Lợi nhuận tăng mạnh, Tập đoàn Cao su Việt Nam vẫn muốn xin "tạo điều kiện"

07/01/2021, 12:59

TCDN - Năm 2020, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều vượt kế hoạch, tuy nhiên Tập đoàn Cao su Việt Nam vẫn muốn xin các cơ quan thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021.

Các chỉ tiêu tài chính hợp nhất và kết quả kinh doanh riêng năm 2020 của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) đều tăng trưởng so với năm 2019 và vượt so với kế hoạch được giao năm 2020. Toàn Tập đoàn đã khai thác được 369.731 tấn mủ quy khô (vượt 2,7% kế hoạch).

Tổng doanh thu 25.477 tỷ đồng (vượt 3,37 % kế hoạch); tổng lợi nhuận trước thuế 4.981 tỷ đồng (vượt 0,94% kế hoạch). Qua đó, nộp ngân sách Nhà nước trên 3.700 tỷ đồng (vượt 16% kế hoạch). Thu nhập bình quân của 83.584 lao động là 7,64 đồng/người/tháng (vượt 3,1% KH).

Riêng Công ty mẹ - Tập đoàn doanh thu ước đạt 4.513 tỷ đồng (vượt 26,13% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.795 tỷ đồng (vượt 8,54% kế hoạch).

Tập đoàn cao su Việt Nam kiến nghị với các cơ quan thẩm quyền, muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021.

Tập đoàn cao su Việt Nam kiến nghị với các cơ quan thẩm quyền, muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021.

Mặc dù lợi nhuận tăng mạnh trong giao đoạn khó khăn nhưng theo VRG, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 và những năm tiếp theo, VRG kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm xem xét, phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn sau cổ phần hóa đến 2025 và các cơ chế Tập đoàn kiến nghị trong Đề án để có thể khai thác hết thế mạnh của Tập đoàn, tạo đà tăng trưởng bền vững năm 2021 và các năm tiếp theo.

VRG kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chấp thuận chủ trương tái cơ cấu nguồn vốn tại các doanh nghiệp có tỷ lệ vay cao.

Theo VRG, do yếu tố lịch sử và đặc điểm ngành nghề tại một số công ty cao su mới phát triển sau năm 2005, các ngành nghề có tính cạnh trang cao như chế biến gỗ, công nghiệp cao su có số vốn vay khá lớn. Vay vốn với tỷ lệ cao dẫn đến chi phí tài chính cao, sản phẩm khó cạnh tranh; thời gian vay dài hạn ngắn hơn chu kỳ khấu hao tài sản nên những năm đầu các đơn vị thường không cân đối được dòng tiền.

Tập đoàn kiến nghị được tăng vốn chủ sở hữu ở các công ty như trên, sử dụng nguồn này trả trước hạn một phần vốn vay để giảm tỷ lệ vay nợ tùy theo tình hình cụ thể của công ty và nguồn lực của Tập đoàn; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ủy quyền cho Tổ đại diện phần vốn nhà nước tại Tập đoàn thống nhất với Hội đồng quản trị Tập đoàn thực hiện việc điều chỉnh vốn điều lệ của các đơn vị này khi tái cơ cấu cổ đông (có đơn vị tăng khi nhận tài sản và giảm khi chuyển giao tài sản).

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm ban hành Quy chế quản lý người đại diện vốn để việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người đại diện thuận lợi, hiệu quả và đúng quy định pháp luật.

VRG kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét phê duyệt danh mục thoái vốn của Tập đoàn giai đoạn 2020 – 2021 để Tập đoàn có cơ sở thực hiện  kế hoạch năm 2021.

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất và Đại hội đồng cổ đông thông qua, tỷ lệ cổ tức năm 2020 dự kiến là 6%. Với kết quả kinh doanh hiện nay, Tập đoàn có thể thực hiện được chỉ tiêu này, tuy nhiên sẽ không có nguồn vốn tích lũy cho các dự án đang đầu tư dở dang của đơn vị. Vì vậy, Tập đoàn kiến nghị giảm tỷ lệ cổ tức còn khoảng 4%, phần còn lại sẽ nộp vào quỹ đầu tư phát triển của Tập đoàn.

Thanh Tân
Bạn đang đọc bài viết Lợi nhuận tăng mạnh, Tập đoàn Cao su Việt Nam vẫn muốn xin "tạo điều kiện" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899