nợ. Số tiền tối đa cho mỗi công ty bảo hiểm là 1 tỷ KRW trong khi tổng số tiền phải thu thương mại từ một người mua không được vượt quá 7 tỷ KRW. Dịch vụ bảo hiểm tín dụng còn giúp SMEs (các công ty bảo hiểm) tăng cường khả năng quản trị rủi ro với việc KODIT thường xuyên giám sát tình trạng tín dụng của các nhà cung cấp. Dịch vụ này đã phổ biến trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ kể từ khi thành lập.

- Quản lý thông tin tín dụng. Tầm quan trọng của thông tin tín dụng là rất lớn, đặc biệt là trong nền kinh tế hiện đại. KODIT, kể từ khi thành lập, đã tích lũy và quản lý dữ liệu thông tin tín dụng được thu thập trong quá trình điều tra tín dụng. Quỹ đã triển khai thành công dịch vụ thông tin tín dụng có tên là CRETOP bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng lớn nhất về SMEs của Hàn Quốc. Với dịch vụ này, các doanh nghiệp và tổ chức tài chính có thể có được thông tin tín dụng quan trọng về các đối tác thương mại và khách hàng của họ. KODIT đã hoạt động như một văn phòng tín dụng cho đến khi Korea Enterprise Data (KED) được tách ra vào tháng 5 năm 2005 KODIT đã tiến hành 47.311 trường hợp điều tra tín dụng và sở hữu 741 nghìn thông tin tín dụng về SMEs của Hàn Quốc. - Đầu tư kết hợp bảo lãnh. KODIT triển khai dịch vụ đầu tư kết hợp bảo lãnh thông qua đó cung cấp vốn cho các công ty liên doanh bằng cách mua cổ phần hoặc bảo lãnh phát hành trái phiếu. Dịch vụ này phục vụ lợi ích của cả hai bên vì các công ty được đầu tư có thể thu được vốn dài hạn trong khi KODIT có thể mong đợi thu được thêm vốn từ khoản đầu tư. Các doanh nghiệp đủ điều kiện cho dịch vụ này là các công ty sáng tạo trong lĩnh vực phát sóng kỹ thuật số, pin thế hệ tiếp theo, công nghiệp bán dẫn có tiềm năng lớn để đưa nền kinh tế Hàn Quốc lên một giai đoạn cao hơn.

- Tư vấn quản lý. Để giúp SMEs giải quyết những khó khăn mà họ gặp phải trong quản lý, KODIT cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý. Dịch vụ này bao gồm tư vấn quản lý, chương trình đào tạo và ấn phẩm. Tư vấn quản lý được thực hiện bởi “Nhóm tư vấn quản lý KODIT”, được hình thành từ các chuyên gia độc lập có kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực của họ. KODIT trả 50-70% phí tư vấn. Tư vấn được thực hiện trên trang web hoặc thông qua Internet.

2. Bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Thứ nhất, quy định khung khổ pháp lý ở mức cao nhất là Luật về BLTD, gắn liền với nó là bảo hiểm tín dụng, tạo lập cơ chế đồng bộ đảm bảo quản lý được rủi ro ở mức tốt nhất mà không tạo thêm những áp lực về thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ đối với SMEs.

Các nước đều nhận thức được vai trò quan trọng của các SMEs đối với nền kinh tế cũng như giải quyết các vấn đề xã hội. Vì vậy các chính sách hỗ trợ đối với SMEs đều được đồng bộ hoá, đặc biệt chính sách hỗ trợ và tiếp cận vốn qua bảo lãnh, bảo hiểm tín dụng. Xây dựng và thực thi chính sách này tuân thủ đúng nguyên tắc thị trường, khi SMEs có đóng góp lớn cho nền thì chính sách hỗ trợ cũng được thực thi như một phần tất yếu từ ngân sách để nuôi dưỡng nguồn thu và động lực tăng trưởng đối với nền kinh tế.

Hoạt động BLTD phát triển và hoàn thiện đỏi hỏi một quá trình dài với nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, công tác tổ chức và sự đánh giá của xã hội. Quá trình này gắn với sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp, các TCTD và chính sách pháp luật của Nhà nước. Các quy định thường được thực hiện từ mức độ thấp đến cao, từ cố định dễ quản lý đến linh hoạt phù hợp với nhiều nhu cầu và đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển này đòi hỏi sự phù hợp của các quy định với điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội của đất nước. Sự thay đổi trong chính sách, quy định cần đáp ứng cho nhu cầu cụ thể của quản lý vĩ mô.

Thứ hai, vai trò quan trọng của Nhà nước với tư cách là người cung cấp, hỗ trợ tài chính và các dịch vụ khác.

Hoạt động BLTD của các quỹ dành cho SMEs thường mang tính rủi ro, nhưng là cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng dễ dàng hơn. Mục tiêu tối thượng của các tổ chức BLTD là hỗ trợ các SMEs tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, do vậy cần có nguồn lực tài chính đầy đủ thông qua cơ chế huy động nguồn lực hiệu quả, đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ. Kinh nghiệm tại Hàn Quốc cho thấy, nguồn lực tài chính cho các tổ chức BLTD được cung cấp trực tiếp từ Chính phủ, chính quyền địa phương hay các nguồn vốn gián tiếp từ các hiệp hội BLTD, các công ty bảo hiểm. Tại Hàn Quốc, nguồn vốn cho hoạt động của các KODIT được quy định cụ thể trong Luật từ 03 nguồn: NSNN, đóng góp của các TCTD và từ các tổ chức và cá nhân khác.

Vai trò của Chính phủ đặc biệt quan trọng trong các giai đoạn có những biến động bất thường từ môi trường kinh tế - xã hội. Giai đoạn SMEs gặp nhiều khó khăn chính là thời điểm các hoạt động BLTD cần được đẩy mạnh, khả năng rủi ro sẽ sẵn sàng được chấp nhận ở mức cao hơn trong giai đoạn này. Việc các Chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng giá trị bảo lãnh, hạn mức bảo lãnh, giảm phí bảo lãnh trong giai đoạn Covid-19 thời gian qua là ví dụ điển hình. Khả năng thu hồi vốn sẽ cao hơn do việc phục hồi sau dịch sẽ khó sẽ hàm chứa nhiều rủi ro, với việc giảm các quy định, yêu cầu về điều kiện bảo lãnh trong giai đoạn này, Chính phủ các nước đã chấp nhận đặt mục tiêu hỗ trợ lên trên so với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn của các tổ chức bảo lãnh. Việc đánh giá bảo toàn và phát triển vốn được thực hiện trên phạm vi tổng thể, tức là toàn bộ hệ thống, toàn bộ quá trình chứ không phải tại một thời điểm, một quỹ nhất định.

Thứ ba, việc bảo toàn và phát triển vốn cho các tổ chức BLTD không được đặt ra như một yêu cầu và mục tiêu quan trọng.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước có thể thấy rằng, hoạt động BLTD phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về đối tượng được BLTD, quy trình cũng như các yêu cầu khác về tỷ lệ bảo lãnh, chi phí bảo lãnh… Tuy nhiên, các nước không đặt ra yêu cầu về bảo toàn và phát triển vốn trong hoạt động của các tổ chức này. Thực tế, hoạt động BLTD được bảo hiểm với tỷ lệ cao (70-80%) từ tổ chức bảo hiểm do Chính phủ thành lập, quản lý và cung cấp vốn hay sự hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ, các chính quyền địa phương… các nước coi hoạt động này với mục tiêu phi lợi nhuận nên việc đánh giá hoạt động của các tổ chức BLTD được thể hiện thông qua khả năng cho bảo lãnh (số lượng các doanh nghiệp được bảo lãnh, giá trị bảo lãnh, tác động đến hiệu quả kinh tế - xã hội…). Như đã phân tích về kết quả đạt được của các tổ chức BLTD tại Hàn Quốc, việc đánh giá về hiệu quả hoạt động này không được đề cập đến vấn đề bảo toàn và phát triển vốn.

Thứ tư, cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên.

Hoạt động BLTD muốn hiệu quả cần có sự tham gia tích cực, hiệu quả từ phía các chủ thể (bao gồm: tổ chức BLTD, TCTD, Hiệp hội, chính quyền địa phương, công ty bảo hiểm…). Trong mối quan hệ này, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên tham gia cần được quy định cụ thể, rõ ràng. Việc san sẻ trách nhiệm, rủi ro và hoạt động cũng được thực hiện triệt để nhằm phát huy thế mạnh của từng bên, hướng tới mục tiêu sau cùng là hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc về việc để các TCTD tham gia trực tiếp vào khâu thẩm định hồ sơ xin bảo lãnh sẽ giúp giảm tải công việc của tổ chức bảo lãnh, đồng thời phát huy lợi thế về dữ liệu, sự hiểu biết khách hàng của các tổ chức này. Đây cũng là cơ sở để các TCTD nâng cao trách, sự tin tưởng vào quyết định cho vay của mình. Sau khi đã để các TCTD thực hiện khâu đánh giá, thẩm định hồ sơ, các tổ chức bảo lãnh sẽ hạn chế việc thẩm định hai lần từ, tránh gây ra tình trạng lệch nhau về mặt khẩu vị rủi ro giữa các tổ chức BLTD và TCTD.

Bên cạnh đó, vai trò Hiệp hội SMEs, Hiệp hội BLTD tại các địa phương cũng được phát huy tối đa cả trong vấn đề hỗ trợ tài chính cũng như trong cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo và kết nối... cùng với các TCTD trong việc thẩm định, hỗ trợ tài chính cho SMEs.

Thứ năm, linh hoạt trong việc quy định mức phí.

Phí bảo lãnh là khoản chi phí mà SMEs phải trả cho tổ chức bảo lãnh để được bảo lãnh. Khoản phí này hiện nay được quy linh hoạt, không cố định, đây là kinh nghiệm của Hàn Quốc. Việc xác định mức phí sẽ phụ thuộc vào sự đánh giá về chất lượng tín dụng của SMEs cũng như một số yếu tố khác về giá trị bảo lãnh, thời gian bảo lãnh hay thậm chí là phụ thuộc vào quyết định của nhà quản lý tổ chức BLTD.

Việc linh hoạt trong việc quy định phí bảo lãnh, phí bảo hiểm có nhiều tác dụng. Với các tổ chức bảo lãnh, việc này nhằm tạo sự chủ động và cơ hội cho các tổ chức BLTD nâng cao tính chủ động trong hoạt động của mình, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến đánh giá, xếp hạng tín dụng các doanh nghiệp. Đối với SMEs, nhằm giảm chi phí bảo lãnh, họ sẽ nâng cao chất lượng trong hoạt động, cải thiện các chỉ tiêu tài chính, việc này còn tạo tính công bằng cho các doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động BLTD, qua đó góp phần nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, tạo sự ổn định chung trong nền kinh tế.

Thứ sáu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ cho hoạt động đánh giá tín dụng.

Đây là việc làm cần thiết, bởi khi việc đánh giá tín dụng được SMEs được xem là cơ sở để đưa ra mức phí của hoạt động bảo lãnh. Trong giai đoạn đầu, việc xây dựng hệ thống dữ liệu có thể được thực hiện bởi chính tổ chức bảo lãnh, tuy nhiên với sự mở rộng của quy mô, việc này dần có thể được thay thế bởi các tổ chức trung gian. Kinh nghiệm của KODIT, cho thấy kể từ khi thành lập, tổ chức này đã sớm tích lũy và quản lý dữ liệu thông tin tín dụng được thu thập trong quá trình điều tra tín dụng. Việc triển khai thành công dịch vụ thông tin tín dụng (CRETOP) vào năm 1992 đã hỗ trợ rất nhiều trong việc hiểu các đối tác (SMEs). KODIT sau đó đã tách bộ phận này ra thành một tổ chức riêng, đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động.

Thứ bảy, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, đặc biệt trong các giai đoạn xảy ra khủng hoảng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Harimaya, Kozo và Ozaki, Yasufumi, (2021), Effects of diversification on bank efficiency: Evidence from Shinkin banks in Japan, International Review of Economics & Finance, Elsevier, vol. 71(C), pages 700-717;

2. FitchRatings (2021), Rating report of Industrial Bank of Korea, https://fitchratings.com/research/banks/industrial-bank-of-korea-11-06-2021;

3. KODIT (2022), Bài trình bày tại Hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 34/2018/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ BLTD cho DNNVV; Bộ Tài chính tổ chức, tháng 9/2022 tại Hà Nội.

Lê Nam Long

Trường đại học Thương mại

Tạp chí in số tháng 3/2024
Bạn đang đọc bài viết Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận