Năng lực các nhà đầu tư nước ngoài cùng Công Thanh làm dự án điện LNG CT ra sao?

12/08/2023, 10:32

TCDN - Nếu chuyển sang nhiên liệu khí LNG, dự án nhiệt điện Công Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai và đưa vào vận hành trước năm 2030.

Chuyển từ điện than sang điện khí phù hợp Quy hoạch Điện 8, thuận lợi để về đích đúng hẹn

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 (Quy hoạch điện VIII), Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch 01 Nhà máy điện LNG với công suất 1.500 MW được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 và 01 Nhà máy điện LNG với công suất 1.500 MW được xem xét trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch các vị trí tiềm năng tại khu vực Quỳnh Lập - Nghệ An hoặc Nghi Sơn - Thanh Hóa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án Nhiệt điện Công Thanh được Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và hướng đến năng lượng xanh theo hướng đi tiến bộ của thế giới, nên chủ đầu tư của Dự án Nhiệt điện Công Thanh đã đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với các cấp có thẩm quyền chuyển đổi dự án từ điện than sang điện khí LNG với công suất từ 600 MW lên 1500 MW, và tăng quy mô dự án, vốn đầu tư từ 1,2 tỉ USD lên 2 tỉ USD.

Nếu chuyển sang nhiên liệu khí LNG, dự án nhiệt điện Công Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai và đưa vào vận hành trước năm 2030. (Ảnh minh họa: congthanhgroup.com)

Nếu chuyển sang nhiên liệu khí LNG, dự án nhiệt điện Công Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai và đưa vào vận hành trước năm 2030. (Ảnh minh họa: congthanhgroup.com)

Được biết, vào tháng 7/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu than sang nhiên liệu LNG cho Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh.

Theo đó, khi chuyển đổi, Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh sẽ sử dụng khí LNG nhập khẩu, tiêu thụ từ 1,2 - 1,5 triệu tấn/năm; công suất nhà máy sau khi chuyển đổi sẽ tăng từ 600 MW lên 1.500 MW; sản lượng điện phát lên lưới trung bình hàng năm tăng từ 3,9 tỉ kWh lên 9 tỉ kWh. Ngoài ra, tổng diện tích sử dụng đất của dự án tăng lên 197,3 ha; công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp; cung cấp nước làm mát từ nước biển; và tổng mức đầu tư tăng từ 1,2 tỉ USD lên 2 tỉ USD.

Hiện nay, Thanh Hóa cũng đang tập trung thu hút đầu tư các dự án năng lượng, đặc biệt là các dự án điện khí LNG nhằm tận dụng lợi thế của Cảng nước sâu Nghi Sơn và hạ tầng đồng bộ của Khu kinh tế Nghi Sơn để sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm về năng lượng của cả nước.

Đặc biệt, dự án Nhiệt điện Công Thanh đã cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt, san lấp mặt bằng, và chủ đầu tư cũng đang làm việc với các nhà đầu tư uy tín nước ngoài để nghiên cứu tính khả thi của việc đầu tư dự án Nhiệt điện Công Thanh bằng nhiên liệu khí LNG.

Vì vậy, dự án Nhiệt điện Công Thanh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai dự án đầu tư và hoàn thành đưa vào vận hành trước năm 2030 (dự kiến trong năm 2028), nếu được chấp thuận chuyển sang nhiên liệu khí LNG trong năm nay.

Dự án LNG CT có sự tham gia của 3 nhà đầu tư nước ngoài với hồ sơ ấn tượng

Theo tìm hiểu của phóng viên, tổ hợp các nhà đầu tư tham gia dự án này bao gồm: Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh; Tập đoàn BP (British Petroleum, Vương quốc Anh); Quỹ đầu tư Actis (Vương quốc Anh); và Tập đoàn GE (General Electric, Hoa Kỳ).

Theo thỏa thuận giữa các bên, Công Thanh sẽ là chỉ huy chính cho Dự án. BP (BP Gas & Power Investment): cung cấp vốn, cung cấp giải pháp kho cảng, cung cấp khí cho dự án cũng như tham gia việc thu xếp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Actis (Actis Ambergen 2 Ltd): cung cấp vốn, chịu trách nhiệm chính trong việc thu xếp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế bao gồm các tổ chức cung cấp tín dụng xuất khẩu (ECA), các ngân hàng thương mại. GE (GE Capital Limited): cung cấp vốn, công nghệ thiết bị chính như turbin, máy phát ... nhà máy điện khí chu trình hỗn hợp tiên tiến nhất cũng như tham gia việc thu xếp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế như các tổ chức cung cấp tín dụng xuất khẩu (ECA), các ngân hàng thương mại.

 Được biết, vào tháng 7/2022, các bên tham gia dự án đã ký biên bản họp về việc thực hiện và góp vốn đảm bảo cho dự án LNG CT 1500MW được xây dựng.

Theo đó các nhà đầu tư nước ngoài cùng Công Thanh dự kiến triển khai dự án trên đều là các công ty được đánh giá là có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng.

Với sự quan tâm nghiêm túc của các nhà đầu tư nước ngoài có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực điện, các nhà đầu tư đã làm việc chặt chẽ với Công ty Cổ phần Nhiệt Điện Công Thanh và trực tiếp tham quan nghiên cứu vị trí dự án, đồng thời gặp gỡ các cơ quan có thẩm quyền đề nghị phát triển dự án.

Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những lợi thế lớn của dự án LNG CT so với các dự án LNG khác là hiện dự án đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và san lấp mặt bằng cho khu vực nhà máy chính của dự án đã sẵn sàng cho việc xây dựng. Cùng với đó, hạ tầng cho khu vực cảng nhà máy đã được đầu tư (san lấp mặt bằng, xây dựng kè bãi đến cao trình mặt bằng cảng) cũng như khảo sát cầu cảng và lên phương án tối ưu nhất cho cầu cảng LNG.

LNG CT cũng có diện tích mặt bằng dự án (64 ha đất khu vực nhà máy điện, 22ha đất và mặt nước khu vực cảng) đáp ứng đủ cho việc bố trí, lắp đặt 3000 MW (4x750 MW) điện khí LNG vận hành theo chu trình hỗn hợp.

Dự án điện khí LNG CT được triển khai sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, vượt trội. Đó là đảm bảo an ninh năng lượng, kịp thời bổ sung nguồn điện cho khu vực phía Bắc trong giai đoạn 1: 3000 MW (2026-2030) góp phần chủ động đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế -xã hội giai đoạn 2021-2030.

Cùng với đó, đáp ứng mục tiêu giảm phát thải ròng khí carbon vào năm 2050, góp phần thực hiện chiến lược giảm phát thải carbon. Việc chuyển từ điện than sang điện khí được đánh giá sạch hơn, giảm phát thải carbon ít hơn 50% so với điện than. Dự án sẽ sử dụng công nghệ tuabin khí tiên tiến nhất hiện nay của GE 9HA.02 có thể đốt kèm 50% khí Hydro tại thời điểm hiện tại và khoảng năm 2030 công nghệ của GE có thể được nâng cấp đốt 100% Hydro. Tỷ lệ đốt Hydro của Dự án tùy thuộc vào khả năng cung cấp và tính kinh tế của Hydrogen trên thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, dự án đi vào hoạt động sẽ là một dự án điển hình đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng sạch hơn, hoàn toàn đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí carbon bằng 0 (net-zero carbon) vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP26.

Dự án được triển khai sẽ hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo. Việc đưa vào hoạt động dự án điện khí LNG Công Thanh với đặc tính vận hành linh hoạt sẽ góp phần hỗ trợ tích hợp nhiều hơn nữa các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời tại khu vực miền Bắc, góp phần vận hành ổn định lưới điện, giúp hệ thống điện có tỷ lệ năng lượng tái tạo cao.

Đặc biệt, dự án góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 58/NQ-TW của Bộ Chính Trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Nghị Quyết 58/NQ-TW đặt mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Dự án đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch là một trong bốn cực tăng trưởng tại khu vực phía Bắc của cả nước theo Nghị Quyết số 58/NQ-TW của Bộ Chính Trị, gần trung tâm phụ tải phía Bắc sẽ góp phần giảm việc truyền tải xa, giảm tổn thất trên lưới điện.

Theo Giáo dục Việt Nam
Bạn đang đọc bài viết Năng lực các nhà đầu tư nước ngoài cùng Công Thanh làm dự án điện LNG CT ra sao? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan