Kỳ vọng vào mô hình kinh tế mới

13/02/2024, 11:25
báo nói -

TCDN - Dù năm 2023 kinh tế đã có những diễn biến tích cực, song nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, trong khi những thách thức cho phát triển năm 2024 cũng không nhỏ, đòi hỏi Việt Nam cần phải tiếp tục phát huy những lợi thế kinh tế sẵn có; đồng thời tạo cơ hội mới bằng những ngành nghề mới.

1-1

Tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục giảm nhẹ

Nghiên cứu mới đây về tổng quan kinh tế năm 2023 và những động lực chính cho tăng trưởng và phát triển của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, năm 2023 tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tốt, GDP tăng 3,28% trong quý I, 4,05% quý II, 5,23% quý 3 và dự kiến tăng 7,72% trong quý IV/2023. Những yếu tố này đã đưa tăng trưởng kinh tế Việt Nam ấn tượng so với các nước trên thế giới và khu vực.

Bên cạnh những điểm sáng trên, CIEM cũng chỉ ra một số hạn chế như khu vực “kinh tế trong nước” vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế nhiều hơn. Cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ còn chiếm 26,6% giảm 2,8 điểm % so với mức 29,4% của 9 năm trước (2015). Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỷ trọng công nghiệp xây dựng tăng từ 34,6% năm 2012 lên 38,3% năm 2022 và giảm nhẹ còn 37,1% trong năm 2023. Các chủ thể kinh tế trong nước suy yếu sau Covid - 19, biểu hiện rõ là năng lực hấp thụ vốn giảm.

Tăng trưởng kinh tế tuy cao, nhưng chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, kéo theo một số chỉ tiêu liên quan đến GDP không đạt được, khó khăn cho thực hiện Lộ trình đến 2025 và 2030, như: Mục tiêu GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 4,7 - 5 nghìn USD, nhưng năm 2023 chỉ đạt 4,3 nghìn USD trong khi kế hoạch là 4,4 nghìn USD; Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm ước chỉ đạt 3,7 - 4,7% trong khi kế hoạch là 5,0 - 6,0%, điều này khiến mục tiêu tăng trên 6,5% vào năm 2025 khó khả thi.

1-4

Nghiên cứu của CIEM cho thấy, năm 2024 bối cảnh thế giới, địa chính trị thế giới tiếp tục phức tạp và khó lường, lạm phát vẫn dự báo ở mức cao, tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục giảm nhẹ, trong đó có 3 nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản.

Bên cạnh những khó khăn, nhìn lạc quan hơn, kinh tế Việt Nam cũng có nhiều điểm tựa để phát triển như vị thế chính trị và thương mại của Việt Nam ngày càng được quốc tế chú trọng hơn (nâng cấp quan hệ quốc gia với Mỹ, một số FTA mới phát huy hiệu lực). Sự hỗ trợ phục hồi kinh tế vẫn được Nhà nước chú trọng thực hiện, một số chính sách hỗ trợ đã được Quốc hội đồng ý kéo dài sang 2024. Bên cạnh đó, kinh tế tăng trưởng ổn định trong thời gian dài tạo đà và lực cho phục hồi thuận lợi hơn; Phát triển kinh tế tiếp tục chú trọng đến tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng.

1-3

Nông nghiệp vẫn là động lực tốt cho nền kinh tế

Với bối cảnh trên, TS. Nguyễn Hữu Thọ - đại diện Nhóm nghiên cứu chỉ ra, nông nghiệp vẫn đóng vai trò trụ đỡ, động lực tốt cho nền kinh tế. Trong đó gạo và rau quả sẽ tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu nông sản trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Ông Jonathan Pincus - Chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP cho rằng, đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào chế biến và hướng tới nông sản sạch sẽ giúp Việt Nam gia tăng giá trị phát huy lợi thế của một nước có thế mạnh về nông nghiệp.

Ngành công nghiệp đang phục hồi sau Covid-19 với điểm sáng là chế biến chế tạo chiếm tới 60% GDP ngành. Ông Thọ cho rằng, tới đây công nghiệp sẽ có thêm động lực mới khi trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ mới, đổi mới sáng tạo được áp dụng nhiều hơn. Với ngành dịch vụ, điểm sáng cho năm 2024 sẽ là du lịch khi ngành này tiếp tục được thúc đẩy bằng các chính sách bổ trợ mới. Quan trọng hơn với cách làm mới của nền kinh tế cũng tạo ra những mô hình kinh tế mới, trở thành động năng cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 và những năm tiếp theo, như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, và kinh tế tuần hoàn.

1-5

Ngoài ra, một động năng mới cho phát triển kinh tế được TS. Nguyễn Hữu Thọ chỉ ra là kinh tế vỉa hè - một khu vực kinh tế đang hiện hữu và thương mại phát triển. Mặc dù, kinh tế vỉa hè còn nhiều vấn đề, nếu chúng ta có cơ chế để quản lý và vận hành mô hình này sẽ giúp cho kinh tế vỉa hè phát triển lành mạnh, tạo việc làm, thu nhập, và phát triển kinh tế. Việc Tp. Hồ Chí Minh thành công trong việc cho thuê vỉa hè là một gợi mở cho việc phát triển loại hình kinh tế này.

TS. Nguyễn Hữu Thọ còn phát hiện ra một xu hướng mới đó là quy mô gia đình đang nhỏ lại, hộ đơn thân ngày càng nhiều. Trong khi đó, các vận dụng thiết kế trong sinh hoạt đời sống gia đình hiện nay thường cho gia đình nhiều người. Vì vậy, nếu các DN điều chỉnh mô hình kinh tế sản xuất các hàng hóa phục vụ đối tượng này sẽ vừa tiết kiệm nguồn lực, tăng hiệu quả sử dụng cho người tiêu dùng. Đây cũng ngách thị trường mới cho các DN phát triển sản xuất.

Để tận dụng các cơ hội này, nhóm nghiên cứu CIEM khuyến nghị Chính phủ cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Tiếp tục “sự nghiệp” phát triển hạ tầng, quy hoạch; Tăng cường hỗ trợ cho các chủ thể kinh tế với việc tăng cường cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính; Hoàn thiện chính sách, tăng kinh phí để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất kinh doanh nhất là thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình phục hồi kinh tế; Thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ, có chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước.

1-2

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định, để nền kinh tế có thể hồi phục mạnh mẽ vào năm 2024, Việt Nam cần linh hoạt các giải pháp để giải quyết được những khó khăn, thách thức đang hiện hữu. Trên thực tế, quá trình đổi mới sáng tạo, chuyển dịch năng lượng... đang mang đến những cơ hội mới để cho Việt Nam có thể thâm nhập những thị trường mới, gia tăng giá trị và hàm lượng hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu.

Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phân tích, Việt Nam cũng có thể tăng cường thu hút đầu tư, tận dụng những công nghệ tiên tiến cũng như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm mục đích khai thác hiệu quả các cơ hội này để phát triển ở mức cao hơn, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Anh Thư

Tạp chí in số tháng 1+2/2024
Bạn đang đọc bài viết Kỳ vọng vào mô hình kinh tế mới tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Giáp Thìn 2024 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899