Mexico 'dứt áo ra đi': Nguy cơ Saudi và Nga không thể chốt hạ khủng hoảng giá dầu
TCDN - Một thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Nga về việc mạnh tay cắt giảm sản lượng dầu đã bị đe dọa vào cuối ngày thứ Năm khi Mexico từ chối tham gia cắt giảm và rời cuộc họp mà không chấp thuận thỏa thuận.
Sự bế tắc, xuất hiện sau hơn 9 giờ đàm phán thông qua video trực tuyến, đã khiến người ta nghi ngại về nỗ lực toàn cầu nhằm vực dậy thị trường dầu mỏ từ sự suy thoái do virus corona gây ra.
Mexico bất đồng về sản lượng cắt giảm
Theo một đại biểu, nhóm OPEC + không thể cắt giảm sản lượng mà không có sự tham gia của Mexico và họ không có ý định đối thoại tiếp vào thứ Sáu, thay vào đó tập trung vào đàm phán tại cuộc họp G-20 – được lên kế hoạch vào thứ Sáu.
Trước đó vào thứ Năm, các OPEC + đã hướng tới đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 5 và tháng 6, các đại biểu cho biết, chấm dứt hiệu quả cuộc chiến giá dầu kéo dài một tháng. Saudi và Nga, hai nhà sản xuất lớn nhất trong nhóm, mỗi nước sẽ giảm sản lượng xuống còn khoảng 8,5 triệu thùng mỗi ngày, và các thành viên hướng tới nhất trí cắt giảm 23% nguồn cung, một đại biểu cho biết.
Sự tập trung tiếp đó nên được chuyển vào cuộc họp của 20 Bộ trưởng năng lượng G-20. Việc các nhà sản xuất lớn như Hoa Kỳ và Canada hành động - có thể giảm tới 5 triệu thùng mỗi ngày – sẽ thúc đẩy nỗ lực hồi sinh giá dầu sau khi tín hiệu về thỏa thuận ban đầu của OPEC + không thể đẩy giá dầu thô tăng cao vào thứ Năm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Mexico Rocio Nahle Garcia đã từ chối chấp nhận hạn chế sản xuất được đưa ra cho nước của bà theo thỏa thuận ban đầu của OPEC+. Trong một bài đăng trên Twitter ngay sau khi rời cuộc họp, bà nói rằng đất nước của bà sẵn sàng giảm đi 100.000 thùng mỗi ngày, ít hơn rất nhiều so với mức 400.000 thùng mỗi ngày mà nhóm đề xuất.
Sức ép chính trị
Bước lùi bất ngờ từ Mexico không làm thay đổi nhu cầu cấp thiết của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các đồng minh về việc giảm sản lượng. Sự sụp đổ giá dầu năm nay đã đe dọa sự ổn định của các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ, buộc các công ty lớn như Exxon Mobil Corp phải hạn chế chi tiêu và đặt các quốc gia nhỏ vào nguy cơ tồn vong.
Ông Aldo Flores Quiroga, cựu thứ trưởng Mexico, người đã đàm phán các thỏa thuận OPEC+ từ năm 2016 đến 2018, cho biết: "Mexico có thể và nên tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong việc bình ổn thị trường dầu. Việc cắt giảm sản xuất là điều cần thiết và có thể. Đây cũng là hành động có trách nhiệm cả trong nước và quốc tế".
OPEC + đã phải chịu sức ép mạnh mẽ từ Tổng thống Donald Trump - người đã đối thoại với các nhà lãnh đạo Nga và Saudi qua điện thoại hôm thứ Năm - và các nhà lập pháp Mỹ, những người sợ hàng nghìn công nhân trong ngành dầu đá phiến của Mỹ sẽ mất việc.
Amrita Sen, nhà phân tích dầu mỏ tại đơn vị tham vấn Energy Aspects Ltd. cho biết, cả Saudi và Nga đều sẽ phải cắt giảm và những cắt giảm này cũng cho phép họ giành được điểm cộng chính trị.
Giá dầu Brent đã giảm 4,1% xuống 31,48 USD/thùng tại London. Giá đã giảm một nửa trong năm nay khi sự lây lan của virus corona và một cuộc chiến giá cả cay đắng đã khiến các nhà sản xuất bơm dầu tràn ngập thị trường.
Trong một bài phát biểu tại buổi họp mặt trực tuyến, Mohammad Barkindo, Tổng thư ký của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cho biết: "Covid- 19 là một con thú vô hình dường như đang tác động đến mọi thứ trên đường đi của nó. Nguyên tắc cơ bản về cung và cầu đang ở tình trạng tồi tệ và nguy cơ dư cung, đặc biệt là trong quý 2, đang vượt xa mọi thứ chúng ta đã thấy trước đây".
Barkindo kêu gọi các bên hành động để giải quyết thặng dư ngày càng tăng, mà ông ước tính đạt 14,7 triệu thùng mỗi ngày trong quý hai. Và ông muốn hành động không chỉ từ các nhà sản xuất OPEC + mà từ các quốc gia ngoài liên minh.
Nga nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cần làm nhiều hơn là chỉ để các lực lượng thị trường giảm sản lượng kỷ lục. Ông Trump, trong khi đó, nói rằng Mỹ cắt giảm sẽ xảy ra một cách tự động vì giá thấp khiến dầu đá phiến rơi vào tình trạng khó khăn, điều được Bộ trưởng năng lượng nước này nhắc lại vào thứ năm.
Mỹ hoan nghênh đề xuất cắt giảm của OPEC +, cho biết điều này sẽ gửi tín hiệu rằng tất cả các nước sản xuất dầu lớn sẽ phản ứng một cách có trật tự đối với thực tế thị trường do virus gây ra, một quan chức chính quyền Mỹ cấp cao cho biết.
Giảm dần sản lượng
Kế hoạch dự kiến của OPEC + sẽ cho thấy việc giảm sản lượng giảm quy mô đi sau hai tháng, tùy thuộc vào sự diễn biến của dịch bệnh. Việc cắt giảm 10 triệu thùng một ngày có thể giảm xuống còn 8 triệu một ngày từ tháng 7 và sau đó là 6 triệu một ngày từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, theo một đại biểu.
Saudi sẽ áp dụng mức giảm khoảng 11 triệu thùng/ngày, một đại biểu cho biết. Nga sẽ hạn chế nguồn cung của mình ở mức tương tự.
Cuộc chiến giá dầu, bắt đầu vào tháng 3 sau khi các cuộc đàm phán OPEC + trước đó sụp đổ, kéo dài đúng 31 ngày, ít hơn nhiều so với các kịch bản tương tự vào năm 1986, 1998 và 2016. Nhưng trong thời gian ngắn đó, cuộc chiến đó cũng đã đủ để buộc nhiều công ty, từ các gã khổng lồ Big Oil đến các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ cắt giảm chi tiêu, sa thải công nhân và hủy bỏ các dự án. Trong khi đó, các quốc gia giàu dầu mỏ đã phải liên hệ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới để được giúp đỡ khi gặp khó khăn vì giá thấp.
"Đối với thị trường dầu mỏ, sự co thắt nhu cầu về dầu đang lớn là chưa từng có, tổ chức OPEC cho biết trong một tài liệu nội bộ lưu hành cho các bộ trưởng mà Bloomberg tiếp cận được. "Triển vọng hiện tại vô cùng ảm đạm, và thị trường dầu mỏ được dự đoán sẽ bị kiểm nghiệm chặt chẽ trên nhiều mặt trận".
Theo Tổ quốc
email: [email protected], hotline: 086 508 6899