Kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DNNN phát triển
TCDN - Với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã thể hiện rõ chức năng, quyền hạn, kịp thời giúp doanh nghiệp kinh doanh và đầu tư không bị gián đoạn, ổn định, liên tục phát triển.
Bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) được thành lập theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2018 và đến ngày 29/9/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Việc thành lập Ủy ban đã hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty.
Từ khi thành lập đến nay Ủy ban đã thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kịp thời giúp cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư không bị gián đoạn, ổn định, liên tục phát triển, đóng góp cho NSNN, tài sản doanh nghiệp tăng, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu. Cụ thể: tại thời điểm tiếp nhận năm 2018, tổng giá trị tài sản của công ty mẹ là hơn 1,646 triệu tỷ đồng, và hợp nhất là hơn 2 triệu tỷ đồng. Đến cuối năm 2022 con số đó lần lượt là 1,683 triệu tỷ đồng và 2,455 triệu tỷ đồng; Tổng vốn chủ sở hữu khi tiếp nhận năm 2018 công ty mẹ là 911,35 nghìn tỷ đồng, hợp nhất là hơn 1 triệu tỷ đồng. Đến cuối năm 2022 con số đó lần lượt là 955 nghìn tỷ đồng và 1,173 triệu tỷ đồng.
Doanh thu năm sau cao hơn năm trước, trong đó, năm 2022 doanh thu đạt 1,124 triệu tỷ đồng (bằng 114% kế hoạch giao và bằng 133% so với năm 2021); Lợi nhuận năm 2022 (trừ Tập đoàn Điện lực Việt Nam có lỗ đột biến) đạt 39.219 tỷ đồng (bằng 173% kế hoạch năm và bằng 117% so với năm 2021).
Thu nộp NSNN của một số tập đoàn, tổng công ty liên tục tăng, cụ thể: Theo báo cáo hợp nhất Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) năm 2022 nộp NSNN 133.315 tỷ đồng (bằng 206% so với kế hoạch và bằng 118% so với năm 2021) trong đó, công ty mẹ là 20.390 tỷ đồng (bằng 154% so với kế hoạch và bằng 108% so với năm 2021); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) nộp NSNN công ty mẹ là 11.000 tỷ đồng (bằng 282% kế hoạch năm và bằng 332% so với năm 2021)…, việc làm người lao động ổn định, giữ vững và nâng cao thu nhập của người lao động.
Mặt khác, các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành kinh tế như năng lượng, vận tải, hạ tầng; đảm bảo cung cầu một số mặt hành thiết yếu như xăng dầu, điện, than…, đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng quốc gia, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội (xây dựng nhà tình nghĩa, tuyển lao động là con em đồng bào dân tộc ít người, giúp đỡ các huyện nghèo theo Nghị Quyết 30a của Chính phủ…); là động lực góp phần phát triển ngành, vùng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài…
Để đạt được kết quả trên, Ủy ban đã triển khai toàn diện, đầy đủ, kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Cụ thể như: song song với việc hoàn thiện bộ máy, Ủy ban đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ với 5 Bộ để tiếp nhận bàn giao vốn, tài sản Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty với thời gian sớm nhất.
Cùng với việc phê duyệt, hoặc có ý kiến để người đại diện vốn thông qua Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm của 19/19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban thực hiện thẩm tra phê duyệt, hoặc cho ý kiến, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch 5 năm, Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển của 19 tập đoàn, tổng công ty.
Ủy ban chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty rà soát, sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức, hoạt động và các quy chế để phù hợp với các quy định mới của pháp luật, thẩm định ban hành quy chế tài chính theo quy định; phê duyệt và chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư quan trọng của các tập đoàn, tổng công ty theo thẩm quyền, trong đó có các dự án đầu tư trọng điểm như chuỗi dự án Lô B, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng…
Bên cạnh đó, Ủy ban chịu trách nhiệm xem xét, thẩm định phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ của một số tập đoàn, tổng công ty, như: PVN, TKV, EVN, ACV, MobiFone, SCIC... Cho chủ trương/ý kiến về tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên.
Đồng thời, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty tập trung đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành; cơ cấu lại các đơn vị thành viên, sản phẩm, thị trường, kế hoạch đầu tư, nguồn nhân lực; chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Đến nay, 19/19 tập đoàn, tổng công ty đã trình hoặc báo cáo Ủy ban về Đề án cơ cấu lại. Ủy ban đã thẩm định, xin ý kiến các bộ, cơ quan liên quan và Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đối với Đề án của 19 tập đoàn, tổng công ty, trong đó có 2 Tập đoàn PVN và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã đủ hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025.
Ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát để lập báo cáo giám sát gửi Bộ Tài chính, đưa ra các cảnh báo cho doanh nghiệp, kịp thời đưa các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, yếu kém mất vốn vào diện giám sát đặc biệt… Ủy ban còn kiểm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán tài chính, quyết toán tiền lương, xếp loại doanh nghiệp, trích lập các quỹ, đánh giá xếp loại người đại diện theo đúng quy định.
Đối với các dự án đầu tư lớn, việc cơ cấu lại, bổ sung vốn, tại các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban tiến hành kiểm soát chặt chẽ trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hồ sơ… và việc triển khai. Ủy ban tiến hành xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn vướng mắc cho nhiều dự án đầu tư, nên các dự án đầu tư tiếp tục được triển khai như dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Về công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, Ủy ban đã phối hợp với Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định 67/2021/NĐ-CP. Trong đó, hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của Công ty mẹ - Vinafood1 và 102 cơ sở nhà, đất của Công ty mẹ - Vinafood2; đã rà soát, thống nhất số liệu, hồ sơ của 323/733 cơ sở nhà, đất của VRG và các đơn vị thành viên đã có ý kiến thống nhất của các địa phương; cơ bản hoàn thành việc kiểm tra hiện trạng cơ sở nhà, đất của Vinacafe và các đơn vị thành viên. Ủy ban đã kiểm tra hiện trạng của 55/71 cơ sở nhà đất của Vinafor và các đơn vị thành viên, 61 cơ sở nhà đất của Vinafood1 và các đơn vị thành viên theo Nghị định số 67/2021/NĐ-CP; thực hiện kiểm tra hiện trạng quản lý nhà, đất tại 135/149 cơ sở do Vinachem quản lý, sử dụng trên địa bàn 14 địa phương (đạt 91%), đối với các Tập đoàn, Tổng công ty khác đang triển khai kiểm tra , rà soát...
Trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, Ủy ban đã hoàn thành cổ phần hóa 14 doanh nghiệp (06 tập đoàn, tổng công ty và 08 công ty con) với tổng giá trị thu về cho Nhà nước là 23.003 tỷ đồng (thặng dư 8.254 tỷ đồng, gấp 1,56 lần giá trị sổ sách). Quá trình cổ phần hóa đã mang lại những kết quả tích cực cho công tác quản trị công ty tại các doanh nghiệp. Hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hiệu quả hơn, 90% doanh nghiệp có kết quả SXKD cao, vốn điều lệ và nộp ngân sách đều tăng, ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) trung bình 3 năm sau cổ phần hoá đạt 15,4%, tăng cao so với trung bình 12,4% của giai đoạn trước đó.
Ủy ban cũng đã chỉ đạo thoái vốn tại 254 doanh nghiệp với tổng giá trị thu về cho Nhà nước là 35.112 tỷ đồng (thặng dư 25.410 tỷ đồng, gấp hơn 3,5 lần giá trị sổ sách). Ủy ban đã thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp ngành Công thương. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và sự vào cuộc của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan, đến nay một số dự án, doanh nghiệp có chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh (đã có lãi, giảm lỗ lũy kế hay vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất, bước đầu đã có đóng góp cho NSNN, giảm dư nợ vay trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì sản xuất, việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương).
Tạo nguồn kinh phí từ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
Để Ủy ban tiếp tục phát huy vai trò đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, cần tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, về cơ chế chính sách
- Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13) và các nghị định, thông tư hướng dẫn theo hướng:
(1) Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ được tạo nguồn kinh phí từ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu vốn, để có nguồn kinh phí mua sắm, nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao. Bởi Ủy ban là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn có các chỉ đạo, điều hành liên quan trực tiếp đến quá trình SXKD và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nên việc tạo nguồn kinh phí hoạt động từ doanh nghiệp là có cơ sở.
(2) Ủy ban là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn đối với toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện nay Ủy ban chỉ làm đại diện chủ sở hữu vốn ở 19 tập đoàn, tổng công ty, số còn lại đang do các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đại diện chủ sở hữu về vốn.
(3) Tăng cường chức năng, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong việc sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, quy định rõ ràng thẩm quyền quyết định việc thế chấp, cầm cố tài sản, sáp nhập doanh nghiệp là công ty con vào công ty mẹ.
(4) Quy định cụ thể thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án, việc huy động vốn vượt mức dự án nhóm B ở các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ.
(5) Cho phép Ủy ban được điều hòa vốn giữa các tập đoàn, tổng công ty để sử dụng có hiệu quả số vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Thực trạng hiện nay có một số tập đoàn, tổng công ty có một lượng vốn nhàn rỗi, trong khi đó các đơn vị khác thiếu vốn phải đi vay với lãi suất cao dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp trong Ủy ban chưa cao…
- Sửa đổi bổ sung Nghị định 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng:
(1) Xem xét tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, bảo toàn, phát triển vốn, việc điều hòa vốn giữa các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.
Giảm các chức năng thuộc thẩm quyết định quyết định của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị doanh nghiệp, hoặc đã có chế độ về kế toán, tài chính quy định như: việc chuyển nhượng vốn đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên trong trường hợp giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư; Chức năng phê duyệt báo cáo tài chính, phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ hàng năm của doanh nghiệp.
Bởi thực tế hàng năm doanh nghiệp có doanh thu, chi phí từ vài chục đến vài trăm ngàn tỷ đồng, bộ máy kế toán làm việc cả năm với khối lượng công việc, hóa đơn chứng từ khổng lồ. Do vậy việc giao cho Ủy ban phê duyệt báo cáo tài chính trong điều kiện thời gian, biên chế có hạn sẽ không khả thi.
Hơn nữa, theo quy định của luật kế toán, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính kịp thời, chính xác nội dung, số liệu kế toán. Chính vì vậy, không nên để cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt báo cáo tài chính, nên để doanh nghiệp tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Việc trích lập các quỹ, chế độ tài chính đã có quy định cụ thể, doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định đó.
(2) Chuyển toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn lại đang do các bộ (trừ các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), các địa phương làm đại diện chủ sở hữu về Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu vốn. Theo đó kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, biên chế cho Ủy ban, trong đó có cơ quan truyền thông (báo hoặc Tạp chí ngành) để tuyên truyền, động viên doanh nghiệp, người lao động.
Thứ hai, đối với Ủy ban quản lý vốn
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời đưa ra cảnh báo, xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, SXKD, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, người lao động tham gia các hoạt động an sinh xã hội.
- Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án lớn như: Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm, các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty, làm cơ sở để doanh nghiệp triển khai hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, bổ sung vốn điều lệ và tận dụng cơ hội kinh doanh mang lại hiệu quả cao nhất.
- Tuyển dụng, đào tạo, đào tạo nâng cao cho cán bộ, công chức, người lao động để có đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức để nâng cao vai trò chỉ đạo, điều hành của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thứ ba, đối với các tập đoàn, tổng công ty
Đề ra các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đầu tư, SXKD, phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, phù hợp với chiến lược phát triển đã được phê duyệt, thực hiện tốt nhiệm vụ cân đối cung cầu lớn cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lương, an ninh lương thực, thu hút đầu tư, thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước giao; đầu tư, chuẩn bị đầu tư các Dự án đầu tư lớn có tác động đến sự phát triển của ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung, làm động lực để phát triển ngành, phát triển vùng, đồng thời làm nhiệm vụ dẫn dắt các thành phần kinh tế khác cùng phát triển theo đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
ThS. Trần Văn Hiền
email: [email protected], hotline: 086 508 6899