Nam Long: Lãi giảm 40%, nợ thuế, nợ người lao động vẫn tăng lương gấp đôi cho sếp
TCDN - Trong khi lợi nhuận “bốc hơi” 40% và phải nợ thuế, nợ người lao động, Công ty Nam Long vẫn rộng tay tăng lương gấp đôi cho Ban Tổng giám đốc.
Lãi giảm 40%, hàng tồn kho chất núi
Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (Công ty Nam Long) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với nhiều chỉ tiêu đi lùi.
Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4/2022 của Nam Long đạt 1.629 tỷ đồng, giảm 2.789 tỷ đồng, tương đương 63,1% so với quý 4/2021; lũy kế cả năm đạt 4.339 tỷ đồng, giảm 867 tỷ đồng, tương đương 16,7%.
Trong kỳ, công ty nỗ lực cắt giảm chi phí và tăng doanh thu hoạt động tài chính nên lợi nhuận có tốc độ giảm chậm hơn.
Cụ thể, trong quý 4/2022, tại công ty Nam Long, chi phí bán hàng giảm mạnh, giảm 194 tỷ đồng, tương đương 51,1% xuống 186 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ từ 222 tỷ đồng xuống 199 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhờ chuyển nhượng cổ phần, Nam Long thu được 307 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng 250,5 tỷ đồng, tương đương 443% so với quý 4/2021.
Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 chỉ giảm 179 tỷ đồng, tương đương 23,3% so với cùng kỳ xuống 590 tỷ đồng; lũy kế cả năm đạt 866 tỷ đồng, giảm 612 tỷ đồng, tương đương 41,4% so với năm 2021.
Cùng với doanh thu và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, Nam Long còn bị “mắc kẹt” với hàng tồn kho. Tại ngày 31/12/2022, hàng tồn kho của công ty là rất lớn, lên đến 14.828 tỷ đồng, chiếm tới 54,7% tổng tài sản công ty.
Hồi cuối năm 2021, chỉ tiêu hàng tồn kho tại Nam Long thậm chí còn cao hơn, đạt tới 15.490 tỷ đồng, chiếm 65,6% tổng tài sản và tăng mạnh so với con số 6.069 tỷ đồng hồi cuối năm 2020.
Có thể thấy chỉ tiêu hàng tồn kho tại Nam Long “bứt tốc” giữa dịch Covid-19. So với cuối năm 2019 – thời điểm trước khi Covid-19 xuất hiện, Hàng tồn kho đã tăng 10.530 tỷ đồng, tương đương 245%.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế “cài số lùi” khi giảm 141 tỷ đồng, tương đương 14% so với năm 2019.
Nợ thuế, nợ người lao động vẫn tăng lương gấp đôi cho sếp
Trong năm 2022, Nợ phải trả của Nam Long đi lên đáng kể khi tăng 3.683 tỷ đồng, tương đương 36,5% lên 13.773 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là Nam Long tăng cường nợ vay. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 1.293 tỷ đồng lên 1.804 tỷ đồng, Vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng từ 2.315 tỷ đồng lên 3.375 tỷ đồng.
Thế nhưng, đáng quan tâm hơn cả là chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là 327 tỷ đồng; Phải trả người lao động là 37,8 tỷ đồng.
Trong nợ thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp là khoản phải nộp lớn nhất, đạt 241 tỷ đồng. Đứng sau là thuế giá trị gia tăng (42,9 tỷ đồng), thuế thu nhập cá nhân (42,3 tỷ đồng).
Về chỉ tiêu Phải trả người lao động, Nam Long không thuyết minh nên không rõ công ty nợ lương hay nợ bảo hiểm hay kinh phí công đoàn.
Trong bối cảnh đó, Nam Long gây bất ngờ khi mạnh tay tăng lương cho ban Tổng giám đốc.
Cụ thể, trong năm 2022, Hội đồng quản trị nhận thù lao 17,7 tỷ đồng, tăng 6,3 tỷ đồng, tương đương 55,3% so với năm 2021.
Đáng chú ý hơn, Tổng giám đốc và các thành viên quản lý khác được trả tới 22 tỷ đồng, tăng 11,1 tỷ đồng, tương đương 102%.
Cổ đông “bạc mặt” vì cổ phiếu, lãnh đạo thất hứa
Trong thời gian qua, cổ phiếu NLG của Nam Long giảm mạnh cùng thị trường chung khiến cổ đông thua lỗ nặng. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1/2023, NLG dừng ở mức 29.200 đồng/CP, giảm 33.540 đồng/CP, tương đương 53,5% so với phiên cuối cùng của năm 2021.
Đà giảm hơn một nửa của NLG khiến vốn hóa thị trường Nam Long “bốc hơi” 12.885 tỷ đồng xuống còn 11.215 tỷ đồng. Như vậy, khoản đầu tư này của cổ đông Nam Long đã “bay hơi” hơn nửa tỷ USD.
Trong bối cảnh NLG “rơi tự do”, dàn lãnh đạo Nam Long, đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Xuân Quang và nhóm cổ đông liên quan được cho là có động thái “cứu giá” cổ phiếu khi lần lượt đăng ký mua vào. Tuy nhiên, nhóm cổ đông này đã không mua vào như đăng ký.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899