Lịch sử, ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động 1/5

01/05/2023, 09:18
báo nói -

TCDN - Hàng năm, người lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Năm 2023 đánh dấu 137 năm thế giới kỷ niệm sự kiện này (1/5/1886 – 1/5/2023).

Ngày 1/5 bắt nguồn từ thành phố công nghiệp lớn Chicago, Mỹ. Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: “...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.

Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ: “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”. Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia.

Đây là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài từ nửa cuối thế kỷ XIX của công nhân lao động nhiều nước trên thế giới khi họ bị bóc lột sức lao động nặng nề.

Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu, song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nơi trên nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ công nhân Chicago. Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của công nhân lao động ở nhiều nước.

9f61a4cea1ae7be5287130cabcf54f4b

Từ các cuộc đấu tranh của công nhân lao động, chính phủ một số nước buộc phải ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ. Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm Ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động; là ngày Lễ tại nhiều quốc gia, là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. 

Ngày nay trên thế giới, ngày Quốc tế Lao động thường liên quan đến việc kỷ niệm những thành tựu của phong trào lao động. Ngày lễ này được tổ chức như một kỳ nghỉ chính thức ở hơn 80 quốc gia trên thế giới bằng những bữa tiệc lớn với nhiều chương trình chào mừng. Biểu ngữ, cờ hoa cũng được trang trí khắp nơi để kỷ niệm ngày này. Nhiều chương trình trên truyền hình, đài phát thanh với mục đích nâng cao nhận thức xã hội về ngày Quốc tế Lao động, vai trò, quyền lợi của người lao động cũng được tổ chức.

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam

Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. 

Ngày 1/5/1930 - lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ. Đó là điểm bắt đầu cho cả cao trào 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. 

Ngày 18/02/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Từ đó, ngày Quốc tế Lao động (1/5) hằng năm là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.

Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động cũng là ngày biểu thị tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đặc biệt đối với nước ta, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm Ngày chiến thắng lịch sử 30/4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước cùng ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhân kỷ niệm 137 năm ngày Quốc tế Lao động, giai cấp công nhân và Nhân dân lao động nước ta tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và giai cấp công nhân Việt Nam, nguyện đoàn kết, sát cánh cùng công nhân và Nhân dân lao động trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

PV
Bạn đang đọc bài viết Lịch sử, ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động 1/5 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Gần 150 nghìn lao động mất việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất
Cả nước có gần 149 nghìn lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp, trong đó, tập trung đa số (55,2%) ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử và chủ yếu ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, theo công bố của Tổng cục Thống kê.