Lý do lãi suất tăng mạnh nhưng giá vàng không giảm

26/09/2023, 15:42
báo nói -

TCDN - Trong thời gian qua, lãi suất tăng mạnh nhưng giá vàng vẫn đứng vững do mối quan hệ giữa lãi suất và giá vàng đã tan vỡ.

Yếu tố nào quyết định giá vàng ? Trong phần lớn thập kỷ qua, câu trả lời chung là giá của tiền. Lãi suất càng giảm, giá vàng càng tăng và ngược lại.

Giá vàng thường tăng trong môi trường lãi suất thấp. Khi lãi suất đi lên, vàng trở nên kém hấp dẫn do không sinh lời, dẫn đến giá giảm. Tuy nhiên, quy luật tưởng chừng bất biến này đã không còn đúng nữa.

Lãi suất tăng mạnh

Năm nay, lãi suất tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng giá vàng hầu như không biến động.

Lợi suất thực - được đo lường bởi lợi suất của trái phiếu chính phủ chống lạm phát (TIPS) kỳ hạn 10 năm - đã leo lên mức cao nhất kể từ năm 2009 vào ngày 21/9. Tuy nhiên, trong phiên hôm đó, giá vàng giao ngay chỉ giảm nhẹ 0,5%. Lần cuối cùng lợi suất thực cao thế này, giá vàng chỉ bằng một nửa hiện nay.

Khi mối quan hệ giữa vàng và lãi suất thực đổ vỡ, nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tính toán “giá trị hợp lý” của vàng.

Vậy thứ gì đang chống đỡ cho vàng? Các nhà phân tích cho biết lực mua mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương (dẫn đầu là Trung Quốc) và việc nhà đầu tư vẫn tin nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc đang hỗ trợ cho giá vàng, dù theo quy luật thông thường thì giờ là lúc để bán.

Ông Marco Hochst, nhà quản lý danh mục tại Berenberg, nhận định: “Theo mô hình của chúng tôi, giá vàng hiện nay cao hơn 200 USD so với mức giá hợp lý”.

gia vang

Tuy nhiên, quỹ đầu tư quy mô 319 triệu euro (khoảng 340 triệu USD) của công ty ông Hochst vẫn nắm giữ khoảng 7% tài sản bằng vàng. Ông nói tiếp: “Theo quan điểm của chúng tôi, vàng sẽ hấp dẫn hơn nhiều trong tương lai”.

Bloomberg nhận định giới đầu tư có rất nhiều mô hình hoặc công thức để tính toán mức giá hợp lý cho vàng và nhiều nhà phân tích cũng tự lập mô hình cho riêng họ.

Xét về bản chất, chúng hầu hết đều phản ánh quy tắc cơ bản giữa giá vàng và lợi suất thực của trái phiếu chính phủ Mỹ cũng như với đồng USD. Thông thường, các nhà quản lý quỹ sẽ bán ra vàng khi USD mạnh lên và lợi suất của các tài sản an toàn như tiền mặt và trái phiếu đi lên.

Nhưng lần này, họ mới chỉ bán ra vàng với quy mô nhỏ, tạo ra mức chênh lệch lớn giữa mức giá theo mô hình và giá thực tế trong hơn một năm.

Ông Anthony Saglimbene, Giám đốc đầu tư tại Ameriprise Financial, bình luận: “Vàng không thể sinh ra lãi suất nhưng tiền mặt thì có. Thế thì vốn nên hướng vào đâu? Về mặt đó, tôi rất ngạc nhiên khi vàng vẫn đang giữ được giá”.

Lực mua vàng kỷ lục của các ngân hàng trung ương đã góp phần giúp kim loại quý này chống chọi với xu hướng thắt chặt của chính sách tiền tệ.

Một số dấu hiệu mới cho thấy nhu cầu của các nước đã bắt đầu giảm, khiến giá vàng dễ biến động hơn. Triển vọng của vàng trong thời gian tới sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu các nhà đầu tư tổ chức bán ra.

Giá vàng có thể lập kỷ lục mới

Một số nhà phân tích lập luận rằng mối quan hệ giữa giá vàng với các động lực chính chưa vỡ hoàn toàn mà chỉ là được thiết lập lại ở mức cơ bản cao hơn. Thực tế này có thể cho phép vàng lập kỷ lục mới nếu lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hay giá USD quay đầu giảm, theo ông Marcus Garvey, Giám đốc điều hành của Macquarie.

Ông Garvey dự đoán giá vàng sẽ tăng lên 2.100 USD/ounce vào năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ giảm tốc. Ông nhìn nhận: “Một khi dòng vốn chảy thêm vào thị trường vàng thì giá có thể tăng lên đáng kể”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá vàng có vẻ tương đối đắt đỏ, có khả năng vàng sẽ khó mà thu hút được dòng tiền lớn dù nền kinh tế Mỹ thực sự sa sút.

Ông Marco Piersimoni, đồng quản lý quỹ Pictet Multi Asset Global Opportunities trị giá 6,2 tỷ euro, cho biết: “Trong danh mục, những tài sản khác như trái phiếu dài hạn cũng đóng vai trò tương tự như vàng, và chúng còn trả lãi”.

Trong 12 tháng qua, ông đã giảm một nửa tỷ trọng vàng trong danh mục đầu tư. Ông nói tiếp: “Trong môi trường hiện tại, vàng không phải tài sản đa dạng hóa có sức thuyết phục”.

Tùng Lâm/Theo Japantimes
Bạn đang đọc bài viết Lý do lãi suất tăng mạnh nhưng giá vàng không giảm tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giá vàng đồng loạt giảm sâu
Giá vàng hôm nay (26/9) trên thị trường thế giới giảm, giá vàng trong nước cũng quay đầu giảm sâu với mức giảm cao nhất là 200.000 đồng/lượng.
Giá vàng đồng loạt giảm
Giá vàng hôm nay (22/9) trên thị trường thế giới giảm trong bối cảnh Fed giữ nguyên lãi suất. Giá vàng trong nước cũng quay đầu giảm đến 200.000 đồng/lượng.