Mối họa tiềm ẩn từ việc các nước giàu cổ vũ kinh tế hướng nội
TCDN - Xu hướng kinh tế hướng nội - với đặc trưng là mang sản xuất về quê nhà, chạy đua thống trị các ngành chiến lược ở các nước giàu - có thể tạo thêm rắc rối cho thế giới.
Sau Chiến tranh Lạnh, toàn cầu hóa diễn ra những năm 1990, nhờ niềm tin vào sức mạnh của thị trường thông suốt. Các nước nới lỏng kiểm soát du lịch, đầu tư và thương mại. Năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, thúc đẩy thương mại giữa châu Á và phương Tây. Những thay đổi như vậy mang lại nhiều lợi ích, giảm nghèo và bất bình đẳng.
Gần đây, toàn cầu hóa chậm lại. Anh bỏ phiếu Brexit (rời khỏi Liên minh châu Âu). Sau đó, thương chiến Mỹ - Trung nổ ra. Về cơ bản, toàn cầu hóa vẫn tiếp tục diễn ra, song giải pháp thay thế triệt để cho toàn cầu hóa đang thực sự hình thành. Economist gọi đó là "kinh tế hướng nội" (homeland economics), với ý tưởng chủ đạo là tìm cách giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế của một quốc gia. Những rủi ro bao gồm biến động thất thường của thị trường, cú sốc như đại dịch hoặc động thái của đối thủ chính trị.
Bản chất của kinh tế hướng nội
Kinh tế hướng nội là phản ứng trước 4 cú sốc lớn mà thế giới trải qua. Đầu tiên là sốc kinh tế.
Nếu khủng hoảng tài chính 2007 - 2009 làm lung lay mô hình cũ, thì suy thoái toàn cầu năm 2020 đã khiến niềm tin sụp đổ rõ nét. Covid-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, làm tăng lạm phát. Một hệ thống mà trước đây có vẻ như mang lại sự hiệu quả và thuận tiện đã biến thành nguồn gốc của bất ổn. Đại dịch cũng đã thúc đẩy niềm tin của người dân rằng chính phủ nên can thiệp kinh tế nhiều hơn.
Cú sốc thứ hai là bất ổn địa chính trị. Thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc chưa giảm và đôi bên sử dụng một loạt biện pháp đáp trả kinh tế. Cuộc xung đột trên đất liền lớn nhất tại châu Âu kể từ năm 1945 đang diễn ra tại Ukraine. Quan niệm cho rằng hội nhập kinh tế sẽ dẫn đến hội nhập chính trị đã không còn.
Cú sốc thứ ba là năng lượng. Việc Nga cắt nguồn cung khí đốt châu Âu khiến nhiều chính trị gia nghĩ rằng phải đảm bảo các lựa chọn thay thế, không chỉ về năng lượng mà còn về các mặt hàng chiến lược nói chung.
Và thứ tư là cú sốc trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ có thể gây ra mối đe dọa cho người lao động.
Kinh tế hướng nội muốn tránh những cú sốc tương tự trong tương lai và giữ lại những lợi ích của toàn cầu hóa như tính hiệu quả và giá cả thấp. Để làm được, người ta phải kết hợp chính sách kinh tế và an ninh.
"Tôi muốn bắt đầu bằng việc cảm ơn tất cả quý vị vì đã mời một cố vấn an ninh quốc gia đến thảo luận về kinh tế", Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ phát biểu tại Washington DC hồi tháng 4. Lời cảm ơn của ông báo hiệu rằng quyền kiểm soát nền kinh tế đã chuyển sang tay các nhà chiến lược địa lý.
Các nhà lãnh đạo khác cũng tuyên bố tương tự. Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, tự hào Liên minh châu Âu (EU) là "nền kinh tế lớn đầu tiên đề ra chiến lược về an ninh kinh tế". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập "quyền tự chủ chiến lược". Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhắc về "tự chủ" kinh tế.
Để triển khai, các chính phủ dùng lại vài công cụ cũ. Một số quyết định tăng thuế năm 2018 của Tổng thống Donald Trump giống như chính sách bảo hộ những năm 1930 của Mỹ. Nhưng trọng tâm thực sự là nhiều chính phủ kỳ vọng chạy đua thành nhà vô địch trong các ngành công nghiệp chiến lược như chip máy tính, xe điện và AI. Vì vậy, họ tung ra những khoản trợ cấp khổng lồ kèm yêu cầu hàm lượng nội địa để khuyến khích sản xuất trong nước.
Giống như hồi Chiến tranh Lạnh, các chính phủ phương Tây sử dụng các công cụ kinh tế để làm suy yếu các đối thủ địa chính trị, bao gồm các lệnh cấm xuất khẩu và đầu tư quốc tế, đặc biệt khi liên quan đến các công nghệ "lưỡng dụng", tức có thể ứng dụng cho dân sự và quân sự.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ thực thi Đạo luật CHIPS để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn trong nước và Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) để trợ cấp năng lượng xanh. Cả hai đều nhằm xây dựng việc làm và chuyên môn trong nước.
EU thì triển khai "Kế hoạch công nghiệp Thỏa thuận xanh". Gần đây, 14 quốc gia thành viên EU thiết lập kế hoạch hỗ trợ công nghệ vi điện tử và truyền thông. Pháp triển khai quỹ sản xuất các khoáng sản quan trọng. EU muốn 40% công nghệ chủ chốt cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh và 20% chất bán dẫn của thế giới sẽ được sản xuất trong khối.
Ấn Độ tung chương trình khuyến khích liên kết sản xuất cho nhiều lĩnh vực, bao gồm sản xuất mô-đun quang điện mặt trời và pin tiên tiến. Theo Đạo luật K-chip, Hàn Quốc ưu đãi thuế các công ty bán dẫn. Cảm hứng từ chương trình "Made in China" bắt đầu vào 2015, hiện thế giới có "Made in America", "Made in Europe", "Make in India", "Made-in-Canada plan" và "A Future Made in Australia".
Nghiên cứu nhóm chuyên gia gồm Réka Juhász (Đại học British Columbia), Nathan Lane và Emily Oehlsen (Đại học Oxford), Verónica C. Pérez (Đại học Boston) cho biết trước đây các nước nghèo mới sử dụng chính sách công nghiệp để phát triển. Tuy nhiên, ngày nay các nước giàu lại chiếm phần lớn về chính sách công nghiệp, tăng đột biến vào 2021-2022.
Kết quả phân tích dữ liệu của Economist cho thấy sự quan tâm đến chính sách công nghiệp đang tăng cao trong các thông điệp chính trị. Giới chức sẵn sàng tung tiền thuyết phục doanh nghiệp định vị hoặc mở rộng hoạt động ở nước họ. Trong quý 1, doanh nghiệp ở các nước giàu đã nhận được tiền trợ cấp nhiều hơn khoảng 40% so với mức bình thường trong những năm trước đại dịch.
Mỹ đã chi 25 tỷ USD cho trợ cấp trong quý 2. Theo ngân hàng UBS, chính phủ G7 dự chi tới 400 tỷ USD cho ngành bán dẫn trong thập kỷ tới. Kể từ 2020, các chính phủ đã phân bổ 1.300 tỷ USD để hỗ trợ đầu tư vào năng lượng sạch.
Chi tiêu của Mỹ cho chính sách công nghiệp so với GDP, có thể vẫn kém xa Trung Quốc, nhưng đã bằng với Pháp. Đảng Lao động của Anh, nếu giành được quyền lực, sẽ muốn chi hàng tỷ USD cho các khoản tài trợ xanh, mà tính theo tỷ trọng trong GDP sẽ cao gấp 10 lần Mỹ. Sau khi đầu tư cho bán dẫn, các nhà hoạch định chính sách đang nhắm tới điện toán lượng tử và AI.
Lợi ích không rõ ràng của kinh tế hướng nội
Giới doanh nghiệp đang thích ứng. Các CEO đề cập đến việc "đưa hoạt động sản xuất về nước" thường xuyên hơn. Các nhà đầu tư cũng sôi nổi. Theo dữ liệu từ ngân hàng Goldman Sachs, kể từ đầu 2022, giá cổ phiếu trung bình của các công ty Mỹ "được coi là được hưởng lợi từ việc chi tiêu bổ sung cho cơ sở hạ tầng" đã tăng 13%, so với mức giảm 9% của toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ.
Rất nhiều điều về kinh tế hướng nội có vẻ hợp lý. Ai có thể phản đối việc làm cho chuỗi cung ứng trở nên kiên cường, giúp đỡ các khu vực tụt hậu, xây dựng lại cơ cấu năng lượng? "Có những cơ sở vững chắc về mặt lý thuyết và kinh tế cho chính sách công nghiệp", nhóm chuyên gia Đại học Harvard nói.
Những chính sách này sẽ tạo ra nhiều bên hưởng lợi, từ ông chủ các công ty nhận được ưu đãi, đến các nhà đầu tư vào các công ty đó, các khu vực hưởng lợi từ nhà máy mới. Tuy nhiên, Economist cho rằng nó cũng tạo ra hàng tỷ đối tượng "thua cuộc", bởi phía sau hợp lý lại là sự không mạch lạc.
Các lợi ích của kinh tế hướng nội được thổi phồng do những người quá bi quan về toàn cầu hóa, vốn thực tế mang lại lợi ích to lớn cho hầu hết thế giới. Trong khi, các lợi ích mới là không chắc chắn và nỗ lực nhằm thoát khỏi Trung Quốc về mặt kinh tế có thể chỉ mang tính cục bộ.
Ngược lại, tổn thất lại rõ ràng. IMF có một nghiên cứu xem xét giả định thế giới đã chia thành các khối do Mỹ và Trung Quốc lãnh đạo. Trong ngắn hạn, sản lượng toàn cầu thấp hơn 1% và về lâu dài thấp hơn 2%. Các ước tính khác cho rằng tác động lên GDP toàn cầu ở mức trên 5%.
Dựa trên phân tích từ nhiều quốc gia chủ yếu là giàu có, kinh nghiệm lịch sử về chính sách công nghiệp cũng không đáng khích lệ. Ví dụ, chương trình "khuyến khích liên kết sản xuất" của Ấn Độ, trả cho các nhà sản xuất một khoản tiền cho mỗi đơn vị được sản xuất. Sau khi chương trình này được đưa ra, xuất khẩu điện thoại di động đã tăng vọt.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu gần đây của 3 nhà kinh tế Rahul Chauhan, Rohit Lamba và Raghuram Rajan chỉ ra rằng nhập khẩu điện thoại di động cũng tăng vọt. Có lẽ các nhà sản xuất chỉ đơn giản là tái xuất khẩu điện thoại qua Ấn Độ để nhận được trợ cấp.
Năm nay Lightyear, công ty ôtô năng lượng mặt trời của Hà Lan được chính phủ và Ủy ban Châu Âu hỗ trợ, đã gặp khó khăn về tài chính và ngừng sản xuất. Britishvolt, công ty pin điện được chính phủ Anh cam kết hỗ trợ, cũng sụp đổ. Những nỗ lực của thúc đẩy ngành công nghiệp chip của Mỹ cũng không thuận lợi. Morris Chang, Nhà sáng lập TSMC cho biết việc sản xuất tại nhà máy đầu tiên ở Arizona sẽ bị trì hoãn cho đến năm 2025 do thiếu công nhân chuyên môn.
Trong khi, chi phí kinh tế đang nổi lên, là kết quả của sự trả đũa. Gần đây, Trung Quốc áp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với gali và germani. Trung Quốc sản xuất 98% lượng gali thô của thế giới, thành phần quan trọng trong công nghệ quân sự tiên tiến. Vào tháng 2, họ đưa Lockheed Martin và công ty con của Raytheon, hai nhà sản xuất vũ khí của Mỹ, vào danh sách không đáng tin cậy.
Ngoài ra, các chính phủ có thể sẽ lãng phí rất nhiều tiền trong bối cảnh họ cần nguồn lực không nhỏ để chăm sóc sức khỏe, trả lương hưu và trả nợ công. Báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Anh lưu ý rằng "cơ cấu quản trị và triển khai" đằng sau gói 5,2 tỷ USD dành cho mục tiêu net-zero cần được cải thiện, và "có rủi ro rằng chính phủ sẽ không đạt được các mục tiêu về khí nhà kính lẫn kinh tế, hoặc đảm bảo được giá trị đồng tiền". Với mức thâm hụt ngân sách trung bình 4% của GDP ở các nước giàu, ai cũng có khả năng trả giá cho những sai lầm như vậy không?, Economist đặt vấn đề.
Còn có một măt trái gọi là "sát thương ẩn". Lợi ích của mô hình kinh tế hướng nội nổi bật nhất vẫn là về mặt chính trị. Các chính phủ tự hào về những thành công của chế độ trợ cấp, từ nhà máy pin ôtô mới của Tata ở Anh, nhà máy sản xuất chip Rapidus mới ở Hokkaido với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản. Nhưng thu nhập thấp hơn, kém hiệu quả hơn sẽ là những thiệt hại mang tính lan tỏa, khó nhận thấy và dễ bị bỏ qua. "Bằng việc hứa hẹn những điều mà họ không thể thực hiện, các chính trị gia đang tích lũy thêm rắc rối", Economist bình luận.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899