Lọc hóa dầu Bình Sơn vững vàng trong gian khó

28/01/2019, 09:32

TCDN - Năm 2018, mặc dù gặp nhiều thách thức và bất lợi từ thị trường, giá dầu thế giới, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị hàng đầu của ngành dầu khí Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Tăng trưởng trên nền tảng khoa học công nghệ

Tính đến ngày 20/12/2018, BSR sản xuất và xuất bán ra thị trường hơn 7 triệu tấn sản phẩm các loại; đạt doanh thu hơn 113,4 ngàn tỷ đồng (vượt 45,5% so kế hoạch cả năm 2018); nộp ngân sách Nhà nước trên 11,6 ngàn tỷ đồng (vượt trên 39,7% so với kế hoạch cả năm 2018).

Sau hơn 9 năm đi vào hoạt động từ tháng 2/2009, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã nhập hơn 63 triệu tấn dầu thô, sản xuất và xuất bán hơn 57,2 triệu triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu trên 994,6 ngàn tỷ đồng (tương đương 42 tỷ USD), nộp ngân sách nhà nước gần 157,1 ngàn tỷ đồng (gần 7 tỷ USD gần gấp 3 tổng mức đầu tư) và lợi nhuận sau thuế trên 21,4 ngàn tỷ đồng.

BSR tiếp tục công tác tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và đẩy nhanh việc triển khai, cập nhật thực hiện các chương trình hành động hằng năm về tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, chương trình tối ưu hóa năng lượng đạt được kết quả rất khả quan. Chỉ số năng lượng EII trung bình là 103,4% so kế hoạch 105%+/-1%. Tính đến thời điểm hiện tại đã có sáu giải pháp triển khai thành công giúp BSR tiết kiệm được khoảng 1,9 triệu USD/năm.


Cơ hội rộng mở sau IPO
BSR là đơn vị khai mạc cho phiên IPO thành công đầu tiên của năm 2018 tại Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh. Có hơn 242 triệu cổ phiếu đã được bán cho các nhà đầu tư, tương đương gần 8% cổ phần BSR, thu về cho Nhà nước hơn 5.414 tỷ đồng. BSR chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần vào ngày 1-7-2018. Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh đánh giá “Thành công lớn nhất của BSR là chuyển đổi sang công ty cổ phần - giúp công ty có thêm động lực mới, nguồn lực mới cho sự phát triển trong thời gian tới. Đây là cơ hội để BSR tái cơ cấu, siết lại tổ chức, để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn”.

Nhà đầu tư không chỉ “mua” giá trị hiện tại của BSR mà còn kỳ vọng vào tương lai như Dự án Nâng cấp, mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất; cơ hội mở rộng hóa dầu. NCMR NMLD Dung Quất sẽ giúp nhà máy lựa chọn được nguyên liệu đầu vào rẻ hơn, chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm rẻ hơn, trong khi giá thành vẫn tính theo giá thị trường, giúp BSR dự báo sẽ có lợi nhuận rất cao. Sau nhiều năm nghiên cứu, BSR đã đánh giá và lựa chọn danh sách 67 loại dầu thô đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật để chế biến tại NMLD Dung Quất, có nhiều loại dầu thô có thể đạt tỷ lệ phối trộn hơn 50% như Azeri (Azerbaijan); Qua Iboe, Escravos, Bonny Light (Nigeria); Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Chim Sáo (Việt Nam)... Điều này sẽ mở ra cơ hội to lớn cho nhà máy trong việc lựa chọn nguồn cung cũng như khả năng thay thế phần lớn dầu thô Bạch Hổ.

Khi việc NCMR dự kiến hoàn thành năm 2021, công suất chế biến NMLD Dung Quất sẽ tăng lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm. Sau khi hoàn thành NCMR NMLD Dung Quất vào năm 2022, cộng với Nghi Sơn, tổng công suất chế biến khoảng 392 nghìn thùng/ngày, tổng sản lượng đạt 18,5 triệu tấn, chiếm 85 - 90% nhu cầu xăng dầu trong nước. Ngoài ra, NMLD Dung Quất sau NCMR sẽ được nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm như dầu DO, JET-A1 và thêm sản phẩm mới là nhựa đường.

Hiện, hầu hết các sản phẩm xăng dầu của BSR đáp ứng tiêu chuẩn EURO II, riêng xăng A95 đáp ứng tiêu chuẩn EURO III. Sau NCMR sẽ là nâng tiêu chuẩn sản phẩm lên EURO V đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các dòng xe ô-tô, mô-tô theo quyết định 49/2011/QĐ-TTg.

Ngoài ra, mỏ khí Cá voi xanh với trữ lượng khoảng 15,7 TCF (445 tỷ m3) là mỏ khí có trữ lượng vào loại lớn nhất Việt Nam hiện nay, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2023 với sản lượng trung bình giai đoạn đầu khoảng 7,2 tỷ m3/năm và tăng lên 8,8 tỷ m3/năm sau khi mở rộng mỏ, trong đó phần dành cho hóa dầu là 1,6 - 1,7 tỷ m3/năm. Công nghệ lọc dầu hiện đại hiện nay có thể sử dụng khí Cá voi xanh thay thế nguyên liệu LPG/Naphtha tại NMLD Dung Quất cho sản xuất Hydro phục vụ cho NMLD sau NCMR và làm khí nhiên liệu cho NMLD để giảm chi phí giá thành. Hơn nữa, tận dụng thành phần carbon trong CO2 (vốn có nhiệt trị cháy bằng 0) trong khí Cá voi xanh sẽ rất thích hợp cho phản ứng tổng hợp Methanol. Tiếp theo, Methanol sẽ được chuyển hóa thành Olefins (Ethylene/Propylene) qua công nghệ MTO/MTP và từ đó sản xuất các sản phẩm hóa dầu tiềm năng (như PP, PE).

Lợi nhuận hóa dầu ổn định ở mức cao hơn lợi nhuận lọc dầu, do đó để kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, giảm rủi ro và tăng lợi nhuận, xu hướng tích hợp tối đa với hóa dầu từ các sản phẩm lọc dầu cũng như tận dụng tối đa các nguồn nguyên liệu sẵn có là cần thiết. Việc kết hợp và tích hợp khí Cá voi xanh vào NMLD Dung Quất sẽ tạo thành trung tâm lọc hóa dầu lớn ở khu vực miền trung.

BSR đóng góp tới 80% giá trị nộp ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Theo đánh giá của Tổ chức Vietnam Report, BSR đứng thứ bảy trong danh sách bảng xếp hạng đánh giá các Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017 (VNR500) sau các tập đoàn kinh tế; BSR đứng thứ 14/500 trong danh sách bảng xếp hạng đánh giá các doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018 (PROFIT500). BSR cũng vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vinh danh là doanh nghiệp có năng lực quản trị tài chính tốt nhất ngành dịch vụ dầu khí năm 2018.
PV - Tạp chí TCDN số 1+2/2019
Bạn đang đọc bài viết Lọc hóa dầu Bình Sơn vững vàng trong gian khó tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận