Một thương vụ M&A bất thường của Hoàng Anh Gia Lai khi khó khăn bủa vây
TCDN - Hoàng Anh Gia Lai khiến dư luận chú ý khi mua lại công ty Lơ Pang với giá cao gấp 4,5 lần giá trị hợp lý trong bối cảnh bản thân gặp rất nhiều khó khăn tài chính. Đáng chú ý, một số lãnh đạo của Lơ Pang lại cũng có "chân" cổ đông trong Hoàng Anh Gia Lai.
Có bất thường?
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) từng gây chú ý khi thâu tóm Công ty cổ phần gia súc Lơ Pang (Công ty Lơ Pang) từ hồi cuối quý 1/2022. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, các thông tin về thương vụ vẫn khá sơ sài. Phải đến báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022 mới được công bố, thương vụ M&A này mới được hé lộ nhiều thông tin đáng chú ý.
Đó là việc Hoàng Anh Gia Lai “rộng tay” mua lại Lơ Pang. Vào ngày 31/3/2022, HAGL đã hoàn tất việc mua 50 triệu cổ phần tương đương 99,75% tỷ lệ sở hữu trong Lơ Pang tổng giá trị chuyển nhượng là 2.384 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá trị đầu tư và giá trị tài sản thuần của Lơ Pang phát sinh từ giao dịch này là 1.860 tỷ đồng. Với vốn điều lệ của Lơ Pang là 500 tỷ, như vậy, Hoàng Anh Gia Lai đã thâu tóm Công ty Lơ Pang với mức giá gấp 4,5 lần giá trị của tài sản thuần có thể xác định được của công ty này tại thời điểm mua.
Tại ngày mua, Lơ Pang sở hữu diện tích đất canh tác nông nghiệp tại tỉnh Gia Lai, Việt Nam là 2.129 ha. Lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cho rằng công ty đã xem xét và đánh giá rằng việc mua cổ phần của Lơ Pang là mua tài sản, cụ thể là phần diện tích cho mục đích phát triển các cây trồng nông nghiệp và xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi sau này, không phải là hợp nhất kinh doanh.
Đáng chú ý, Hoàng Anh Gia Lai mua Lơ Pang với giá cao ngất ngưởng trong bối cảnh công ty có bức tranh tài chính bết bát. Năm 2021, thời điểm trước thương vụ thâu tóm nhiều yếu tố “đáng ngạc nhiên”, Hoàng Anh Gia Lai chỉ nhận 2.187 tỷ đồng doanh thu, giảm mạnh so với con số 3.190 tỷ đồng hồi năm 2020.
Dù doanh thu giảm nhưng Hoàng Anh Gia Lai vẫn đạt 128 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cải thiện nhiều so với con số lỗ 2.383 tỷ đồng của năm 2020. Tại ngày 31/12/2021, công ty gánh lỗ lũy kế 4.467 tỷ đồng. Đó là cũng là thời điểm tài sản công ty hao hụt mạnh. Tài sản đã giảm mạnh, “bốc hơi” hơn một nửa mà đa số lại nằm ngoài công ty.
Hồi cuối năm 2021, Hoàng Anh Gia Lai có tới 11.274 tỷ đồng chưa thu hồi được (6.536 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, 2.959 tỷ đồng các khoản phải thu dài hạn và 1.779 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn), chiếm 61,1% tổng tài sản.
Lơ Pang: Tài sản chủ yếu là nợ
Công ty cổ phần gia súc Lơ Pang được thành lập vào ngày 19/06/2020, địa chỉ trụ sở chính trùng với địa chỉ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, tại số 15 Trường Chinh, phường Phù Đổng, thành phố Pleiku, Gia Lai. Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là chăn nuôi lợn và sản xuất giống lợn.
Ở thời điểm thành lập, công ty có vốn chỉ 50 tỷ đồng. Sau nhiều lần điều chỉnh liên tục, tới ngày 9/2/2022, vốn điều lệ công ty đạt 500 tỷ đồng. Trước khi đạt mức 500 tỷ đồng, tại ngày 31/12/2021, Lơ Pang chỉ đạt 326 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 1.717 tỷ đồng nợ phải trả. Như vậy, tại Lơ Pang, nợ cao gấp 4,3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 81% tổng tài sản.
Trước khi Hoàng Anh Gia Lai sở hữu cổ phần chi phối tại Lơ Pang, Công ty này có những cổ đông ít được biết đến trên thị trường nhưng lại “quen tên” tại Hoàng Anh Gia Lai.
Cơ cấu cổ đông của Lơ Pang bao gồm: ông Nguyễn Kim Luân (sở hữu 40% vốn), ông Nguyễn Văn Quý (sở hữu 30% vốn), ông Lê Văn Thạch (sở hữu 30% vốn). Ông Nguyễn Kim Luân là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty.
Tới ngày 9/2/2022, vốn điều lệ công ty đạt 500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Nguyễn Kim Luân (42%), Nguyễn Văn Quý (29%), Lê Văn Thạch (29%). Đáng chú ý, hồi giữa tháng 8/2022, Hoàng Anh Gia Lai bị xử phạt tới 245 triệu đồng do cho cổ đông cá nhân vay hàng trăm tỷ đồng, công bố thông tin không đầy đủ theo quy định.
Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, trong năm 2021, Hoàng Anh Gia Lai có khoản giao dịch cho vay với bên liên quan là cổ đông cá nhân. Đến cuối tháng 6, Hoàng Anh Gia Lai cho một số cổ đông vay gần 600 tỷ đồng. Trong đó có 2 cái tên quen thuộc tại Lơ Pang là ông Lê Văn Thạch và ông Nguyễn Kim Luân.
Theo ghi nhận của PV, tại năm 2022, giá đất có cây trồng chủ đạo là cà phê tại nhiều khu vực tại Gia Lai được giao dịch trên thị trường vào khoảng 300-500tr/ha. Đó là kết quả của cuộc "bùng nổ" giá bất động sản lên cao một cách bất thường trong vài năm ngắn ngủi, trước đó giá trị đất nông nghiệp tại nhiều khu vực nơi đây còn thấp hơn rất nhiều.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899