Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu công nghiệp trong bối cảnh hội nhập

02/05/2021, 14:39

TCDN - Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững các khu công nghiệp, chúng ta cần tập trung phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp ở các khu công nghiệp là thực sự cần thiết.

Tóm tắt

Để đạt mục tiêu phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguồn nhân lực được xem là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại của cả một quá trình.

Tuy nhiên, quá trình phát triển các khu công nghiệp diễn ra cùng với sự mở rộng không ngừng về số lượng các doanh nghiệp, khiến cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp tăng nhanh. Nhưng khả năng đáp ứng về nhu cầu chất lượng nhân lực cho các doanh nghiệp còn có nhiều hạn chế, nguyên nhân chính là người lao động trong các khu công nghiệp có xuất thân từ nông nghiệp, nông thôn nên cần có thời gian để đào tạo, tự đào tạo và thích nghi. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững các khu công nghiệp, chúng ta cần tập trung phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp ở các khu công nghiệp là thực sự cần thiết.

3-1

1. Phát triển nguồn nhân lực trong khu công nghiệp

1.1. Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực của xã hội bao gồm những người trong độ tuổi lao động (theo Bộ Luật Lao động) và ngoài độ tuổi lao động nhưng có khả năng hoặc sẽ tham gia lao động. Số lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và độ tuổi lao động; chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào sự nghiệp giáo dục đào tạo và thể chất người lao động, yếu tố di truyền, nhu cầu sử dụng lao động ở địa phương. Nguồn nhân lực là nguồn lực cơ bản của mỗi quốc gia, là tổng thể tiềm năng lao động của con người. 

1.2. Phát triển nguồn nhân lực 

Phát triển nguồn nhân lực là tạo ra tiềm năng của con người thông qua đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng và đào tạo lại, chăm sóc sức khỏe về thể lực và tinh thần, khai thác tối đa tiềm năng trong đó các hoạt động lao động thông qua việc tuyển, sử dụng, tạo điều kiện về môi trường làm việc, môi trường văn hóa, xã hội kích thích động cơ, thái độ làm việc của con người, để họ mang hết sức mình hoàn thành các nhiệm vụ được giao. 

Phát triển nguồn nhân lực được xem xét trên hai mặt chất và lượng. Ngoài ra phát triển nguồn nhân lực còn liên quan đến phát triển nguồn nhân lực theo một cơ cấu hợp lý nghĩa là nghĩa là phải có trình độ độ tuổi và giới tính hợp lý.

Phát triển nguồn nhân lực về mặt số lượng, nguồn nhân lực của một quốc gia, vùng lãnh thổ, về mặt số lượng thể hiện ở quy mô dân số, cơ cấu về giới và độ tuổi. Theo đó, nguồn nhân lực được gọi là đông về số lượng khi quy mô dân số lớn, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao.

Phát triển nguồn nhân lực về mặt chất lượng, cơ cấu: Phát triển nguồn nhân lực về mặt chất lượng là sự phát triển trên cả ba mặt: trí lực, thể lực và nhân cách, thẩm mỹ của người lao động.

Phát triển nguồn nhân lực ngoài việc phải phát triển đầy đủ về số lượng và chất lượng đòi hỏi phải phát triển lực lượng lao động theo một cơ cấu hợp lý phù hợp với đặc thù phát triển của nền kinh kế như: Trình độ người lao động như thế nào, độ tuổi có phù hợp không, giới tính như thế nào để đáp ứng công việc trong khu kinh tế.

1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển nguồn nhân lực 

1.3.1. Dân số, giáo dục - đào tạo: Như chúng ta đều biết bất kỳ một quá trình sản xuất xã hội nào cũng cần có 3 yếu tố: sức lao động, đối tượng lao động và tư liệu lao động; trong đó sức lao động là yếu tố chủ thể của quá trình sản xuất; nó không chỉ làm “sống lại” các yếu tố của quá trình sản xuất mà còn có khả năng sáng tạo ra các yếu tố của quá trình sản xuất. Điều đó chứng tỏ vai trò của nguồn nhân lực có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Trong các nguồn nhân lực sẵn có thì chất lượng nguồn nhân lực có ý nghiã đặc biệt quan trọng 

1.3.2. Cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức quản lý trong Khu kinh tế ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực 

Các khu kinh tế đã góp phần gia tăng khai thác nguồn nhân lực, giải quyết việc làm. Các khu kinh tế đã tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động và góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động. Ngoài số lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp các khu kinh tế cũng tạo ra việc làm gián tiếp đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, cung ứng vật liệu và dịch vụ. 

1.3.3. Thị trường sức lao động. Đây là một trong những đặc điểm làm thay đổi về chất và lượng việc phát triển nguồn nhân lực gắn với trạng thái chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế.

1.4. Vai trò của nguồn nhân lực đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội

Nguồn nhân lực có một vai trò hết sức quan trọng đến sự thành công hay thất bại của mỗi một doanh nghiệp, mỗi địa phương và mỗi một quốc gia, nếu tạo điều kiện cho nguồn nhân lực thể hiện tốt vai trò tiên phong của mình thì hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ không ngừng được nâng lên cả về chất và lượng, còn nếu một nguồn nhân lực kém chất lượng thì sẽ làm cho nền kinh tế phát triển chậm hoặc thậm chí kém phát triển và tụt hậu.

2. Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp ở các khu công nghiệp

Tính đến hết Quý IV năm 2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 56,12 triệu người, nữ chiếm 47,8 % (26,82 triệu người), trong đó số lao động trong độ tuổi lao động là 49,37 triệu người. Riêng tại các khu công nghiệp, theo Báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2019 có 335 khu công nghiệp đi vào hoạt động tạo việc làm cho gần 3,85 triệu lao động trực tiếp.

Theo số liệu Điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2018, đến 30/6/2018 cả nước có 48.769 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, chiếm 7,7 % số doanh nghiệp trên cả nước và thu hút khoảng 4.369.932 lao động (chiếm 29,86% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp cả nước). Như vậy, có thể thấy, so với doanh nghiệp chung trong cả nước, tỷ lệ doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao chỉ chiếm 7,7% tổng số doanh nghiêp mà tỷ lệ lao động chiếm hơn 29,86% tổng số.

Hiện nay, theo thống kê của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội, nhiều ngành nghề trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp như dệt - may, chế biến lương thực - thực phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử… thường có xu hướng sử dụng lao động giản đơn, tay nghề thấp, chưa qua đào tạo. Vì vậy, những dịch vụ đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho NLĐ chưa xuất hiện trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thường đầu tư công nghệ trung bình nên không đòi hỏi tay nghề cao, không có sự phân biệt lớn về kỹ năng giữa công nhân lâu năm và công nhân mới vào nghề.

Theo ông Đỗ Văn Sử- Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH-ĐT) các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá lao động Việt Nam có ưu điểm như: Chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp có bước chuyển biến tích cực; kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên, ở nhiều nghề, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế; lao động qua đào tạo nghề nghiệp tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, nhân lực của nước ta cũng có những hạn chế là chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu; Chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế- xã hội. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn có những khó khăn và chưa triển khai được nhiều; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề còn bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; quy mô nhỏ.

Dưới góc độ khác, bà Trần Thị Lan Anh- Phó Tổng Thư ký kiêm Giám đốc Văn phòng Giới và sử dụng lao động (VCCI) chia sẻ, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh, nhu cầu về nguồn nhân lực tại doanh nghiệp hiện nay đang phát triển theo hướng thu hút nhân lực có trình độ cao, nhân lực qua đào tạo chiếm đến 82,92%. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 12,46%, cao đẳng chiếm 17,04%, trung cấp chiếm 26,04%, sơ cấp nghề- công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 27,38%.

Như vậy, chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Việc đuổi kịp yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực trong thực tiễn đang là một vấn đề. Số liệu của Tổng Cục thống kê cho thấy ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp có tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo là cao nhất trong các ngành chiếm 34,5% tổng số lao động của ngành. Một số ngành khác như Du lịch, Thủy sản cũng được chuyên gia này đưa ra số liệu thống kê cho thấy tình trạng lao động chưa qua đào tạo hoặc có trình độ thấp còn chiếm tỷ lệ cao. Do vậy, Giáo dục nghề nghiệp cần phải đầu tư và có những biện pháp trọng tâm để đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động từ thực tế nói trên.

Đề cập các kỹ năng, nhóm kỹ năng nhà tuyển dụng quan tâm trong thời gian tới, ông Trương Anh Dũng- Tổng cục Trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đại dịch Covid-19 gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020 đã tạo ra một bức tranh không mấy triển vọng cho thị trường lao động toàn cầu trong thời gian tới. Số lượng việc làm mất đi sẽ vượt qua số lượng “việc làm của tương lai được tạo ra”. Đáng quan tâm, sự xuất hiện việc làm mới trong tương lai dự báo sẽ thiếu hụt về kỹ năng khi nhu cầu về kỹ năng do công việc thay đổi trong 5 năm. “40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ sẽ giảm lực lượng lao động do tích hợp công nghệ, 94% các lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo rằng họ mong đợi nhân viên có thêm các kỹ năng mới, tăng mạnh so với mức 65% vào năm 2018”- ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Trương Anh Dũng, thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 cộng với nỗ lực cải cách giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc chạy đua thu hút dòng vốn FDI từ các quốc gia khác trong khu vực đang tạo sức ép cạnh tranh lớn chưa từng có đối với chúng ta.

Các chuyên gia kinh tế nhận định có 5 lĩnh vực các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào là công nghệ thông tin và công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ. “Do vậy, chúng ta cần phải có các giải pháp chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề để vừa đón làn sóng dịch chuyển đầu tư, vừa tranh thủ thời cơ dân số vàng, vừa thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia”- ông Dũng nhấn mạnh.

3. Giải pháp

Thứ nhất, giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Để có được nguồn nhân lực chất lượng trước hết Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất phải chủ động, phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với việc đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo để có được, “đầu vào” có chất lượng và ổn định; Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục đối với người lao động; chú trọng các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện sống và làm việc của người lao động trong các khu công nghiệp.

Thứ hai, quy hoạch phát triển các KCN gắn với chiến lược phát triển nguồn nhân lực, tạo sự hợp lý giữa cung - cầu lao động

Để đáp ứng nhân lực cho các doanh nghiệp nói chung và nhân lực cho các khu công nghiệp nói riêng, cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo, nhất là mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề, gắn liền với các khu công nghiệp, khu chế xuất. Việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo, dạy nghề tạo điều kiện để công tác đào tạo, dạy nghề phát triển tập trung, bảo đảm cung ứng công nhân kỹ thuật lành nghề tại chỗ cho các doanh nghiệp; từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu công nhân kỹ thuật hiện nay, giảm sức ép di chuyển lao động giữa các vùng, miền.

Thứ ba, giải pháp về cơ chế, chính sách

Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển nhân lực, việc làm, giáo dục, đào tạo, chính sách tiền lương, khen thưởng, đãi ngộ; chính sách trọng dụng chuyên gia, kỹ sư, nhà thiết kế, phát minh, gọi chung là nhân tài, chính sách về môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc; chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm; chính sách cho các cơ sở đào tạo, cơ quan khoa học. Cải cách chế độ tiền lương cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, có chế độ ưu đãi cho người học. Đổi mới cách xây dựng nền giáo dục, đào tạo phục vụ nhu cầu xã hội, đào tạo đến đâu sử dụng đến đó.

Thứ tư, giải pháp đào tạo nguồn lao động cho các khu công nghiệp

Xây dựng trường đào tạo nghề mới ở các huyện có khu công nghiệp nhưng chưa có trường dạy nghề, cụm các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Triển khai thực hiện đề án quy hoach mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn đã được Thành phố phê duyệt; Ðẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hoá đào tạo nghề, huy động sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong đào tạo nghề; Cần định hướng cho các trường mở rộng thêm các ngành nghề mới; mở rộng hình thức đào tạo nghề; Khuyến khích nhân rộng mô hình Doanh nghiệp thành lập trung tâm đào tạo tại chỗ, nhận sinh viên về đào tạo và thực tập.

Thứ năm, giải pháp về nâng cao chất lượng người lao động trong các khu công nghiệp

Tổ chức tốt công tác mạng lưới dịch vụ cung ứng lao động, giao dịch, tìm hiểu và giới thiệu việc làm. Thành phố xây dựng ngân hàng dữ liệu về cung và cầu sức lao động và cung cấp những thông tin cần thiết, kịp thời cho các quận, huyện, xã, phường và nhân dân về vấn đề này; Người lao động chủ động tiếp thu và trau dồi kiến thức một cách có hiệu quả, có chất lượng và nhận thức rõ rằng chỉ có tay nghề cao, kỷ luật lao động tốt thì mới có việc làm ổn định, thu nhập cao, đời sống được nâng lên; Doanh nghiệp có chiến lược, lộ trình bổ sung, thay thế nguồn lao động với những tiêu chí cụ thể, chủ động đề xuất, phối hợp kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực với Thành phố, cơ sở đào tạo; thu hẹp khoảng cách giữa yêu cầu của doanh nghiệp và đào tạo ở nhà trường.

Tài liệu tham khảo:

1. Bùi Anh Tuấn, Tạo việc làm cho người lao động qua vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam, Luận án tiến sỹ, Đại học Kinh tế quốc dân, 1999.

2. Cục Việc làm (2018), số liệu “Điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2018”, Hà Nội.

3. Tổng cục Thống kê, Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, số 24, Quý IV/2019.

4. Các khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam: Phát triển vững mạnh năm 2019, idico.com.vn.

Phạm Văn Quan

Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy sản

Tạp chí in số tháng 4/2021
Bạn đang đọc bài viết Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu công nghiệp trong bối cảnh hội nhập tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận