Lý giải “Đại án Vạn Thịnh Phát” trên giác độ lý thuyết tài chính chuẩn tắc và lý thuyết tài chính hành vi
TCDN - Bài viết này sử dụng lý thuyết tài chính chuẩn tắc và lý thuyết tài chính hành vi để lý giải về hành vi của những người có liên quan, từ đó, đề xuất một số khuyến nghị nhằm hạn chế các tiêu cực tương tự có thể phát sinh trong tương lai.
TÓM TẮT:
Trong giai đoạn 1 của đại án Vạn Thịnh Phát, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan: Tử hình về tội Tham ô tài sản; 20 năm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Trong giai đoạn 2, Trương Mỹ Lan và đồng bọn tiếp tục bị xét xử với các tội danh rửa tiền, tham ô tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Số người bị hại liên quan tới đại án bao gồm 01 ngân hàng thương mại và hơn 35.000 người. Tại sao nhóm Trương Mỹ Lan và đồng bọn có thể qua mặt các cơ quan chức năng, các cổ đông, những người gửi tiền và những nhà đầu tư, tạo nên một đại án làm rung động đến cả hệ thống và thị trường tài chính, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế xã hội đến như vậy? Bài viết này sử dụng lý thuyết tài chính chuẩn tắc và lý thuyết tài chính hành vi để lý giải về hành vi của những người có liên quan, từ đó, đề xuất một số khuyến nghị nhằm hạn chế các tiêu cực tương tự có thể phát sinh trong tương lai.
1. Khái quát về lý thuyết chuẩn tắc và lý thuyết tài chính hành vi
Lý thuyết tài chính chuẩn tắc (Hay còn gọi là lý thuyết tài chính truyền thống) là một tập hợp các qui tắc để hoàn thành một mục tiêu đã định và tuyên bố từ trước, có thể giúp các cá nhân đạt được mục tiêu tối đa hóa của cải cá nhân, hoặc lợi ích của chính họ. Các lý thuyết này nghiên về lý giải “điều gì nên làm”, mô tả hành vi hợp lý khi con người đối mặt với sự không chắc chắn và được xây dựng để giúp con người khi đối mặt với các rủi ro. Nhóm lý thuyết tài chính chuẩn tắc bao gồm: Giả thuyết thị trường hiệu quả (Eugen Fama, Nobel 2013); Mô hình định giá tài sản tài chính - CAPM (John Lintner và William Sharpe, Nobel 1990); Lý thuyết xây dựng danh mục đầu tư (Harry Markowitz, Nobel 1990); Lý thuyết định giá các chứng khoán quyền chọn (Fischer Black, Myron Scholes và Robert Merton - Nobel 1997); Lý thuyết đại diện (Jensen và Meckling); V.v…
Các giả định cơ bản của lý thuyết tài chính chuẩn tắc bao gồm: (1) Thông tin thị trường là hoàn hảo, các nhà đầu tư có cơ hội như nhau trong việc thu thập và xử lý thông tin; (2) Phần lớn các nhà đầu tư trên thị trường là những người duy lý, vị kỷ và hợp lý. Là người duy lý khi họ ra quyết định đầu tư dựa trên cơ sở thông tin và xử lý thông tin. Là người vị kỷ khi họ chỉ quan tâm tới lợi ích của cá nhân, không quan tâm tới lợi ích của cộng đồng và xã hội. Là người hợp lý khi họ luôn tối đa hóa lợi ích. Trong lĩnh vực đầu tư, có hai cơ sở ra quyết định là rủi ro và lợi nhuận. Nhà đầu tư sẽ lựa chọn phương thức có lợi nhuận lớn hơn khi có cùng mức rủi ro và phương thức đầu tư có rủi ro ít hơn khi có cùng mức lợi nhuận. (3) Nhà đầu tư phi lý là không đáng kể, hành vi của họ mang tính ngẫu nhiên nên không ảnh hưởng tới người khác và tới toàn thị trường. Trong trường hợp đó, giá chứng khoán sẽ phản ánh giá trị kinh tế cơ bản của doanh nghiệp. Nếu có, sự khác biệt sẽ nhanh chóng được bù đắp do kinh doanh chênh lệch giá. Nhiều kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh giá trị của các lý thuyết tài chính chuẩn tắc đối với lĩnh vực tài chính, nhiều tác giả đã đạt giải thưởng Nobel cho công trình nghiên cứu của mình. Tuy nhiên, có nhiều thách thức đối với các lý thuyết chuẩn tắc, nhiều hiện tượng kinh tế xã hội không thể giải thích thông qua các lý thuyết này.
Lý thuyết tài chính hành vi là sự phát triển kết hợp tâm lý học và lĩnh vực tài chính. Ngược lại lý thuyết tài chính chuẩn tắc, giả định cơ bản của lý thuyết tài chính hành vi là “thị trường không luôn luôn đúng” và “nhà đầu tư không là hợp lý (irrational)”, Nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này đã nhận giải thưởng Nobel danh giá, như Daniel Kahneman (2002) và Robert Siller (2013).
2. Lý giải hành vi của Trương Mỹ Lan
Trương Mỹ Lan có phải là người không hợp lý? Nếu nhìn các hoạt động rất tinh vi của Trương Mỹ Lan khi khi sắp đặt âm mưu bòn rút tài sản của Ngân hàng SCB và các nhà đầu tư trái phiếu, thành lập hàng loạt doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài để bòn rút tài sản và chuyển ra nước ngoài, thành lập “đế chế” của riêng mình với khối tài sản khổng lồ, xây dựng được đội ngũ trung thành, “sẵn sàng chết vì mình” làm việc bằng mọi giá, lừa dối được các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, v.v… Với những hành động này, không ai có thế nói Trương Mỹ Lan là người không có lý trí, thậm chí còn là người cực kỳ thông minh, nắm rõ pháp luật, hiểu rất sâu về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tổ chức và quản trị nhân sự.
Nếu xét theo thái độ đối với rủi ro, Trương Mỹ Lan thuộc đối tượng những người tìm kiếm rủi ro (Risk Seeking). Những người này chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà không quan tâm tới rủi ro. Người tìm kiếm rủi ro sẵn sàng chấp nhận sự biến động lớn hơn và sự không chắc chắn trong đầu tư để đổi lấy lợi nhuận cao hơn, quan tâm nhiều hơn đến việc tăng vốn từ tài sản đầu cơ hơn là bảo toàn vốn từ tài sản rủi ro thấp. Bà ta còn là kẻ vị kỷ, chỉ quan tâm tới lợi ích của cá nhân mình, không quan tâm tới lợi ích của người khác và của cộng đồng, của xã hội, bất chấp tất cả, không sợ trừng phạt của pháp luật, sự day dứt của lương tâm. Khát vọng tìm kiếm rủi ro của Trương Mỹ Lan không những giảm đi khi tuổi tác càng cao, kiến thức, kinh nghiệm tích lũy càng lớn như lý thuyết mà càng ngày càng tăng khi khối tài sản khổng lồ ngày một lớn. Theo lý thuyết tài chính hành vi, Trương Mỹ Lan thuộc mẫu hình tích hợp. Sự tích hợp (Integration), xảy ra khi các vị thế - các kết quả qua các lần được cộng lại với nhau. Liên tục kiếm rất nhiều tiền khá dễ dàng nên bà ta càng chủ quan và không sợ bị ném vào lò. Tuy nhiên, đây có thể được xem là con người có lý trí?
Hành vi không lý trí của Trương Mỹ Lan trước hết có thể kể tới tâm lý quá tự tin (Overconfidence). Với kiến thức cá nhân cùng các tài nguyên hiện hữu, Trương Mỹ Lan có ảo tưởng thoát tội, lừa dối được cơ quan pháp luật. Bà ta quan niệm tiền có thể mua được mọi thứ, từ đó có thể có được quyền lực tuyệt đối. Đội ngũ nhân viên có kiến thức, có hiểu biết xã hội, trung thành tới mù quáng, sẵn sàng lừa dối người khác, vi phạm pháp luật để phục vụ chủ. Trương Mỹ Lan lợi dụng yếu tố nước ngoài khá nhạy cảm ở Việt Nam (Chồng quốc tịch nước ngoài; thành lập doanh nghiệp nước ngoài) nên tưởng có vùng cấm để né tránh pháp luật Việt Nam. Sự quá tự tin, thậm chí tới mức ngạo mạn, bất chấp hậu quả nên Trương Mỹ Lan bị trả giá cho các quyết định của mình.
Sự quá sự tin của Trương Mỹ Lan có lẽ còn bắt nguồn từ quan niệm sai lầm. Sự nghiệp đốt lò được Tổng Bí thư phát động có thể có vùng cấm. Chống tham nhũng chỉ xảy ra đối với quan chức mà không xảy ra đối với doanh nghiệp và dân doanh. Đặc biệt, khi có yếu tố nước ngoài, việc kiểm tra, xác minh và xử lý cũng trở nên khó khăn hơn trong chống tham nhũng. Bà ta và đồng bọn không biết rằng, chiến dịch đốt lò là không có vùng cấm và được hai đời Tổng Bí thư và Đảng, Chính phủ Việt Nam kiên định thực hiện. Một lệch lạc (Bias) khác của Trương Mỹ Lan chính là thành công quá nhanh khiến tham vọng bành trướng. Bà ta thành lập hàng chục doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài, sở hữu những khối tài sản khủng, từ đó gây nghi ngờ từ phía cơ quan điều tra và sự ghen ghét từ phía cộng đồng doanh nghiệp và các đối thủ, làm tăng các đối thủ tiềm năng.
Thứ hai, hành vi thiếu lý trí của Trương Mỹ Lan còn xuất phát từ “hiệu ứng thu nhập ngoài kỳ vọng” (House Money Effect). Đây là hiện tượng được lý giải trong lý thuyết tài chính hành vi, con người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn sau khi thắng cược trước đó. Có lẽ nhận thức của Trương Mỹ Lan mới chỉ đạt được mức độ nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính mà chưa đạt được mức độ nhận thức trở về thực tiễn, không nhìn rõ được bản chất của sự vật, hiện tượng. Theo lý thuyết tài chính hành vi, con người ta chỉ nhìn thấy những gì mà người ta muốn thấy, dựa trên nhận thức của họ về sự thật, chứ không phải dựa trên chính sự thật đó. Chính vì thế, bà ta ngộ nhận về vùng cấm trong cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam.
Mặt khác, do quá tải về thông tin nên con người dễ bị rơi vào tình trạng xử lý theo kinh nghiệm khi ra các quyết định. Trương Mỹ Lan có thể đã dựa trên các tình huống điển hình (Representativeness) trong chống tham nhũng ở các giai đoạn trước, dựa vào tính sẵn có (Availability) hoặc là Neo vào điểm tham chiếu và điều chỉnh (Anchoring and Adjustment) từ các vụ án tham nhũng trước đây nên đã ngộ nhận khả năng phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng tại Việt Nam. Ước lượng sai năng lực của bản thân, lạc quan quá mức và ảo tưởng kiểm soát đã làm Trương Mỹ Lan liên tiếp có các sai lầm và phải trả giá cho các sai lầm của mình. Điều này cũng được lý giải trong lý thuyết tài chính hành vi khi phân tích tác động của cảm xúc tới các quyết định tài chính: Khi người ta hưng phấn nhất là thời điểm nguy hiểm nhất.
3. Lý giải hành vi của các nhà quản lý Ngân hàng SCB, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát
Những người quản lý của các doanh nghiệp này đều được đào tạo bài bản, có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm làm việc, do vậy, khó có thể nói họ là những người không có lý trí. Theo lý thuyết chuẩn tắc và xét hành vi của họ, biết sai mà vẫn làm, họ theo tuýp người tìm kiếm rủi ro. Họ không quan tâm tới lợi ích của cộng đồng và của xã hội, sẵn sàng gây tổn hại cho lợi ích hợp pháp và chính đáng của những người gửi tiền, của cổ đông, của hệ thống và thị trường tài chính, thậm chí gây nguy hại tới lòng tin của người gửi tiền và công chúng đầu tư đối với hệ thống và thị trường tài chính và tạo nguy cơ mất ổn định xã hội, do vậy họ hoàn toàn là người vị kỷ theo đúng nghĩa. Vậy sao họ vẫn trung thành làm theo ý kiến chỉ đạo của Trương Mỹ Lan?
Theo lý thuyết tài chính hành vi, thủ lĩnh có vai trò chi phối rất quan trọng trong quyết định của các cá nhân. Những cá nhân này có thể đề xuất và thực thi các quyết định theo ý kiến chỉ đạo (trực tiếp và gián tiếp) của thủ lĩnh, mặc dù họ biết những quyết định này là không chính xác. Thậm chí, học và làm theo theo thủ lĩnh cũng là một hiệu ứng được giải thích trong lý thuyết tài chính hành vi. Thủ lĩnh của những người này là Trương Mỹ Lan nên có thể giải thích được hành vi của họ khi tiếp tay cho chủ cướp đoạt tài sản của Ngân hàng, của các cổ đông và của các nhà đầu tư. Khi đứng trước vòng móng ngựa, nhiều người trong số họ sử dụng các thuật ngữ “không ngờ”, “không biết”, hoặc “chỉ làm theo lệnh” nhằm che dấu tội lỗi của mình, song chúng ta thừa hiểu họ là “người biết còn cố tình phạm tội”.
Theo lý thuyết hành vi, dục vọng với tiền tài, quyền lực có ý nghĩa quan trọng khi chi phối việc ra quyết định các cá nhân. Những tay sai của Trương Mỹ Lan có lẽ đều có dục vọng lớn đối với tiền tài và quyền lực. Họ còn có lệch lạc trong nhận thức tiền sẽ cho họ tất cả. Họ sẵn sàng kiếm tiền bằng mọi giá, phạm pháp để có tiền và dung tiền để xóa tội lỗi. Họ thậm chí đề xuất sáng kiến và chủ động thực hiện nhiều hành động phi pháp trong đại án, song khi đứng trước tòa thì lại bán đứng chủ, giải thích chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Một nguyên nhân khác dẫn tới sai lầm của các nhà quản trị Ngân hàng SCB và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là vấn đề đạo đức của những người hành nghề trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Có thể nói, công tác tuyển dụng, bố trí sắp xếp, đào tạo và đào tạo lại, xây dựng văn hóa doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói riêng còn nhiều vấn đề cần xử lý, trong đó có vấn đề giáo dục đạo đức cho người hành nghề: Gian dối lý lịch, tự đánh bóng “thương hiệu” của cá nhân là hiện tượng không ít trong giới tài chính ngân hàng; thiếu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề xung đột lợi ích phát sinh trong quá trình nghiệp vụ; giáo dục chưa đầy đủ về trách nhiệm xã hội đối với hành vi phòng chống rửa tiền, v.v…
4. Lý giải hành vi của những người gửi tiền, cổ đông của Ngân hàng SCB và các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, các nhà đầu tư trái phiếu
Một lệch lạc của không ít người Việt Nam là quan niệm “Ngân hàng không thể phá sản”. Có một câu chuyện trong cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên tại một trường đại học khối kinh tế, một vị giám khảo đã kiên quyết đề nghị không trao giải cho một nhóm sinh viên nghiên cứu đề tài về “nguy cơ phá sản ngân hàng” tại Việt Nam, mặc dù kết quả nghiên cứu của nhóm sinh viên là khá có chất lượng, sử dụng phương pháp định lượng trong nghiên cứu. Theo quan điểm của vị giám khảo này, không thể có chuyện ngân hàng phá sản tại Việt Nam. Đây cũng là nhận thức sai lầm của khá nhiều người Việt. Chính vì thế, người gửi tiền quan tâm tới lãi suất hơn là uy tín của ngân hàng. Việc chỉ quan tâm tới lãi suất phản ánh, họ là những người có thiên hướng tìm kiếm rủi ro, song cũng phản ánh một khía cạnh khác. Thông tin về hoạt động ngân hàng chưa thực sự hoàn hảo, người gửi tiền khó lòng đánh giá đúng chất lượng hoạt động của các ngân hàng. Hơn nữa dân trí tài chính ở Việt Nam còn chưa cao, do vậy người gửi tiền không đủ khả năng đánh giá xác thực thực trạng hoạt động của các ngân hàng.
Chạy theo lãi suất cao, không “để ý” tới uy tín của tổ chức phát hành và điều khoản của trái phiếu cũng là sai lầm của các nhà đầu tư. Do thông tin không hoàn hảo, do dân trí tài chính thấp, lại dựa trên tâm lý “tin tưởng” vào các ngân hàng nên các nhà đầu tư trái phiếu đã sai lầm khi mua các trái phiếu có chất lượng thấp được ngân hang bán lại. Họ ỷ lại vào sự bảo vệ của cơ quan quản lý nhà nước đối với quyền lợi của họ. Họ không biết quyền và lợi ích chính đáng, trách nhiệm của họ trong hoạt động đầu tư.
Thực tế, cơ quan quản lý có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, tránh các giao dịch không công bằng và bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số. Sonh nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm trước quyết định đầu tư của họ. Ở đây một lần nữa lại cần đề cập tới trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán khi không cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn đầy đủ cho khách hàng, trách nhiệm của các trung gian tài chính trong xây dựng và giám sát thực thi quy chế đạo đức nghề nghiệp.
Với các cổ đông của Ngân hàng SCB và các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, họ đã không nhận thức đầy đủ vấn đề đại diện trong các công ty của mình: Các nhà quản lý không hết lòng vì cổ đông. Mặc dù các doanh nghiệp đã cố gắng giải quyết vấn đề xung đột lợi ích và gắn kết lợi ích của quản lý với cổ đông bằng các hợp đồng thông minh rất tốt kém (Lương, thưởng khủng và các quyền lợi khác), song với các công ty nói trên, vấn đề đại diện đã gây tổn hại cho các cổ đông thiểu số. Quy chế quản trị công ty, quản trị rủi ro và vấn đề bảo vệ cổ đông thiểu số của các công ty này chỉ mang tính hình thức, thiếu tính thực chất và hiệu quả. Các cổ đông quá tin, thậm chí dựa dẫm vào những người đại diện, bao gồm cả hội đồng quản trị, ban kiểm soát và ban giám đốc. Thông tin không đầy đủ, lại thiếu kiểm soát nên các nhà quản lý ngân hàng và các doanh nghiệp đã gây tổn hại cho các cổ đông thiểu số của các doanh nghiệp này.
5. Lý giải hành vi của các cơ quan quản lý nhà nước
Với một đại án có quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng như vậy, song tại sao các cơ quan quản lý nhà nước như Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Cục phòng chống rửa tiền lại không phát hiện và cảnh báo sớm? Vấn đề không chỉ là một số quan chức trong lĩnh vực tiền tệ tín dụng bị mua chuộc nên che dấu thông tin cho Ngân hàng SCB. Phải chăng mô hình quản lý hệ thống và thị trường tài chính không phù hợp với sự phát triển của hệ thống và thị trường tài chính Việt Nam.
Trên thế giới, có ba mô hình quản lý cơ bản đối với hệ thống và thị trường tài chính: (1) Mô hình quản lý theo thể chế: Theo cách tiếp cận này, ba mảng ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán sẽ do ba cơ quan tách biệt quản lý, giám sát, thường gọi là mô hình 3 cực (Three Pillars). Theo mô hình này, các chủ thể quản lý làm cả nhiệm vụ giám sát an toàn và giám sát hoạt động đối với các trung gian tài chính thuộc đối tượng giám sát. (2) Mô hình giám sát tài chính hợp nhất: Trong mô hình giám sát này, một chủ thể giám sát tổng hợp làm nhiệm vụ tạo điều kiện an toàn cho hệ thống tài chính, đồng thời, điều tiết hoạt động đối với tất cả các trung gian tài chính. Trong trường hợp này, chức năng giám sát an toàn và hoạt động đối với các trung gian tài chính không thuộc các bộ chủ quản truyền thống: Ngân hàng trung ương; Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán quốc gia.
Mức độ hợp nhất có thể khác nhau đối với các quốc gia, tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế và thể chế chính trị. Có thể được chia mức độ hợp nhất làm hai loại: (i) Hợp nhất hoàn toàn: Các hoạt động kinh doanh tài chính và giám sát an toàn được điều tiết bởi một chủ thể giám sát duy nhất. (ii) Hợp nhất một phần: Chỉ hợp nhất hai trong ba lĩnh vực kinh doanh tài chính gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. (3) Mô hình giám sát tài chính hai đỉnh song song: theo mô hình này, hệ thống giám sát được hình thành theo đối tượng giám sát và chia thành hai chủ thể giám sát với hai đối tượng riêng biệt: (i) Giám sát thận trọng và an toàn; (ii) Giám sát hoạt động.
Thông thường, cơ quan quản lý Nhà nước đối với TTCK là Ủy ban chứng khoán quốc gia (UBCKQG). Địa vị pháp lý của UBCKQG ở mỗi nước cũng khác nhau: Có nước, UBCKQG là cơ quan Bộ trong chính phủ; Có nước, UBCKQG nằm trong Bộ Tài chính; có nước, UBCKQG là cơ quan trực thuộc Ngân hàng Trung ương. Nhìn chung UBCKQG chỉ thực hiện các chức năng quản lý chung chứ không trực tiếp điều hành và giám sát thị trường. Các cơ quan này có thẩm quyền ban hành các quy định điều chỉnh các hoạt động trên thị trường chứng khoán tạo nên cơ sở cho các tổ chức tự quản trực tiếp thực hiện các chức năng điều hành và giám sát thị trường của mình.
UBCKQG là cơ quan quản lý chuyên ngành của nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán, với các chức năng sau: (1) Thực hiện các quy định, quy chế về quản lý ngành chứng khoán và phối hợp với các tổ chức liên quan để điều hành và giám sát có hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán. (2) Kiểm soát và giám sát các hoạt động trên thị trường như đăng ký, lưu ký chứng khoán, giám sát các công ty niêm yết, và phát hiện, xử lý các trường hợp gian lận trong hoạt động kinh doanh chứng khoán. (3) Quản lý trực tiếp các tổ chức tự quản, giám sát hoạt động của các tổ chức này, xử lý các vi phạm nếu các tổ chức tự quản không tự xử lý được. (4) Thanh tra đối với các cá nhân hay tổ chức để bảo vệ lợi ích chung của công chúng trong trường hợp có sự vi phạm pháp luật.
Bên cạnh UBCKQG, một số bộ, ngành cũng có chức năng tham gia quản lý một số lĩnh vực có liên quan tới thị trường chứng khoán. Ví dụ: Bộ Tài chính quản lý các vấn đề về kế toán, kiểm toán phục vụ phát hành và công khai thông tin công ty, phát hành trái phiếu quốc tế...; Ngân hàng Trung ương quản lý các ngân hàng thương mại thực hiện kinh doanh chứng khoán, đề ra các nguyên tắc để phân tách nghiệp vụ kinh doanh tiền tệ và kinh doanh chứng khoán; Bộ Tư pháp có liên quan tới việc xử lý các trường hợp gian lận trên thị trường chứng khoán; v.v…
Việt Nam hiện nay đang áp dụng mô hình quản lý theo thể chế. Theo nghĩa đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tiền tệ và tín dụng, Ủy ban chứng khoán Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán và Bộ Tài chính thực hiện quản lý đối với lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, Ủy ban chứng khoán Nhà nước chỉ là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, nên không đủ địa vị pháp lý để thực hiện quản lý theo chức năng. Hơn nữa, các cơ quan giám sát chuyên ngành của Việt Nam không có đầy đủ chức năng điều tra, phán quyết và cưỡng chế thực thi pháp luật, do vậy khá hạn chế trong việc giám sát các đối tượng theo phân cấp được giao, trong khi các đối tượng giám sát có mức độ phát triển đa dạng và ngày càng phức tạp.
Cũng cần thừa nhận năng lực cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, sự thiếu trách nhiệm trong công việc, sự thiếu phối kết hợp trong thanh tra giám sát và vấn đề đạo đức cán bộ cũng là nguyên nhân quan trọng để Trương Mỹ Lan qua mặt các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, chứng khoán.
Hành vi của Trương Mỹ Lan cũng có sự tiếp tay của các tổ chức và doanh nghiệp có liên quan, như các công ty chứng khoán, các công ty kiểm toán, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các công ty định giá tài sản và các nhà phân tích. Các đối tượng này chỉ quan tâm tới lợi nhuận và lợi ích của bản thân, hoặc không nhận thức đầy đủ về trách nhiệm đối với an toàn hệ thống và thị trường tài chính, không quan tâm tới quyền lợi của khách hàng và những người có liên quan, tiếp tay cho Trương Mỹ Lan và đồng bọn tham nhũng, tham ô tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.
6. Kết luận và khuyến nghị
Có thể nói, thông qua lý thuyết tài chính chuẩn tắc và lý thuyết tài chính hành vi có thể lý giải khá rõ ràng hành vi tham nhũng, tham ô tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền của Trương Mỹ Lan và đồng bọn. Với bản chất là những người tìm kiếm rủi ro, với khát vọng làm giàu nhanh chóng và ít tốn kém nhất, họ đã không ngại vi phạm pháp luật, hy sinh quyền và lợi ích chính đáng của những người khác là những người gửi tiền, các cổ đông, các nhà đầu tư. Hành vi của họ đã tác động tiêu cực đến hệ thống và thị trường tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự và an toàn xã hội. Việc làm của họ đã bị trả giá và tiếp tục bị trả giá, song vụ án cũng là lời cảnh tỉnh đối với các đối tượng có liên quan. Xin mạnh dạn có một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao dân trí tài chính, giúp cho người dân hiểu rõ quyền, lợi ích hợp pháp và trách nhiệm của họ trong hoạt động đầu tư, gửi tiền ngân hàng. Theo lý thuyết tài chính chuẩn tắc, thị trường hoàn hảo khi thông tin hoàn hảo, cơ hội tiếp nhận và xử lý thông tin của mọi nhà đầu tư là như nhau. Sau hơn 30 năm đổi mới kinh tế và 25 năm phát triển thị trường chứng khoán, mặc dù nhà đầu tư đã có sự phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, song có sự phân hóa rất sâu sắc. Có thể nói, đại đa số người dân và các nhà đầu tư vẫn chưa thể được coi là các nhà đầu tư “duy lý”. Việc ra quyết định đầu tư (Kể cả quyết định gửi tiền ngân hàng) không chỉ dựa vào thông tin và xử lý thông tin. Mặc dù thông tin là chưa hoàn hảo, song với kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực đầu tư của người dân đã xuất hiện hiện tượng quá tải về thông tin (Overload). Do quá tải về thông tin, con người buộc phải xử lý vấn đề dựa trên kinh nghiệm (Heuristic) và xuất hiện hàng loạt các lệch lạc (Bias): Mua bán theo tin đồn; tâm lý bầy đàn trong mua bán chứng khoán; v.v… Nâng cao dân trí tài chính, dân trí đầu tư là giải pháp quan trọng để xử lý vấn đề này.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị kiến thức liên quan tới lĩnh vực tài chính - ngân hàng, lĩnh vực đầu tư, cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật đối với các đối tượng người dân, đẩy mạnh tuyên truyền về chiến dịch chống tham nhũng do Đảng phát động và lãnh đạo. Ngày xưa, chống tiêu cực luôn được sự đồng tình của đại đa số người dân. Xã hội ngày càng phát triển, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, song lại xuất hiện hiện tượng thờ ơ với chống tiêu cực trong xã hội. Một số người thậm chí còn đồng tình với những kẻ như Trương Mỹ Lan và đồng bọn, hiểu không đúng về cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư phát động. Tìm sự đồng tình của đại đa số dân chúng, xây dựng mạng lưới chiến tranh nhân dân trong cuộc chiến chống tham nhũng là điều kiện cơ bản của thành công. Chống tham nhũng cũng là để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư thiểu số.
Thứ hai, tăng cường công khai hóa thông tin để giảm mức độ bất cân xứng về thông tin. Cơ hội tiếp nhận thông tin là một trong những điều kiện để thị trường hiệu quả. Công bố thông tin cũng là thực hiện trách nhiệm xã hội của các cơ quan quản lý nhà nước, của các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, các doanh nghiệp khác nhằm xây dựng một thị trường minh bạch và hiệu quả.
Thứ ba, giải quyết vấn đề đạo đức nghề nghiệp đối với người hành nghề trong lĩnh vực tài chính và cán bộ, công chức nhà nước, cán bộ doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cần xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, trang bị các kiến thức và kỹ năng trong xử lý các xung đột lợi ích phát sinh trong quá trình thi hành các hoạt động. Việc tăng cường giám sát thực thi các quy tắc trên là điều kiện tốt để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm tốt, có thái độ làm việc đúng đắn, tôn trọng pháp luật và tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng.
Thứ tư, điều chỉnh mô hình quản lý, giám sát trong lĩnh vực tài chính, nâng cao vị trí, vai trò và điều chỉnh chức năng của các cơ quan quản lý giám sát trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Thứ năm, tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường sự giám sát của người dân đối với hệ thống và thị trường tài chính. Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công cuộc chống tham nhũng, phát huy vai trò của toàn dân, của tòan hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, biến chất, thoái hóa về tư tưởng và đạo đức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.Agrawal, K. (2012), “A Conceptual Framework of Behavioral Biases in Finance”, IUP Journal of Behavioral Finance.
2.Brahmana, R. K., Hooy, C. W., & Ahmad, Z. (2012), Psychological factors on irrational financial decision making, Humanomics.
3.Báo điện tử của Chính Phủ, 2024, “Tòa tuyên tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan”, https://baochinhphu.vn/toa-tuyen-tu-hinh-bi-cao-truong-my-lan-102240411172004704.htm
4.Fama, E. F. (1965), “The behavior of stock-market prices”, The Journal of Business, 38(1), pp. 34 - 105.
5.Ken McGowan, Học viện Chứng khoán và Đầu tư, “Liêm chính và đạo đức hành nghề trong ngành dịch vụ tài chính”, Hà Nội, 2015.
6.PGS.TS Trần Đăng Khâm, 2023, “Giáo trình Môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán”, chương 6&7, Nhà xuất bản Lao động, 2023.
PGS.TS Trần Đăng Khâm
Đại học Kinh tế Quốc dân
email: [email protected], hotline: 086 508 6899