Liên danh CC1 - BCA Thăng Long trúng gói thầu trăm tỷ tại Hải Phòng
TCDN - Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) nằm trong liên danh trúng thầu xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tại Hải Phòng với giá 262,919 tỷ đồng cùng Công ty TNHH MTV BCA Thăng Long.
Liên danh BCA Thăng Long - CC1 trúng thầu với tỷ lệ tiết kiệm đạt 13,2%
Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hải Phòng vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 14 Xây dựng các hạng mục thuộc Dự án Nhà máy xử lý nước thải; xây dựng và lắp đặt hệ thống tín hiệu giao thông; hệ thống cấp điện, đường dây trung, hạ thế phía Bắc sông Cấm.
Gói thầu có giá dự toán 302,854 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư của Dự án là 1.035,298 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách thành phố, được đấu thầu rộng rãi qua mạng từ ngày 26/8 - 16/9/2022, với sự tham dự của 4 liên danh nhà thầu.
Kết quả, Liên danh Công ty TNHH MTV BCA Thăng Long - Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1) trúng thầu với giá 262,919 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 13,2%. Theo hợp đồng, Liên danh sẽ sử dụng một nhà thầu phụ là Công ty CP Tập đoàn Việt Úc, thời gian thực hiện hợp đồng 14 tháng, loại hợp đồng trọn gói.
Được biết, Công ty TNHH MTV BCA - Thăng Long là doanh nghiệp an ninh trực thuộc Bộ Công an, được thành lập theo Quyết định số 307/QĐ-BNV/H11 ngày 9/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Đến nay, sau nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ của doanh nghiệp đạt 269,3 tỷ đồng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc là ông Hà Huy Nhân, sinh năm 1977.
Trong khi đó CC1 được thành lập từ năm 1979, xuất thân là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Bộ Xây dựng và có ảnh hưởng trên thị trường đầu tư và xây lắp.
Đặc biệt ở khu vực phía Nam, CC1 chiếm gần như toàn bộ thị phần thi công công trình qua hàng loạt các dự án trọng điểm đã và đang thực hiện như dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh, Nhà máy Lọc hóa dầu Long Sơn, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (gói thầu A1), Phát triển giao thông đô thị Hải Phòng (gói thầu CW3A & CW4A), Đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn – Túy Loan), Đường bộ ven biển Hải Phòng – Thái Bình, Cầu Thủ Thiêm, Gói thầu số 4 - Dự án Nâng cấp Quốc lộ 5 tại Campuchia…
Năm 2016, CC1 chính thức chuyển đổi và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với tên gọi là Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP. Sau đó không lâu, CC1 đã niêm yết trên sàn UPCoM, mã chứng khoán CC1. Năm 2021, CC1 đã tăng vốn điều lệ lên 1,143 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính riêng giữa niên độ của CC1 đã được soát xét bởi Công ty Kiểm toán PWC cho thấy so doanh thu thuần 06 tháng đầu năm 2022 tăng 333 tỷ, tương ứng tăng 18%, so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, theo đặc thù về ngành xây lắp, sản lượng và doanh thu sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, do đó dự báo tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên doanh thu 06 tháng cuối năm 2022 của CC1 sẽ cao hơn so với nửa đầu năm.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của CC1 tăng 30,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 3.640,1 tỷ đồng, lên 15.662,5 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn, với 6.924,4 tỷ đồng, tương đương 44,2% tổng tài sản, tăng 40,5% so với đầu năm; các khoản phải thu dài hạn đạt 2.340,7 tỷ đồng, chiếm 14,9% tổng tài sản, tăng 169,9% so với đầu năm; tài sản dở dang dài hạn đạt 1.585,9 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.441,5 tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng tài sản, tồn kho tăng 14,7% so với đầu năm...
Ngoài việc tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ năm trước, bảng cân đối kế toán của CC1 vào ngày 30/06/2022 cũng cho thấy hệ số nợ trên vốn đã giảm đáng kể, còn 2,77 lần so với 5,6 lần tại thời điểm cùng kỳ năm ngoái.
Hàng loạt doanh nghiệp ngành xây dựng “gặp khó” trong nửa đầu năm 2022
Hoạt động xây dựng, đầu tư công chậm lại trong suốt 6 đầu năm cùng với tính chu kỳ, hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã có nửa đầu năm 2022 kinh doanh khó khăn chật vật.
Tại báo cáo tài chính của Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà (SDD) ghi nhận, quý 2/2022, SDD đạt 4 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng khoản doanh thu hợp đồng xây dựng không ghi nhận bất kỳ một đồng nào, chủ yếu là doanh thu bán điện. Do chi phí tài chính tiếp tục cao chủ yếu là lãi vay khiến SDD ghi nhận lỗ thuần 1,3 tỷ đồng.
Cùng chung tình trạng trên, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty CP Xây dựng số 9 – VC9 đạt128 tỷ đồng tăng 121% lợi nhuận gộp đạt 22 tỷ đồng tăng 365%. Doanh thu tài chính tăng nhưng chi phí tài chính cũng tăng mạnh, cộng với khoản lỗ khác 18 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận sau thuế của VC9 âm 8,3 tỷ đồng so với năm ngoái có lãi 163 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư Xây dựng Lương Tài (LUT) cũng ghi nhận doanh thu lợi nhuận giảm mạnh trong kỳ vừa qua. Theo đó, quý 2/2022, doanh thu của LUT đạt 20,6 tỷ đồng giảm hơn một nửa so với cùng kỳ ngăm ngoái.
Theo lý giải, các doanh nghiệp xây dựng thời gian qua phải đối mặt với nhiều gồm biến động giá cả vật liệu quá lớn; thủ tục pháp lý đầu tư bất động sản chưa được tháo gỡ; tình trạng nhà thầu bị nợ đọng...
Trước đó, ngày 29/6, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về thực trạng ngành xây dựng. Báo cáo nêu rõ sáu khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp xây dựng đang gặp phải mà chưa tìm được phương hướng giải quyết.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899