Kinh tế năm 2021: Giữ vững mục tiêu, đẩy mạnh tăng trưởng

23/07/2021, 09:46

TCDN - Mặc dù dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp ở Việt Nam nhưng các chuyên gia đánh giá cơ hội và dư địa cho phát triển kinh tế ở nước ta còn nhiều, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt trên 6%.

kinh te viet nam

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc. Các tổ chức quốc tế đã liên tục nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2021, vào khoảng 5,6 - 6%, là tốc độ phục hồi sau khủng hoảng cao nhất trong 80 năm qua. Tuy nhiên, rủi ro, thách thức vẫn còn đến từ: các biến chủng mới của dịch Covid-19; lạm phát, giá cả có khả năng tăng cao đến hết năm 2021; nợ công và nợ doanh nghiệp gia tăng tại một số nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, căng thẳng chính trị, thương mại giữa các quốc gia lớn.

Trong nước, khó khăn, thách thức, rủi ro còn nhiều, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp tới sản xuất công nghiệp ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng; mùa du lịch đã qua tháng 6 trong khi mùa mưa bão đã đến. Nhiệm vụ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 là rất thách thức, đòi hỏi vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh, có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy vậy, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của các tổ chức quốc tế vẫn lạc quan, cơ hội và dư địa tăng trưởng kinh tế còn lớn, đến từ: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII mới được thông qua, tạo khí thế mới, động lực mới; Đã cơ bản kiện toàn bộ máy, hoàn thành công tác nhân sự; Các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng phục hồi nhanh, là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; Khu vực dịch vụ, du lịch có thể tạo sức bật lớn trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát; Cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm, một số chỉ số như CPI, thất nghiệp cho thấy còn dư địa để thực hiện chính sách hỗ trợ... 

Do vậy, trước mắt Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất, theo đó kịch bản tăng trưởng kinh tế được xây dựng theo hướng tập trung kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ, duy trì sản xuất kinh doanh trong quý III năm2021, tạo nền tảng để đẩy mạnh tăng trưởng trong quý IV năm 2021 do nhu cầu thường tăng cao vào thời điểm cuối năm và đề xuất 2 Kịch bản tăng trưởng.

Kịch bản 1, trong trường hợp dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 7/2021, không có các ổ dịch lớn tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là 6,0%. Trong đó quý III tăng 6,2%; quý IV tăng 6,5%.

Kịch bản 2, trong trường hợp dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được khống chế trong tháng 6/2021, không có các ổ dịch tại các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là 6,5%. Với kịch bản 2, quý III dự kiến tăng 7%; quý IV tăng 7,5%. Như vậy, có thể nói kế hoạch sắp tới sẽ hết sức khó khăn. 

"Chật vật” đạt tăng trưởng? 

Bình luận về mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đánh giá, “tăng trưởng GDP quý II là 6,61%, 6 tháng đầu năm 5,64% có thấp hơn so với dự báo đầu quý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5,8%, nhưng khớp với dự báo của chúng tôi là 5,6% cho 6 tháng đầu năm”.

Theo TS. Cấn Văn Lực, với kết quả trên, rõ ràng mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch như Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã đề ra, đó là mong muốn quý I năm 2021, GDP tăng trưởng 5,12%; quý II tăng trưởng trên 6%. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm của nước ta rất đáng khích lệ, trong bối cảnh 6 tháng qua xảy ra 2 đợt dịch tương đối nặng so với năm 2020, mặc dù chúng ta đã điều chỉnh chiến lược về kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nền kinh tế cuối năm sẽ đạt mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở, GDP tăng từ 6,1 đến 6,3%. Đây sẽ là kết quả tương đồng so với dự báo của một số tổ chức quốc tế, dù có thấp hơn dự báo của Ngân hàng thế giới, IMF hay ADB dành cho Việt Nam.

Một số dự báo từng lạc quan cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt 7%, nhưng theo ông Lực, tác động từ việc đại dịch bùng phát trở lại cần được đánh giá kỹ hơn trong các dự báo tăng trưởng. “Đại dịch tác động ít nhất đến 9 lĩnh vực khác nhau của kinh tế Việt Nam, nên chúng tôi cho rằng, năm nay, đạt được mức tăng trưởng 6,5% là cực kỳ khó”, ông Lực nói. Chúng ta hãy cố gắng vượt một chút so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, đó là tăng trưởng 6% cũng là thành công. Đặc biệt không chủ quan với lạm phát, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho kinh tế năm tới. 

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như giá cả có xu hướng tăng, khan hiếm nguồn cung, nguyên liệu, sản phẩm, con chip... Đồng thời, logistics, năng lực vận tải, hạ tầng của Việt Nam chưa đáp ứng được quá trình phục hồi kinh tế.

Đáng chú ý, dịch Covid 19 còn ảnh hưởng đến trung tâm sản xuất Việt Nam như Bắc Giang, Bắc Ninh, nguy cơ vẫn còn hiện hữu ở Tp.HCM, Bình Dương và thậm chí là Đồng Nai. Vì vậy, khả năng đạt được mục tiêu 6,5% khó khăn hơn rất nhiều. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện 9 nội dung: Phòng, chống dịch bệnh; Định hướng điều hành kinh tế vĩ mô; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế; Tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành; Giải ngân vốn đầu tư công; Chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai, lũ lụt; Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; Xây dựng, lập, phê duyệt quy hoạch...

Ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho hay, hiện năng lực nội tại của nền kinh tế còn yếu, dịch bệnh vẫn đang tấn công trực tiếp vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn là động lực tăng trưởng, nhất là các khu công nghiệp quy mô lớn tại các địa phương là động lực phát triển. Đáng lưu ý, Chỉ số Sản xuất công nghiệp của các tháng trong quý II năm 2021 có xu hướng giảm dần mức tăng trưởng do dịch Covid-19 đã thâm nhập và gây đảo lộn tại các khu công nghiệp.

Vì vậy, để đạt mức tăng trưởng 6,5% cả năm 2021 chắc chắn rất khó khăn. Do tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp, nên để đạt được mục tiêu này, thì 6 tháng cuối năm phải đạt tốc độ tăng trưởng 7,2%.

Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh rằng kịch bản tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm phụ thuộc lớn vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ.

Vũ Tuấn

Tạp chí in số tháng 7/2021
Bạn đang đọc bài viết Kinh tế năm 2021: Giữ vững mục tiêu, đẩy mạnh tăng trưởng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chuyển giá, trốn thuế khu vực kinh tế tư nhân 'còn phổ biến'
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, tình trạng thất thu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn diễn ra phổ biến, nợ đọng thuế tăng cao hơn so với cùng kỳ.
VERP dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể chỉ đạt 4,5 - 5,1%
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho rằng nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối Q3/2021, việc tiêm chủng được triên khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào Quý 2/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định thì tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm được dự báo ở mức 4,5 - 5,1%.