Nâng cao năng lực cạnh tranh từ tạo động lực làm việc tại các NHTM

30/03/2023, 20:39
báo nói -

TCDN - Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất đem lại thành công cho doanh nghiệp. Thậm chí, theo các chuyên gia, kể cả khi chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phụ thuộc khá nhiều vào máy móc thì vai trò quyết định của con người vẫn không thể phủ nhận.

5-1

TÓM TẮT:

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất đem lại thành công cho doanh nghiệp. Thậm chí, theo các chuyên gia, kể cả khi chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phụ thuộc khá nhiều vào máy móc thì vai trò quyết định của con người vẫn không thể phủ nhận.

Trong lĩnh vực ngân hàng, nguồn nhân lực quyết định đến sự ổn định và phát triển của ngân hàng và an toàn của hệ thống ngân hàng. Việc tạo động lực làm việc cho người lao động đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Do đó, bài viết trình bày một số vấn đề về hiệu quả làm việc của nhân viên ở các ngân hàng thương mại, các yếu tố tác động đến động lực làm việc, từ đó đề xuất giải pháp tạo động lực làm việc, nâng cao năng lực cạnh tranh hệ thống ngân hàng thương mại trong điều kiện số hóa nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay.

1. Hiệu quả làm việc của nhân viên ở các NHTM

Hiện hệ thống TCTD bao gồm: 01 ngân hàng 100% vốn Nhà nước, 03 ngân hàng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 03 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) mua bắt buộc; 28 NHTMCP; 02 ngân hàng thuộc khối ngân hàng chính sách; 01 Ngân hàng Hợp tác xã; 16 công ty tài chính; 10 công ty cho thuê tài chính; 04 tổ chức tài chính vi mô và 1.181 quỹ tín dụng nhân dân; 09 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 02 ngân hàng liên doanh; 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 54 văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Về mạng lưới hoạt động, hệ thống NHTM có tổng cộng 12.326 chi nhánh và phòng giao dịch, tương đương 17 điểm giao dịch/100.000 người trưởng thành.

Năm 2020, NHTM Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất toàn hệ thống, đạt 23.045 tỷ đồng. NHTM Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có lợi nhuận trước thuế đứng thứ 3 toàn hệ thống và đứng đầu nhóm NHTM cổ phần tư nhân, với lợi nhuận trước thuế đạt 15.800 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, hệ thống các ngân hàng thương mại trở thành một trong những thành phần chủ đạo trong hệ thống tài chính với sự tăng không ngừng về quy mô cũng như là chất lượng các loại hình dịch vụ sản phẩm cung cấp cho thị trường với hàm lượng công nghệ ngày càng cao,… Các yếu tố này đặt ra các yêu cầu về nguồn nhân lực theo chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng đáp ứng xu thế phát triển của nền kinh tế số.

Theo số liệu báo cáo tài chính quý I/2022 của các ngân hàng, trong quý đầu năm nhiều ngân hàng ghi nhận hiệu quả làm việc của nhân viên tăng trưởng mạnh.

Đứng đầu trong nhóm khảo sát là VPBank, tại thời điểm cuối tháng 3/2022, ngân hàng này đang có 25.924 nhân viên. Lợi nhuận thuần trước rủi ro tín dụng của ngân hàng quý I đạt 15.278 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 11.146 tỷ đồng.

Theo đó, ước tính trong 3 tháng đầu năm trung bình mỗi nhân viên VPBank tạo ra 196,4 triệu đồng lợi nhuận thuần/tháng và 143,3 triệu đồng lợi nhuận trước thuế/tháng. So với con số đạt được trong năm 2019 là 73,9 triệu đồng lợi nhuận thuần/người/tháng và 31,8 triệu đồng lợi nhuận trước thuế/người/tháng, có thể thấy hiệu quả làm việc của nhân viên ngân hàng này đã tăng gấp 3 lần.

Bám sát VPBank trên bảng xếp hạng là Techcombank. Báo cáo tài chính quý I/2022 của Techcombank cho thấy, nhà băng này có mức lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng. Quy mô nhân sự của ngân hàng, lên đến 12.311 nhân viên, nên ước tính trung bình mỗi nhân viên của Techcombank đã tạo ra 189,6 triệu đồng lợi nhuận thuần/tháng và 95,9 triệu đồng lợi nhuận trước thuế/tháng.

Bên cạnh VPBank và Techcombank, một số ngân hàng khác cũng ghi nhận kết quả hiệu suất làm việc của nhân viên trong quý I vừa qua. Cụ thể, số liệu báo cáo tài chính quý I vừa qua của ngân hàng Vietcombank cho thấy, nhà băng này xếp thứ 3 với mức lợi nhuận thuần mỗi nhân viên mang về 183,2 triệu đồng/tháng, tiếp theo đó là MB với 168,1 triệu đồng/người/tháng, SHB với 143,8 triệu đồng/người/tháng, BIDV ghi nhận lợi nhuận mang về trên mỗi nhân viên đạt 143,7 triệu đồng/tháng.

Một loạt các ngân hàng khác như Vietinbank, ACB, LienVietPostBank hay Eximbank... cũng ghi nhận hiệu quả làm việc tăng mạnh trong thời gian qua.

Nhìn vào bức tranh hoạt động chung của các ngân hàng dẫn đầu nhóm khảo sát về hiệu quả công việc có thể thấy, để có kết quả này các ngân hàng cũng nổi tiếng với các quyết sách về nhân sự để thu hút nhân tài. Do đó, mức thu nhập lợi nhuận thuần trên mỗi nhân viên cao vượt mặt bằng chung một phần nhờ vào việc thực hiện các quyết sách quan trọng, góp phần tăng nội lực ngân hàng vừa xây dựng đội ngũ nhân sự gắn kết cùng lộ trình phát triển.

Điển hình, tại VPBank mấy năm gần đây ngân hàng đều có kế hoạch phát hành cổ phiếu lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP). Năm nay, nhà băng này sẽ dùng 30 triệu cổ phiếu quỹ bán cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP, giá bán là 10.000 đồng/CP.

Trước đó, tháng 8/2021, VPBank cũng phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP từ nguồn cổ phiếu quỹ, tương ứng 0,611% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư gần đây, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, mục đích phát hành cổ phiếu ESOP nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ nhân viên; gắn liền lợi ích của cán bộ nhân viên với lợi ích công ty, tạo động lực cho người lao động; khuyến khích cán bộ nhân viên, tăng động lực cho cán bộ nhân viên khi công tác chuyên môn tại công ty; thu hút nhân tài và giữ chân những cán bộ nhân viên có năng lực phục vụ lâu dài cho công ty.

Tương tự, tại Techcombank, nhà băng này cũng liên tục thực hiện các đợt phát hành cổ phiếu ESOP. Trong các năm 2018, 2019, 2020, 2021 Techcombank thực hiện phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên với khối lượng lần lượt là 17 triệu cổ phiếu, 3,5 triệu cổ phiếu, 4,76 triệu cổ phiếu, 6 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Năm nay kế hoạch của ngân hàng này phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Song song đó, ban lãnh đạo luôn kiên định với chiến lược xây dựng đội ngũ nhân sự xuất sắc vốn được đào tạo, kế thừa từ nội bộ và chiêu mộ nhân tài từ các tổ chức lớn trên thế giới, nhằm đảm bảo lộ trình trở thành ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả và dẫn dắt quá trình số hóa thị trường tài chính Việt Nam.

Đáng lưu ý, nhờ năng suất làm việc hiệu quả nên thu nhập của nhân viên các ngân hàng cũng khá cao. Xét về con số tuyệt đối, nhân viên Techcombank giữ “quán quân” với thu nhập bình quân đạt 44,7 triệu đồng/tháng trong 3 tháng đầu năm, tăng tới 65% so với mức thu nhập bình quân trong năm 2019 là 27,1 triệu đồng/người/tháng.

Lương và phụ cấp của nhân viên MB đang đứng thứ hai trong nhóm khảo sát khi đạt trung bình 35,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 24,7% so với mức chỉ 28,3 triệu đồng/người/tháng trong năm 2019.

Tiếp theo là thu nhập bình quân của nhân viên Vietcombank đạt 32 triệu đồng/người/tháng, Sacombank đạt 29,4 triệu đồng/người/tháng, BIDV đạt 25,6 triệu đồng/người/tháng, VPBank đạt 22,7 triệu đồng/người/tháng…

2. Các yếu tố tạo động lực cho nhân viên ngân hàng

Nghiên cứu thực tiễn cho thấy, các yếu tố tạo động lực cho nhân viên các NHTM được thể hiện ở các nội dung sau:

- Chính sách lương, thưởng: Chính sách này đóng vai trò quan trọng để tái sản xuất sức lao động tại các doanh nghiệp nói chung và các NHTM nói riêng. Tiền lương chỉ trở thành động lực thúc đẩy người lao động khi: Chính sách tiền lương hợp lý; Mức chi trả tiền lương được hình thành có cơ sở khoa học; Cơ cấu tiền lương tương xứng và hình thức trả lương phù hợp.

Trong những năm qua, các NHTM luôn quan tâm đến chính sách lương, thưởng nhằm tạo khuyến khích và động lực làm việc cho cán bộ, nhân viên. Thậm chí, chính sách lương, thưởng trong các dịp lễ, Tết cho cán bộ, nhân viên luôn là vấn đề, thu hút được sự quan tâm không chỉ của người lao động mà toàn xã hội. Đánh giá chung cho thấy, chính sách lương, thưởng, phúc lợi tại các NHTM hiện nay phù hợp với mặt bằng chung của xã hội, thậm chí cao hơn so với các ngành nghề, lĩnh vực khác. Các NHTM luôn nỗ lực trong việc nâng cao thu nhập cho người lao động.

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 của Techcombank cho biết, thu nhập bình quân nhân viên đạt 44 triệu đồng/tháng, tăng 7 triệu đồng/tháng so với năm 2020. Trong đó, tiền lương bình quân tháng tăng từ 30 triệu đồng/tháng lên 36 triệu đồng/tháng.

Trong năm 2021, Techcombank đã chi hơn 6.365 tỷ đồng để trả lương và các chi phí liên quan (tăng so với 5.151 tỷ đồng năm 2020) cho 12.506 cán bộ, nhân viên ngân hàng và các công ty con (tăng so với 11.802 nhân viên năm 2020).

Tại MB, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cho thấy, cuối năm 2021, ngân hàng này có 15.178 nhân viên, giảm nhẹ so với 15.208 nhân viên cuối năm 2020. Thu nhập bình quân nhân viên trong năm 2021 là 31,61 triệu đồng/tháng, tăng so với mức 28,93 triệu đồng/tháng năm 2020. Được biết, chi lương và các khoản đóng góp theo lương cho nhân viên năm 2021 của MB là 6.505 tỷ đồng, tăng 673 tỷ đồng so với năm 2020.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của ACB, Ngân hàng đã dành 1.967 tỷ đồng để chi lương và phụ cấp cho 11.772 nhân viên. Mức chi này tăng 214 tỷ đồng so với con số 1.753 tỷ đồng của năm 2020 với 11.267 nhân viên. Thu nhập bình quân mỗi nhân viên năm 2021 là 32 triệu đồng/tháng, tăng so với mức 26 triệu đồng/tháng năm 2020.

Đối với HDBank, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 thể hiện, Ngân hàng dành 3.412 tỷ đồng chi lương và phụ cấp cho nhân viên, tăng 213 tỷ đồng so với năm 2020. Tổng số nhân viên trung bình năm 2021 là 14.688 người, tăng 436 người so với năm 2020. Theo đó, thu nhập bình quân là 19,3 triệu đồng/người/tháng, tăng nhẹ so với mức 18,71 triệu đồng năm 2020.

Trong nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, lương và phụ cấp bình quân mỗi nhân viên tại Vietcombank năm 2021 dẫn đầu với 34 triệu đồng/tháng, tăng 2 triệu đồng/tháng so với năm 2020. Lương và phụ cấp bình quân mỗi nhân viên tại BIDV và VietinBank tăng hơn 2 triệu đồng/tháng, lần lượt đạt 28,5 triệu đồng/tháng và 27,5 triệu đồng/tháng.

- Tính chất công việc: Đây là một thành tố quan trọng động viên nhân viên. Hackman và Oldham cho rằng, công việc có những đặc trưng thiết yếu và tồn tại một động lực nội tại, từ đó người lao động sẽ được kích thích tăng năng suất làm việc tùy theo bản thân mỗi công việc. Với việc áp dụng các kinh nghiệm quản trị trên thế giới, các ngân hàng đã có sự phân định công việc rõ ràng ở các phòng ban, cơ bản thiết kế mô tả công việc cho từng phòng ban, vị trí… Bên cạnh đó, hiện nay, tại các phòng ban, cơ bản những người trẻ, có kiến thức, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, dễ tiếp thu những kiến thức mới, chịu được áp lực cao, ưa thích những công việc nhiều thách thức và thú vị…

- Môi trường làm việc: là nơi mà người lao động gắn bó trong suốt thời gian làm việc, nơi diễn ra quá trình thực hiện công việc của người lao động, bao gồm: Điều kiện làm việc và cơ hội thăng tiến.

Khảo sát tại các NHTM cho thấy, về điều kiện làm việc, các ngân hàng đã chú trọng tạo môi trường làm việc thân thiện, gắn kết; Chú trọng đầu tư, hiện đại hóa hệ thống phần mềm, trang thiết bị và xây dựng cơ sở hạ tầng để tác động tích cực đến động lực làm việc và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Đặc biệt, trước xu thế bùng nổ của Fintech và Cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng đã quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ, qua đó hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên quản lý, triển khai công việc hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.

Trong khi đó, về cơ hội thăng tiến, các NHTM có chính sách đề bạt, thăng tiến và tạo điều kiện công bằng cho tất cả các nhân viên trong việc thăng tiến. Thực tế cho thấy hiện nay, nhiều cán bộ chủ chốt cấp cao tại các NHTM có tuổi đời khá trẻ, được tạo cơ hội đào tạo, thử thách và bổ nhiệm lên các chức vụ mới.

- Đánh giá thành tích: Là quá trình đánh giá mức độ hoàn thành công việc của nhân viên theo những mục tiêu đã đặt ra trong một thời điểm. Hoạt động này nhằm cải tiến khả năng thực hiện công việc của người lao động và giúp lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra các quyết định nhân sự đúng đắn như đào tạo và phát triển, thù lao, thăng tiến… Thông thường việc đánh giá thành tích bao gồm việc xác định: Mục tiêu đánh giá; tiêu chí đánh giá; phương pháp đánh giá; đối tượng thực hiện đánh giá; thời gian và kinh phí đánh giá.

- Công tác đào tạo: Đào tạo nguồn nhân lực có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp nói chung và NHTM nói riêng. Thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo sẽ làm tăng kết quả thực hiện công việc của nhân viên, giúp họ nâng cao kỹ năng và kiến thức mới. Để đào tạo đạt kết quả cao, các NHTM cần phải: Xác định khả năng trình độ hiện có của người lao động, thực hiện phân tích công việc để biết được yêu cầu công việc, xác định được chiến lược phát triển của ngân hàng, mục tiêu, chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngân hàng. Thời gian qua, các NHTM thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cho nhân viên mới, các khóa đào tạo nghiệp vụ; Tạo điều kiện thuận lợi cho toàn bộ nhân viên tham gia học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kiến thức…

- Các hoạt động tinh thần: Yếu tố tinh thần được xem là động lực thúc đẩy người lao động, góp phần thúc đẩy tinh thần làm việc cho người lao động làm việc với tất cả lòng nhiệt tình. Thực tế cho thấy, công việc tại NHTM thường chịu áp lực rất lớn, do vậy việc luôn tổ chức các hoạt động tinh thần có thể góp phần thúc đẩy khả năng cống hiến, làm việc của người lao động. Thời gian qua, các NHTM luôn chú trọng đến các hoạt động tinh thần, nhằm tạo sự hứng khởi, vui tươi để các cán bộ, nhân viên cống hiến nhiều hơn cho ngân hàng. Các hoạt động teambuilding được tổ chức thường xuyên nhằm tạo sự kết nối trong các nhân viên...

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Để nâng cao động lực làm việc của nhân viên các NHTM, các ngân hàng cần tiếp tục chú trọng triển khai một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng chế độ lương, thưởng cạnh tranh, tương xứng với mức độ cống hiến của từng người. Thực tế cho thấy, chế độ lương, thưởng hợp lý và cạnh tranh, đảm bảo cuộc sống và công bằng sẽ tạo động lực thúc đẩy người lao động nâng cao trình độ nhằm đóng góp một cách tối đa cho hoạt động của ngân hàng.

Hai là, tạo cơ hội thăng tiến, phát triển nghề nghiệp cho nhân viên. Cùng với quá trình giao việc, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi hiệu quả làm việc của các vị trí quản lý và có những đánh giá kịp thời. Việc tạo cơ hội thăng tiến, phát triển nghề nghiệp hoặc luân chuyển vị trí đối với người lao động, đặc biệt là người trẻ có năng lực sẽ góp phần lan tỏa sức trẻ, sự sáng tạo, chuyên nghiệp trong công tác điều hành, quản lý cũng như kinh doanh tại các NHTM, góp phần làm mới công việc, tạo điều kiện cho nhân viên nắm bắt các kiến thức mới...

Ba là, xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao trình độ nhân viên. Ngân hàng có thể cử nhân viên đi học các lớp học nghiệp vụ trong và ngoài nước nhằm nâng cao thông qua việc hợp với các cơ sở đào tạo để mở các lớp hoặc mời chuyên gia đến giảng dạy trực tiếp tại hội sở, chi nhánh. Sau quá trình đào tạo, ngân hàng cần tạo điều kiện để mọi nhân viên có cơ hội ứng dụng những gì mình được học vào thực tế công việc hàng ngày.

Bốn là, đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc. Hiệu quả công việc phụ thuộc khá nhiều việc cơ sở vật chất, điều kiện làm việc tốt hay không. Thực tế, hiện nay, các NHTM luôn chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc tốt nhất để phục vụ công việc cho cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, đòi hỏi từ thực tiễn cần phải có chính sách nâng cấp, xây dựng các phòng giao dịch cho phù hợp với quy mô nhân sự, khối lượng công việc cho từng thời điểm phù hợp.

Năm là, tiếp tục quan tâm đến đời sống tinh thần, luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của cán bộ, nhân viên bởi ngân hàng là lĩnh vực có rất nhiều áp lực. Tổ chức du lịch, tham quan, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, là cơ sở tạo động lực hữu hiệu đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên đơn vị. Thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua giữa các phòng ban, kích thích sự ganh đua tích cực giữa các cá nhân người lao động, giữa các nhóm và tập thể…

Tài liệu tham khảo:

Trần Kim Dung (2009), Quản trị nguồn nhân lực, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội;

Lê Thế Giới (2011), Giáo trình quản trị học, NXB Tài chính;

Huỳnh Thị Sỹ Liên (2015), Tạo động lực thúc đẩy người lao động tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á, chi nhánh Đà Nẵng, Luận văn Thạc sỹ;

Nguyễn Sỹ Hưng (2016), Tạo động lực thúc đẩy nhân viên làm việc tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Kon Tum, Luận văn Thạc sỹ.

https://vietnamnet.vn/thu-nhap-cua-nhan-vien-ngan-hang-nao-khung-nhat-hien-nay-2045998.html

https://kinhtevadubao.vn/hoat-dong-cua-he-thong-ngan-hang-thuong-mai-viet-nam-nam-2020-thuc-trang-va-mot-so-khuyen-nghi-22000.html

GS. TS Vũ Văn Hóa - NCS. Hoàng Dũng

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Tạp chí in số tháng 3/2023
Bạn đang đọc bài viết Nâng cao năng lực cạnh tranh từ tạo động lực làm việc tại các NHTM tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận