Năm 2021: Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD
TCDN - Kết thúc năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng gần 23 % so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Công Thương sáng 9/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2021 là năm có nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là tác động nghiêm trọng, chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra. Cùng với cả nước, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
“Xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19% (vượt 15% so với kế hoạch đề ra), duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỷ USD”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; sắt thép các loại. Đặc biệt, dệt may và da giày là 2 nhóm hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 đã có sự phục hồi, với kim ngạch ước đạt 32,74 tỷ USD và 17,65 tỷ USD, ước tăng lần lượt 9,8% và 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trở lên tiếp tục tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong năm 2021 có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng so với năm 2020 và chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm 2020).
Thị trường xuất khẩu gia tăng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và đặc biệt tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...
Ở chiều ngược lại, cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, trong năm 2021 ngành Công Thương đã tiếp tục thực hiện tốt khâu kiểm soát nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu của cả năm đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020.
Trong năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 109,79 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 56,09 tỷ USD, tăng 19,6%; thị trường ASEAN đạt 41,1 tỷ USD, tăng 34,9%; Nhật Bản đạt 22,52 tỷ USD, tăng 10,7%; thị trường EU đạt 17 tỷ USD, tăng 16,1%; Hoa Kỳ đạt 15,5 tỷ USD, tăng 13%.
Tính chung cả năm 2021, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu khoảng 4 tỷ USD. Đây là năm thứ 6 Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu. Việt Nam xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU…
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng năm 2021 tăng 2,58%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh.
Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82% , cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (Quý I tăng 6,44%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 4,4%; quý IV tăng 6,52%).
Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, IIP cả năm 2021 tăng 4,8% so với năm 2020. Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Trong năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước.
Đặc biệt, tại các địa phương ngành công nghiệp đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn trong đại dịch: có 48 địa phương có chỉ số IIP tăng, chỉ có 15 địa phương có chỉ số IIP giảm so với năm 2020. Trong đó, tăng cao nhất các tỉnh gồm Ninh Thuận (24,6%), Đắk Lắk (23,8%), Gia Lai (20,5%), Hải Phòng (18,2%), Bình Phước (17,8%)....
email: [email protected], hotline: 086 508 6899