Gần 150 nghìn lao động mất việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất

06/04/2023, 11:27
báo nói -

TCDN - Cả nước có gần 149 nghìn lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp, trong đó, tập trung đa số (55,2%) ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử và chủ yếu ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, theo công bố của Tổng cục Thống kê.

Sáng 6/4, Tổng cục Thống kê công bố tình hình lao động việc làm quý 1 năm 2023. Theo Tổng cục Thống kê, số người có việc làm nhìn chung trên toàn quốc vẫn tiếp tục tăng so với quý trước, tuy nhiên có sự sụt giảm tại một số địa phương như Tp.HCM, Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Cụ thể, số người lao động có việc làm từ 15 tuổi trở lên đạt 51,1 triệu người, tăng 113,5 nghìn người so với quý trước, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước và tăng 677,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019, năm trước khi dịch Covid-19 xảy ra.

Nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng khiến người lao động mất việc làm.

Nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng khiến người lao động mất việc làm.

Số lao động có việc làm ở Tp.HCM giảm 0,4%, Vũng Tàu giảm 2,6%, Bình Phước giảm gần 4,0%, Nghệ An giảm 5,5%, Bắc Giang giảm 4,5%, Bắc Ninh giảm 0,9%, Thái Nguyên giảm 2,2%, điều này làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động nói chung.

Trong ba khu vực kinh tế, so với quý trước, lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý 1 năm 2023 ở khu vực công nghiệp và xây dựng tăng lên, trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực dịch vụ giảm đi.

Về thất nghiệp, so với quý trước, thất nghiệp quý 1 giảm cả về số lượng và tỷ lệ trên cả nước, nhưng các chỉ báo ở hai vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn trái ngược.

Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1 năm 2023 là khoảng 1,05 triệu người, giảm 34,6 nghìn người so với quý trước và giảm 65,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1 năm 2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về Đồng bằng sông Cửu Long với 2,64%, tương ứng với gần 220 nghìn người thất nghiệp, tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ với 2,63%, tương ứng với gần 263 nghìn người thất nghiệp. So với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng lên ở hai vùng là Đồng bằng sông Hồng tăng 0,27 điểm phần trăm, tương ứng với tăng gần 30,2 nghìn người và vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 0,18 điểm phần trăm, tương ứng tăng khoảng 17,5 nghìn người.

Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, số lao động nghỉ giãn việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng trong quý đầu năm 2023 giảm, trong khi đó số lao động mất việc tăng lên.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý 4 năm 2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý 1 năm 2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Tổng cục Thống kê dẫn chứng, theo báo cáo nhanh từ các địa phương số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý 1 năm nay là gần 294 nghìn người, giảm 2 nghìn người so với quý trước, trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 83,8%), tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 44,2%, tiếp theo là dệt may với 18,8%; và chủ yếu tập trung ở một số tỉnh như Bắc Giang (16 nghìn người), Hải Dương (9,8 nghìn người), Ninh Bình (19,7 nghìn người), Thanh Hóa (62,4 nghìn người), Nghệ An (12,6 nghìn người), Tây Ninh (khoảng 21,8 nghìn người), Bình Dương (khoảng 36,4 nghìn người), Đồng Nai (khoảng 35 nghìn người), Tp.HCM (khoảng 19,8 nghìn người), Tiền Giang (khoảng 11,5 nghìn người), Vĩnh Long (khoảng 13,2 nghìn người),…

Cả nước có gần 118 nghìn lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quý 4 năm 2022, sang quý 1 năm 2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng là gần 149 nghìn lao động bị mất việc. Trong đó, tập trung đa số (55,2%) ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (chiếm tỷ trọng tương ứng là 19,5%; 18,6% và 17%) và chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Đồng Nai (khoảng gần 32,6 nghìn người), Bình Dương (khoảng gần 21,7 nghìn người), Bắc Ninh (14 nghìn người), Bắc Giang (khoảng 7,7 nghìn người),…

Hà Linh
Bạn đang đọc bài viết Gần 150 nghìn lao động mất việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Dịch Covid-19 khiến 9.000 người Việt mất việc làm
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo tổng hợp sơ bộ tại 22/63 tỉnh thành về ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có khoảng 9.000 lao động Việt Nam bị ảnh hưởng, mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp hoặc tạm dừng hoạt động trong bối cảnh dịch virus Covid-19.
Doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ gặp khó khăn khiến hơn 1 triệu lao động thất nghiệp
Tổng cục Thống kê cho biết, những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm khiến tỷ lệ thất nghiệp quý 4 hơn 1 triệu người, tăng 25 nghìn người.